MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều công ty chứng khoán chỉ sống nhờ kinh doanh nguồn

Với các quy định khắt khe-càng ngày càng khắt khe-các công ty chứng khoán dường như bất lực trược các “ông lớn” trên thị trường. Họ phải sống nhờ kinh doanh nguồn.

Mùa báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2015 đã đi được quá nửa chặng đường. Số doanh nghiệp báo lỗ năm nay giảm hẳn so với những quý trước đó và đây là một tín hiệu khá vui đối với thị trường.

Quá trình đào thải vẫn khốc liệt

Riêng về các công ty chứng khoán, quá trình đào thải đến nay vẫn chưa thể kết thúc dù đã có đến 2-3 năm tái cơ cấu hoạt động. Áp lực đào thải càng lúc càng lớn hơn nữa khi mà-theo như Chủ tịch HoSE ông Trần Đắc Sinh-đã nói: thị trường chứng khoán Việt Nam đang hoạt động hướng theo các quy định hết sức khắt khe, từ đó thị trường sẽ bắt đầu quá trình đào thải để chỉ giữ lại những nhà đầu tư có chất lượng.

Với các quy định khắt khe-càng ngày càng khắt khe-các công ty chứng khoán dường như bất lực trược các “ông lớn” trên thị trường. Số liệu thị phần môi giới 6 tháng đầu năm trên HoSE với top 10 công ty chứng khoán lớn nhất chiếm đến 65% miếng bánh môi giới cũng là một minh chứng cho điều này.

Hàng loạt công ty chứng khoán sống nhờ kinh doanh nguồn

Điểm qua kết quả kinh doanh của một số công ty chứng khoán trong kỳ báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm có thể thấy rất nhiều công ty chứng khoán chỉ còn chút ít doanh thu môi giới, tư vấn…, chỉ còn mảng doanh thu khác là vẫn còn.

Hơn 2/3 doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 của Chứng khoán An Thành (ATSC) đến từ doanh thu khác. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,7 tỷ đồng. Mảng môi giới chỉ còn mang lại cho ATSC hơn 1 tỷ đồng doanh thu, tương đương bằng một nửa cùng kỳ. Doanh thu môi giới eo hẹp, ATSC “cầm cự” tránh lỗ nhờ nguồn thu kinh doanh nguồn.

Câu chuyện đem 90% tổng tài sản đi gửi tiết kiệm của BMSC mà chúng tôi nhắc đến đầu năm nay có vẻ vẫn chưa hề thay đổi khi mà báo cáo tài chính kết thúc 6 tháng đầu năm nay của công ty tiếp tục đem 299 tỷ đồng gửi tiết kiệm có kỳ hạn trên 3 tháng. Đó là chưa kể đến hơn 9 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng đang được công ty theo dõi ở hạng mục tiền mặt.

Con số tiền gửi này nếu so sánh với tổng cộng tài sản hiện tại của BMSC là 338,6 tỷ đồng thì độc giả sẽ không lấy gì làm lạ khi 10,1 tỷ đồng doanh thu 6 tháng đầu năm của BMSC đã có đến 9,77 tỷ đồng là doanh thu khác (doanh thu tiền gửi và doanh thu dịch vụ khác).

Sống nhờ tiền gửi, Bảo Minh báo lãi gần 4 tỷ đồng 6 tháng năm 2015, chỉ đạt hơn một nửa mức lãi cùng kỳ.

Quý 2 năm nay, Morgan Stanley Hướng Việt (MSG) chỉ còn đạt 4,45 tỷ đồng doanh thu, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty đạt chưa đầy 1 triệu đồng từ doanh thu môi giới và đầu tư chứng khoán, 9,28 tỷ đồng doanh thu đạt được trong kỳ đến từ nguồn doanh thu khác. “Cục tiền“ 351,5 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng đến 1 năm lý giải cho con số doanh thu khác của Morgan Stanley Hướng Việt.

Hay như Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE), dù nguồn thu từ các mảng nghiệp vụ như môi giới, tư vấn vẫn khá đều đặn nhưng tăng trưởng doanh thu trong 6 tháng đầu năm của công ty lại phần lớn đến từ doanh thu khác (chủ yếu là hoạt động ký quỹ) với 56 tỷ trên tổng cộng 93,3 tỷ đồng doanh thu 6 tháng, tăng 46% so với cùng kỳ.

Nhờ doanh thu khác (chủ yếu là tăng hoạt động giao dịch ký quỹ), MBKE đạt tăng trưởng lợi nhuận gấp 10 lần so với 6 tháng đầu năm ngoái.

Công cuộc cạnh tranh của các công ty chứng khoán vẫn khốc liệt nhưng diễn biến âm thầm. Nhiều công ty đành lòng từ bỏ hàng loạt nghiệp vụ kinh doanh, duy trì "sự sống" bằng những đồng tiền cuối cùng còn lại. Nguồn thu của họ hiện chủ yếu là thu lãi ngân hàng hoặc thu lãi margin. Khó lòng "tự chết", họ chờ cơ hội hồi sinh từ những cuộc M&A. Hoặc, có lẽ, họ đang trông chờ cơ hội khác.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên