MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TÔI ĐẦU TƯ: Từ sinh viên nghèo, tôi mua nhà ở Sài Gòn trị giá 1 tỷ đồng như thế nào? (Phần 1)

Chiến lược của tôi là phải am hiểu và nắm bắt thông tin doanh nghiệp dự định đầu tư, danh mục thà ít chứng khoán nhưng chắc chắn. Tôi nghĩ đơn giản, khi ta làm một việc gì mà ta am hiểu, rành về nó thì cơ hội dành thắng lợi của chúng ta càng nhiều.

Cuộc thi viết TÔI ĐẦU TƯ tiếp tục nhận được nhiều quan tâm chia sẻ kinh nghiệm đầu tư của nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Mỗi người một câu chuyện và những kinh nghiệm thực tế của nhà đầu tư được chia sẻ cho nhau, bớt đi những sai lầm và tăng thêm những thành công!

Bài dự thi lần này của nhà đầu tư Nguyễn Ngọc Hiệp chia sẻ câu chuyện anh đã mua nhà ở Sài Gòn thế nào khi khởi điểm chỉ là một sinh viên nghèo. Chúng tôi giới thiệu bài viết này cho quý độc giả trong 2 chương, chương 1 kể về giai đoạn bén duyên với chứng khoán và chương 2 kể về thực hiện giấc mơ mua nhà ở Sài Gòn mà không dùng tiền lương tích lũy hàng tháng đăng tải vào sáng thứ 2, ngày 29/6/2015.


Chương 1: Bén duyên với nghề chứng khoán

Tôi lớn lên vùng quê nghèo đất Quảng Ngãi, tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa TpHCM năm 2005, khoa Quản Lý Công Nghiệp. Khoa tôi không dạy tôi cách thức chơi chứng khoán, chỉ dạy tôi kỹ năng quản lý điều hành, cách thức tiếp cận vấn đề một cách khoa học nhất.

Tôi may mắn

Tôi nhớ năm ấy sau khi tốt nghiệp xong, tôi có ngay công việc làm tại Công ty Cổ Phần Văn Hoá Phương Nam (PNC). Chắc mọi người ít nghe thấy, điểm nổi bật của PNC là hệ thống nhà sách rộng khắp các tỉnh thành lớn cả nước và hãng Phim Phương Nam. Ngày ấy, tôi đảm nhiệm vị trí chức danh Chuyên viên kế hoạch. Trưởng phòng của tôi là Anh Nguyễn Hải Sản, một người thầy chuyên giảng dạy bồi dưỡng các lớp ngắn hạn buổi tối cho Trường Đại Học Kinh Tế, và là tác giả cuốn sách Tài chính Doanh Nghiệp mà tôi rất yêu thích. Tôi đã trải nghiệm và học hỏi rất nhiều từ anh ấy.

Nhiệm vụ của tôi lúc ấy được giao là xây dựng kế hoạch kinh doanh công ty, niêm yết cổ phiếu PNC trên sàn HOSE, và phát hành thêm 2 triệu cổ phiếu PNC. Chính tôi là người viết báo cáo bạch công ty, công bố thông tin, quản lý cổ đông, chia cổ tức... mặc dù khi ấy tôi còn rất trẻ. Lúc đó, tôi phối hợp với anh Khiêm-Giám Đốc Công ty Chứng Khoán Bảo Việt, đơn vị tư vấn cho PNC. Vì vậy, tôi đã được học thực tế rất nhiều về chứng khoán, có những thuật ngữ chuyên sâu tôi cảm nhận và hiểu nó rất rõ, quy trình vận hành giao dịch chứng khoán tôi nắm rất rõ mặc dù không qua bất kỳ trường lớp sách vở nào về chứng khoán. Đúng là tôi bén duyên với nghề chứng khoán.

Tôi đã phải tự định nghĩa về chứng khoán, giải thích các vấn đề liên quan và tìm ra chiến lược đầu tư phù hợp

Trước tiên, tôi phải hiểu bản chất thực sự của chứng khoán là gì, tôi xuất phát lại từ đâu bỏ qua tất cả định kiến, suy nghĩ thông thường và tự đặt ra một câu hỏi thật đơn giản vậy chứng khoán là cái gì? Theo tôi:

Thuật ngữ Chứng khoán = Chứng + Khoán

Chứng, tôi hiểu là chứng nhận, hay xác thực có thể là một cuốn sổ có chữ ký hay một tài khoản lưu ký chứng khoán làm bằng chứng xác thực ta có vốn góp vào doanh nghiệp.

Khoán, tôi hiểu có thể hiểu là hàng hoá như: cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phát sinh quyền chọn, hợp đồng tương lai...Khoán ở đây dưới dạng mở, khi nền kinh tế càng ngày phát triển sẽ có phát sinh nhiều loại hàng hoá khác nhau.

Vậy chứng khoán đơn giản là một chứng nhận cho loại hàng hoá đặc thù, nó có giá trị trừu tượng, có thể dự trữ tài sản và có thể quy đổi ra thành tiền.

Quay trở lại tôi muốn đầu tư chứng khoán kiếm lời, vậy làm như thế nào tôi có thể đầu tư và đầu tư như thế nào, mục đích cuối cùng là sinh lời. Tôi thiết nghĩ, cách đơn giản nhất cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ như tôi là để sinh lời chúng ta có điều kiện cần là mua & bán. Điều kiện đủ là mua rẻ bán mắc (pv-bán đắt) thì sẽ có lợi nhuận. Tôi đi tìm hiểu về chúng từng vấn đề một.

Điều kiện cần là mua: chúng ta cần phải có tiền, và thực hiện việc mua chứng khoán. Vậy mua như thế nào là khôn ngoan, chắc chắn tôi mua rẻ, rẻ ở đây được hiểu là mua thấp hơn giá tôi sẽ bán.

Tôi nghĩ, có ba trường hợp mua: mua khi thị trường bình thường, mua khi thị trường lên giá và mua khi thị trường đi xuống, vậy thời điểm nào nên mua. Theo tôi, không có thời điểm nào nên mua cả, vì đơn giản chúng ta cần mua rẻ hơn giá bán thì chúng ta phải đánh giá được xu hướng chứng khoán đó có khả năng tăng hay giảm. Muốn làm tốt điều này, chúng ta cần có kiến thức về nó, có thể kiến thức về các chỉ số tài chính, kiến thức am hiểu ngành nghề chứng khoán chúng ta mua, có thể thông tin phi tài chính, thông tin từ quy định pháp luật có ảnh hưởng, tâm lý nhà đầu tư, thông tin xu hướng thế giới, thông tin nền kinh tế Việt Nam và trên toàn cầu, thông tin an ninh chính trị...

Tôi cũng nghĩ đến một kênh an toàn hơn chúng ta có thể nhờ các quỹ đầu tư, ở đấy sẽ có các chuyên gia tư vấn trong ngành, hoạt động chuyên nghiệp sẽ phân tích và đưa ra những nhận định có độ chính xác cao hơn. Đây là một giải pháp tốt cho những người mới tham gia thị trường, khi đó chúng ta vừa tham gia vừa học hỏi kiến thức, đánh giá, phân tích và thử ra quyết định và kiểm nghiệm lại phản ứng của thị trường xem rằng chúng ta có đưa ra quyết định đúng hay sai và tìm cơ sở để giải thích chúng và dần dần qua thời gian chúng ta sẽ có kỹ năng cho việc ra quyết định lúc nào nên mua.

Vậy còn bán thì sao, tôi phải bán khi thị trường lên hay xuống hay bình thường, lựa chọn thời điểm nào để tối đa hoá hơn nhuận. Tôi nghĩ, câu trả lời là không thể biết được đâu là thời điểm bán tốt nhất, vì không thể có giá nào là cao nhất cho thời điểm quyết định bán. Như vậy, tôi phải quyết định bán như thế nào, theo cá nhân tôi có hai yếu tố quyết định.

Thứ nhất, mức độ kỳ vọng của tôi, với mức lợi nhuận bao nhiêu là thoả mãn. Mức lợi nhuận thoả mãn này có thể làm phép so sánh với các cơ hội đầu tư khác ở cùng thời điểm để đưa ra quyết định có nên bán hay không.

Thứ hai, cơ hội đầu tư mới có tốt hơn cơ hội đang có, bán chốt lời hay cắt lỗ để đầu tư cho một cơ hội mới thì phải cân nhân với cơ hội cũ về tính hiệu quả và các chỉ số sinh lời. Nếu có một cơ hội mới tốt hơn thì việc bán đi để chốt lời hay cắt lỗ là một quyết định cần thiết.

Vậy vấn đề đặt ra có nên bán khi thị trường đang lên, xuống hay bình thường. Thị trường lên, xuống hay ổn định không là yếu tố quyết định. Tôi cho rằng, muốn tối đa hoá lợi nhuận chúng ta cần mua rẻ nhất và bán mắc nhất có thể. Vậy cơ sở để đưa ra quyết định tốt nhất là xem xu hướng chứng khoán ta đang nắm giữ khả năng theo chiều hướng nào, trong ngắn hạn hay dài hạn và tính tự chủ tài chính và khả năng chấp nhận của mình như thế nào về mức độ rủi ro, những nhận định xu hướng trong tương lai để có quyết định phù hợp nhất chứ không có cái gọi là quyết định tốt nhất. Tâm lý, kiến thức nhận định đánh giá của chủ đầu tư sẽ quyết định tất cả.

Chiến lược của riêng tôi: Am hiểu mới đầu tư

Khi giải nghĩa được các vấn đề như vậy, tôi đã tìm ra chiến lược đầu tư như thế nào là phù hợp. Chiến lược của tôi là phải am hiểu và nắm bắt thông tin chúng, danh mục thà ít chứng khoán nhưng chắc chắn. Tôi nghĩ đơn giản, khi ta làm một việc gì mà ta am hiểu, rành về nó thì cơ hội dành thắng lợi của chúng ta càng nhiều. Ngay khi lỗ, thị trường đi xuống tôi vẫn không muốn bán, hoặc giá lên cao khả năng chấp nhận bán để chốt lời của tôi phải suy nghĩ một cách kỹ lưỡng.

Đơn giản tôi không muốn lướt sóng quá nhiều, vì tôi luôn có kỳ vọng và có niềm tin vào các cổ phiếu tôi nắm giữ. Nếu lướt sóng hoài thì tất nhiên tôi sẽ quan tâm nhiều đến các loại cổ phiếu khác. Tôi không có nhiều thời gian làm việc này bởi đơn giản tôi không sống với chỉ nghề chứng khoán. Nên khi quyết định đầu tư tôi suy nghĩ, phân tích rất kỹ lưỡng ngay từ ban đầu rồi cho thả nổi cho đến mức kỳ vọng ban đầu tôi bán để đạt được mục tiêu của mình. Mục tiêu rất rõ rằng từ ban đầu của tôi là mua được nhà ở Sài Gòn, đó là mơ ước của một người tha phương như tôi.


Kính mời độc giả đón đọc chương 2 của bài dự thi: "Từ sinh viên nghèo, tôi mua nhà ở Sài Gòn trị giá 1 tỷ đồng như thế nào?" vào sáng thứ 2, ngày 29/6/2015 và ĐỪNG QUÊN gửi bài dự thi của bạn đến chúng tôi vào Huongnguyenthithanh@vccorp.vn / hainguyenduc@vccorp.vn / http://cafef.vn/gui-tin-nhanh.chn

Nguyễn Ngọc Hiệp

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên