MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trending search: BID lọt vào danh sách tìm kiếm nhiều nhất trong nửa đầu tháng 9, KDC bị “thờ ơ”

BID đã gây bất ngờ khi được cả FTSE Vietnam ETF và VNM ETF thêm vào trong danh mục đầu tư. Một ngân hàng khác là MBB cũng đang thu hút sự quan tâm bởi vấn đề “room khối ngoại”.

Thị trường chứng khoán trong nửa đầu tháng 9 có phần trầm lắng với sự dùng dằng bất thường của chỉ số và thanh khoản đi xuống. Trong hoàn cảnh như vậy, nhà đầu tư dành sự quan tâm chủ yếu cho các bluechips.

Theo thống kê của chúng tôi dựa trên số lượt tìm kiếm thông tin trên website cafef.vn trong nửa đầu tháng 9/2015, sự quan tâm của các nhà đầu tư dành cho top 10 các cổ phiếu sau: FLCHAGSSIBIDJVC - HHSCIIGASMBBVNM.

Dù không có thông tin gì nổi bật ngoài việc chi 50 tỷ đồng vào Bóng đá, FLC vẫn là cổ phiếu đứng đầu về số lượng tìm kiếm trong 2 tuần nay. Trong tháng 8, với việc công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2015, lượt tìm kiếm đối với FLC cũng cao nhất.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) đứng thứ 2 về độ quan tâm. Trong những phiên giao dịch cuối tháng 8, đầu tháng 9, cổ phiếu này xuất hiện những lệnh giao dịch thỏa thuận lớn xuất phát từ khối ngoại. Cụ thể, ngày 1/9, HAG được thỏa thuận khối lượng 11,3 triệu đơn vị tại mức giá 15.000đ/cp. Tổng giá trị của lệnh thỏa thuận HAG lên tới 169,5 tỷ đồng.

Phiên ngày 31/08, HAG cũng đã xuất hiện lệnh thỏa thuận 14,5 triệu cổ phiếu với giá trị gần 219 tỷ đồng. Sau đó, cổ đông lớn Credit Suisse thông báo đã bán ra 14,5 triệu cổ phiếu HAG và giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ 48,4 triệu (tỷ lệ 6,13%) xuống còn 33,9 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,29%).

Credit Suisse đã liên tục bán cổ phiếu HAG trong tháng 7. Việc này liệu có ẩn chứa một câu chuyện thú vị?

Đối với cổ phiếu SSI của CTCP Chứng khoán Sài Gòn, sự quan tâm của nhà đầu tư không có gì lạ khi đây là cổ phiếu của công ty chứng khoán tiên phong nới room lên 100% cho khối ngoại, và theo đó đã được giữ lại trong danh mục của FTSE Vietnam ETF.

Với câu chuyện nới room này, mặc dù UBCK có câu trả lời khá rõ ràng nhưng nhà đầu tư vẫn phân vân: SSI sẽ được nới room từ 1/9 hay từ 1/10 (khi Thông tư 123 có hiệu lực)? Câu trả lời là 1/9. Giá cổ phiếu SSI có xu hướng đi lên từ giữa tháng 5 đến nay với nhiều thông tin mới mẻ và đem lại nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư như nới room, việc ra đi hay ở lại ETF, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, kết quả kinh doanh…

Do đó, SSI cũng đứng thứ 2 về số lượt tìm kiếm trong tháng 8 vừa qua.

 

Biến động giá cổ phiếu BIDV trong 6 tháng

 

Cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam là một gương mặt mới trong danh sách tìm kiếm của nhà đầu tư trong thời gian gần đây. BID đã gây bất ngờ khi được cả FTSE Vietnam ETF và VNM ETF thêm vào trong danh mục đầu tư.

Đồng thời, BIDV cũng công bố một số thông tin mới như sẽ niêm yết 337 triệu cổ phiếu phát hành để nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB) vào đầu tháng 10, chậm nhất là đầu tháng 11/2015.

Cùng với đó, lượng cổ phiếu được mua trong đợt chào bán 270 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (sau khi nhận sáp nhập MHB) theo tỷ lệ 8,6% (sở hữu 1000 cổ phiếu được mua 86 cổ phiếu mới) sẽ được niêm yết trong quý IV năm nay. Cổ đông Nhà nước sẽ nộp tiền để mua cổ phiếu chứ không phải phát hành trái phiếu đặc biệt tăng vốn cho BIDV.

Như vậy, sẽ có thêm tối đa 12,74 triệu cổ phiếu freefloat sau đợt phát hành tăng vốn.

Ngân hàng TMCP Quân Đội (mã: MBB) đang thu hút sự quan tâm bởi vấn đề “room khối ngoại”. Kế hoạch tăng vốn, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược (trong nước và nước ngoài) đã được đề ra từ nhiều năm trước nhưng MBB vẫn chưa thực hiện. Theo kế hoạch, MBB sẽ phát hành 390 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược. Nếu toàn bộ số cổ phần này được phát hành cho nhà đầu tư trong nước, room nhà đầu tư nước ngoài tại MBB sẽ hở tương ứng 10% số lượng phát hành, tương đương với 39 triệu cổ phiếu.

Và nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng việc này sẽ sớm được thực hiện khi Ngân hàng Nhà nước đã chính thức phê duyệt kế hoạch tăng 38% vốn cho MBB vào ngày 16/7 vừa qua. Việc còn lại là chờ phê duyệt của UBCK.

CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh cũng là một cổ phiếu được nhiều người quan tâm với thông tin về việc chuyển đổi toàn bộ 1.200 tỷ đồng LGC sang cổ phiếu sau gần 1 tháng phát hành và mua 9,8 triệu cổ phiếu quỹ. Đây là lượng cổ phiếu được trái chủ Goldman Sachs chuyển đổi trong đợt chuyển đối trái phiếu của tổ chức này.

Bên cạnh đó, CII thời gian gần đây cũng là tâm điểm dư luận với động thái bán cổ phiếu của Tổng giám đốc Lê Hữu Bình và tâm thư của ông Bình về việc này.

Giá cổ phiếu gần như không thay đổi trong 2 tuần nay.

Đáng chú ý, cổ phiếu KDC của CTCP Kinh Đô đứng thứ 3 về số lượt tìm kiếm trong tháng 8 nhưng lại “biến mất” trong danh sách nửa đầu tháng 9. Có thể thấy, trong tháng 8, KDC với mức cổ tức đặc biệt 200% đã đem lại nhiều bất ngờ cho thị trường. Không chỉ gây nên sự giảm mạnh của VN30 trong ngày 11/08, việc này còn khiến nhà đầu tư bị giải chấp do giá cổ phiếu điều chỉnh khi chốt quyền nhận cổ tức. KDC cũng gây bất ngờ với thông tin rót 1.000 tỷ vào ngân hàng Đông Á nhưng kế hoạch đã bị ngừng lại.

Cho đến nay, việc các cổ đông chiến lược đồng loạt bán ra để giảm tỷ lệ sở hữu và những giao dịch mua bán khá thường xuyên của cổ đông nội bộ có vẻ không khiến NĐT quan tâm nhiều đến KDC như trước.

 

Hải Long

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên