MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường thép đang trong hỗn độn

18-03-2022 - 08:56 AM | Thị trường

Thị trường thép đang trong hỗn độn

Nhiều yếu tố đan xen cùng lúc: nhu cầu cao, giá sản phẩm liên tục tăng, nhưng chi phí đầu vào gây áp lực, Trung Quốc ồ ạt đầu tư nhà máy mới, một cấu phần nhu cầu lại suy giảm...

Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường S&P Global Platts, giá thép cây tại thị trường châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong khoảng 13 năm trở lại đây.

Nguyên nhân là do nhiều quốc gia đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng bằng việc thúc đẩy tiến độ các công trình xây dựng hiện có và khởi công các dự án mới. Trong đó, Trung Quốc là một ví dụ điển hình.

Ngoài Trung Quốc, nhu cầu thép cây hiện cũng đang gia tăng trên thị trường toàn cầu và được dự báo tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, giá than tăng cao cũng là những yếu tố bất lợi đối với ngành thép Việt Nam và thế giới.

Cùng đó, căng thẳng xung đột giữa Nga với Ukraine đi cùng với lệnh trừng phạt của phương Tây đối với lĩnh vực năng lượng và thép khiến thị trường thép toàn cầu, cũng nhiều hàng hóa nguyên liệu đầu vào biến động...

Trong khi đó, ở phía cung, xu hướng đáng chú ý hiện nay tập trung ở Trung Quốc - quốc gia đang ồ ạt đưa nhiều nhà máy mới vào hoạt động. Riêng với mặt hàng thép cuộn cán nóng, việc Trung Quốc liên tục mở rộng các nhà máy sản xuất dự kiến ​​sẽ làm tăng nguồn cung trên toàn cầu.

Theo tính toán của Platts, Trung Quốc hiện có khoảng 14 nhà máy thép cuộn cán nóng mới dự kiến ​​đi vào hoạt động vào năm 2022 với tổng công suất sản xuất HRC khoảng 41,4 triệu tấn/năm.

Đến năm 2023, sẽ có thêm 10 nhà máy thép cuộn cán nóng khác của quốc gia này đi vào hoạt động với tổng công suất sản xuất là 26,6 triệu tấn/năm.

Hiện tại, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của Trung Quốc đang ở mức 350 triệu tấn/năm. Vì vậy, khi các nhà máy mới được đưa vào vận hành kịp thời, năng lực sản xuất HRC của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 11,8% vào năm 2022 và 6,8% vào năm 2023.

Ở một dòng chảy khác, ngược với nhu cầu về thép xây dựng tăng cao, nhu cầu thép trong lĩnh vực sản xuất ô tô lại đang trong đà suy yếu do tình trạng thiếu chip bán dẫn, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu...

Cả hai nhà sản xuất thép lớn nhất của Nhật Bản và Hàn Quốc đều lên kế hoạch cắt giảm sản lượng thép thô hàng năm do những thách thức trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô.

Tại thị trường trong nước, hầu hết các doanh nghiệp cũng đều gia tăng sản lượng bán thép xây dựng.

Tập đoàn Hòa Phát cho biết, sản lượng bán hàng thép xây dựng của doanh nghiệp này trong tháng 2/2022 đạt 450.000 tấn, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ 2021 và tăng 17% so với tháng 1/2022. Trong đó lượng thép xây dựng xuất khẩu đạt 60.000 tấn, gấp gần 2 lần cùng kỳ năm 2021.

Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu từ các dự án đầu tư công cũng ngày càng lớn như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (Hà Nội), các gói thầu thi công thuộc cao tốc Bắc Nam, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, các bệnh viện lớn tại TP.HCM, dự án sửa chữa sân bay Tân Sơn Nhất…

Lũy kế 2 tháng đầu năm, thép xây dựng Hòa Phát đã đạt 828.000 tấn, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ 2021. Trong đó lượng thép xây dựng xuất khẩu đã giao hàng đạt 174.000 tấn, gấp 2,6 lần cùng kỳ với các thị trường chính gồm Singapore, Hong Kong, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia…

Sản lượng sản xuất thép thô của Tập đoàn Hòa Phát trong tháng 2 cũng đạt 693.000 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ 2021. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 708.000 tấn, tăng 39% so với cùng kỳ.

Như trên, chính sách thúc đẩy đầu tư công kích thích nhu cầu và tạo thuận lợi tăng mãi lực cho thị trường thép. Song ngược lại, giá thép tăng cao và nối dài từ trong năm 2021 đến nay, cộng hưởng thêm giá nhiều loại vật liệu xây dựng đã và đang tăng đặt ra thách thức đối với tiến độ và hiệu quả của đầu tư công.

Bức tranh thị trường thép trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang có một giai đoạn hỗn độn với nhiều yếu tố có ảnh hưởng lớn cùng đan xen như vậy, mà điểm chung cuối cùng cho đến nay là giá thép lên mức cao.

Theo Hạ An

BizLive

Trở lên trên