[Thi viết nghề môi giới BĐS] Con đường lập nghiệp gắn liền 3 chữ "Tiền – Tầm và Tâm"
Tôi muốn chia sẻ một vài ý kiến về những điều mà các nhà môi giới bất động sản cần có trong hành trang trước khi muốn gia nhập lĩnh vực này hay muốn tiến xa hơn trong những chặng đường nghề nghiệp sắp tới.
LTS: Đó là mở đầu bài viết về "Cuộc thi viết Nghề môi giới BĐS" của bạn Lữ Sơn Tùng tại TP.HCM. Ba chữ mà bạn Lữ Sơn Tùng muốn đề cập đến là "Tiền – Tầm và Tâm".
Quý độc giả có thể gửi bài viết của mình về địa chỉ email: batdongsan@cafef.vn
************
Làm gì thì cũng cần phải có Tiền, không có nhiều thì cũng phải có một số ít tương đối. Anh/Chị môi giới nào cũng cần khoác lên mình một bộ cánh thật bài bản. Không khách hàng nào muốn mua một tài sản hay bán một tài sản được giới thiệu qua một người môi giới xề xòa, lôi thôi.
Người môi giới mà không tôn trọng bản thân mình thì làm sao tôn trọng được tài sản của thân chủ mình. Họ cần có tiền để ngồi hàng giờ tại những quán café trao đổi thông tin với khách hàng, tìm kiếm tài sản tiềm năng chẳng hạn. Có tiền để thuê mặt bằng mở trung tâm môi giới bất động sản, trả lương nhân viên, duy trì các môi quan hệ phục vụ cho công việc … đủ cả. Vấn đề tiền rất quan trọng mà tôi và các bạn tôi thường hay đùa nhau rằng vấn đề đầu tiên là vấn đề tiền đâu.
Nhưng tiền chưa phải là tất cả nhiều anh/chị đã từng bán nhà – gom góp mọi thứ lao vào nghề này nhưng có thành công đâu. Người môi giới cần có một tầm hiểu biết đón đầu được xu thế của thị trường, họ phải biết phân tích được thị trường đang cần gì chứ không phải là họ đang có gì để bán.
Nhà môi giới làm được điều này thì các hợp đồng/ các thương vụ sẽ rất dễ thành công và hiệu quả mang lại sẽ rất tuyệt vời. Tuy nhiên chữ tầm nhìn ở một góc độ cao hơn là tầm ảnh hưởng trong nghề, tầm quan hệ - sự chi phối và tạo ra xu hướng của thị trường. Điểm này chỉ dành cho những cá nhân môi giới lão luyện hay đã phát triển doanh nghiệp của họ lên đến quy mô tập đoàn.
Người môi giới ngày nay là một bách khoa toàn thư sống, trong họ là tích hợp của rất nhiều ngành nghề mà xã hội đang có. Họ có thể hóa thân thành một banker thực thụ tư vấn vay vốn cho khách còn nhanh và điêu luyện hơn nhân viên ngân hàng hoặc là một nhà làm luật chuyên nghiệp nắm hết tất cả mọi thứ về luật nhà đất đai, luật công chứng, luật thuế thu nhập, luật dân sự …; một nhà xây dựng/ nhà thầu chuyên nghiệp; một nhà phong thủy. Và họ là bậc thầy của các mối quan hệ, khách hàng sẽ tròn xoe mắt trước những anh/chị môi giới mà cái gì cũng biết, ai cũng quen, chỗ nào quy hoạch cũng rành …
Tuy nhiên không có gì là dễ cả, nghề môi giới cũng mang trong mình nó những nghiệt ngã và đã đánh gục không ít người mới cũng như những người có kinh nghiệm trong nghề. Để sống được và phát triển được cùng nghề bạn cần có một cái tâm.
Người làm môi giới phải yêu nghề của mình thực sự, có yêu thì bạn mới có thể vượt qua được những tháng ngày mà không có hợp đồng thành công mà chỉ nhận lương cơ bản cầm hơi. Không ít lần có người phải bán nhà mà trả nợ cho những phi vụ đầu tư mạo hiểm để tiếp tục sống và làm nghề.
Cái tâm ở đây là sự tỉ mỉ, chu đáo tư vấn cho khách hàng trên từng thương vụ; xót xa chia sẻ với khách khi các khoản đầu tư bị lỗ hay bị lừa. Người môi giới thành công không phải là người kiếm được nhiều tiền nhất trên một hợp đồng mà là người có nhiều hợp đồng nhất, duy trì được nhiều mối quan hệ với khách hàng nhất.
Nghề môi giới thành công ở chỗ họ là trung gian chuyển tải những tích góp cả một đời, những nỗ lực của các khách hàng thành một tài sản cụ thể nào đó. Nên nếu họ làm nghề mà không có cái tâm thì nguy hiểm vô cùng và chắc có lẽ không nói quá khi xem những người làm ngược lại là một tội ác.
Ngày nay khi thông tin ngày càng phổ biến, khách hàng đã trở thành người tiêu dùng thông minh hơn thì sự chu đáo, tỉ mẩn trong tư vấn, xem từng tài sản của khách như chính là tài sản của mình sẽ mang đến nhiều trái ngọt trong kinh doanh và đưa những người môi giới bất động sản đi xa hơn trong nghề nghiệp của họ.
Gia nhập nghề môi giới bất động sản ngày nay rất dễ nhưng để đi được các bạn cần có một hành trang đầy đủ. Nếu mọi thứ được trang bị đầy đủ thì những nhà môi giới sẽ đi đến đích, đừng ngần ngại khi bạn chưa tham gia và đừng từ bỏ khi bạn đang thất bại. Bởi vì nếu bạn không thử thì bạn sẽ không bao giờ biết được bạn có thể làm được những gì.
Nhịp sống kinh tế
- [Nghề môi giới BĐS] 8 năm trong nghề, tôi mới hiểu rằng không dễ để đạt được thành công
- [Nghề môi giới BĐS] Đừng gọi tôi là cò!
- [Thi viết nghề môi giới BĐS] " Thương trường là chiến trường" và giọt nước mắt của tôi
- [Thi viết Nghề môi giới BĐS] Môi giới bất động sản - được gì và mất gì?
- [Thi viết nghề môi giới BĐS] Góc nhìn về nghề môi giới bất động sản của một sinh viên