MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Bạn có đầu tư như Warren Buffett?

Chúng ta đều vậy, quên đi thất bại rất nhanh mà ngủ quên trên chiến thắng thì rất lâu. Giọng điệu bào chữa khiến chúng ta không thừa nhận thất bại và không học được thêm gì cả. Tôi đã nghiệm ra rất nhiều điều sau khi để mất tiền.

Ăn đậm cổ phiếu HVN, lãi tính bằng lần đã từng khiến nhà đầu tư Nguyễn Hồng Liên quên sạch những bài học đã đọc. Mất tiền sau cú vào lệnh cũng là của HVN với niềm tin mình đang đầu tư giá trị và mình đúng, nhà đầu tư Liên đã học thêm được nhiều điều.

Kính mời quý độc giả đọc bài viết Bạn có đầu tư như Warren Buffett? của tác giả Nguyễn Hồng Liên và đừng quên gửi bài dự thi của mình qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn

***

Ai từng tham gia vào thị trường chứng khoán mà không ôm giấc mộng giàu có?

Bạn đã tham gia thị trường bao lâu rồi? Bạn từng hy vọng sẽ trở nên giàu có và nổi tiếng chứ?

Bạn đã đánh mất bao nhiêu tiền rồi?

Hẳn là chúng ta đều biết về ông trùm chứng khoán Warren Buffett. Chúng ta ngưỡng mộ ông ấy, mơ ước có thể trở thành một người giống như ông ấy.

Bạn đã đọc sách về ông ấy chưa? Bạn có làm theo những gì ông ấy nói?

Đúng vậy! Chúng ta có thể đã đọc rất nhiều, hoặc ít thì là 1 vài cuốn sách, nhưng hầu như không ai trong chúng ta hoàn toàn làm theo lời ông ấy nói.

Có người nói rằng: "Bạn chỉ cần mua cổ phiếu tốt và sống đến 90 tuổi giống ông ấy".

Nếu dễ dàng trở thành tỷ phú như vậy, tôi cũng muốn trở thành tỷ phú, nhưng cho đến giờ tôi vẫn chưa thấy ai quanh mình có thể mua vào 1 vài mã cổ phiếu mà giữ chúng nằm im trong tài khoản mà không động chạm tới trong vòng quá 2 năm (tất nhiên trừ khi đó là các tổ chức lớn hoặc ban lãnh đạo doanh nghiệp).

Nếu các bạn nhìn Dow Jones 10 năm, 30 năm hay 50 năm thì sẽ thấy mỗi đợt sụt giảm thị trường đều chỉ giống như 1 lần điều chỉnh thôi phải không? Nhìn chung Dow Jones vẫn luôn tăng trong suốt lịch sử của nó. Sách nói vậy phải không?

Nếu nhìn VNIndex và tạm coi như mã cổ phiếu của bạn chính là VNI. Giả sử bạn đen đủi mua VNI vào ngày 12/03/2007 khi VNI ở 1170 điểm, bạn đang 25 tuổi và định đầu tư đến 90 tuổi mới bán, đến bây giờ là sau gần 12 năm, bạn 37 tuổi, VNI đang xoay quanh 950-960 điểm, bạn vẫn chưa hòa được vốn sau 12 năm. Nên nhớ, Warren Buffett không mua và nắm giữ đến hết cuộc đời. Ông ấy mua khi cổ phiếu ở giá trị thấp và bán đi khi lợi nhuận đã ở mức khổng lồ.

Có nghĩa là để trở thành Warren, bạn cần mua đúng mã cổ phiếu (trong số N mã hiện tại), bạn cần mua đúng thời điểm (là mua khi giá còn rẻ), bạn cần kiên định (nhìn tài khoản bốc hơi ngắn hạn hoặc là tăng lên mà không bị các yếu tố gây nhiễu khác chi phối), bạn cần sống lâu, và bạn cần xác định đúng điểm bán ra để tối ưu hóa lợi nhuận nữa.

Có ai làm được không?

Tất nhiên là không rồi. Vì Warren Buffett chỉ có một. Không ai tự nhiên mà giàu cả ngoại trừ những kẻ trúng xổ số. Bạn đã bao giờ trúng xổ số chưa?

Vậy nên 5% những người thành công trên thị trường đều là những người tài giỏi, đừng bao giờ xếp họ vào hàng may mắn, bởi vì họ xứng đáng được công nhận là tài giỏi.

Quay trở lại VNI, nếu như bạn mua VNI vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3 năm 2009, khi VNI chạm đáy ở 236 điểm, bạn không cần phải tài giỏi lắm, không cần sống lâu như Warren, cũng không cần phải kiên định vì lúc đó thị trường đã tạo đáy rồi và VNI sẽ không thể xuống thấp hơn được nữa. Chỉ cần bạn mua là bạn đã thắng và vấn đề chỉ còn là là bạn sẽ chốt lời vào lúc nào thôi, 23/10/2009, hay là 10/04/2018, hay là bây giờ, hay là 30 năm nữa?

Nghe thì có vẻ dễ đấy nhỉ? Bắt đáy và chiến thắng.

Bạn đã bao giờ bắt đáy chưa?

Tôi đã từng như vậy. Người ta hay gọi là bắt dao rơi nhỉ? Tất nhiên, tôi cũng đã đứt tay.

Chính vì những người đi tìm đáy hay là đi tìm đỉnh, mà thị trường chứng khoán giờ đây trở nên đậm màu cờ bạc. Giá như có ai chỉ cho chúng ta đâu là đáy thì thật tốt phải không? À, cũng có rất nhiều người chỉ cho chúng ta đấy chứ? Là các "chuyên gia kinh tế", các broker, các trader "đồng nghiệp", các bình luận viên mạng xã hội, các nhà tiên tri, một số ông bà tỷ phú hay chủ doanh nghiệp đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn,… Các bạn sẽ tin lời ai trong số họ??? Và các bạn có kiếm được tiền nhờ họ không?

Tôi tham gia vào thị trường chứng khoán từ năm 24 tuổi, tôi cũng học theo cách đầu tư giá trị của Warren mặc dù tôi không biết là có thật sự "giá trị" hay không. Tôi không chắc là mình tiếp đã nhận khái niệm "đầu tư giá trị" có đúng như những gì Warren Buffett muốn truyền tải. Thế nào là doanh nghiệp tốt đang bị định giá rẻ?

Tôi không biết doanh nghiệp của mình hôm nay bán được bao nhiêu hàng? Tôi không biết lượng hàng tồn kho sắp tới dự sẽ được xử lý thế nào trước khi hết năm tài chính? Tôi không biết vị Giám đốc của mình hôm nay sẽ gặp ai? Tôi không biết người mới được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc xuất thân ra sao, năng lực thế nào? Càng không thể biết mặt mũi bộ hợp đồng liên kết sắp ký với đối tác,...

Nhà đầu tư là chủ doanh nghiệp ư? Tôi cũng là chủ đấy nhưng lại chẳng hề biết gì nhiều về doanh nghiệp của mình. Những điều tôi có thể biết được đều chỉ là một phần của sự thật, là những thứ mà những ông chủ lớn thực sự muốn chia sẻ cho tất cả mọi người cùng biết. Mà một phần của sự thật thì không phải là sự thật. Chúng ta đều vậy, chỉ thực sự biết được sự thật khi mọi thứ đã an bài. Vậy thì làm sao để biết đó là một doanh nghiệp tốt?

Các biến động khác thì sao? Hôm nay Việt Nam sẽ đón thêm dòng vốn đầu tư mới trị giá vài chục tỷ USD từ Nhật Bản, hôm qua Trung Quốc vừa kéo giàn khoan ra biển Đông hoặc là ngày mai Dow Jones có thể bị thổi bay thêm 800 điểm nữa vì Chiến tranh thương mại… Vậy thế nào là rẻ? Rẻ rồi có thể rẻ hơn được không?

Vậy đấy, "đầu tư giá trị" cũng luôn đối mặt với vô vàn những rủi ro khác nằm ngoài các con số ROE, ROA, EBITDA, hay là cạnh tranh thị trường.... Nếu như bạn nói rằng đầu tư giá trị thì cần gì quan tâm những điều đó, thị trường nhất định sẽ hồi phục, tất cả chỉ là ngắn hạn? Vậy thì một câu hỏi khác tôi muốn đặt ra là: Sẽ mất bao lâu để hồi phục lại như cũ? Sẽ mất bao lâu để được định giá đúng? Tôi có thể chờ được chứ?

Phần lớn chúng ta đều không chờ được. Tôi cũng không chờ được. Như VNI đã mất hơn 10 năm, hôm nay vẫn chỉ là 9xx điểm. Tôi không đủ bản lĩnh để nhìn tài khoản của mình bị bào mòn khủng khiếp mà không biết đến bao giờ tình trạng này mới dừng lại.

Vì vậy, dù rất muốn trở thành Warren Buffett, nhưng tôi không có đủ kiên nhẫn và tài năng để trở thành ông ấy. Trong suốt những năm qua, khoản lợi suất 10-12%/ năm không nhiều nhưng đủ để tôi hài lòng, lại cũng khiến tôi ngộ nhận rằng mình là nhà đầu tư giá trị. Năm 2018 với tôi là một năm đầu tư thất bại, một bài học lớn.

Năm 2017, tôi đầu tư vào mã HVN lúc 24.000Đ và bán đi lúc nó đạt đỉnh ~60.000Đ ngay trước khi bị Vietcombank thoái vốn. Tôi ăn trọn một con sóng lớn, lãi đậm và đã nghĩ rằng từ bây giờ mình dường như có thể kiếm ăn bằng chứng khoán.

Thắng ham ăn, thua ham gỡ. Sau khi chốt lãi thành công phi vụ đó và nhìn HVN ngay lập tức đổ đèo, tôi rất tự tin vào bản thân và rót tiền đầu tư nhiều hơn. Chính vì hưng phấn rót thêm gấp hơn 3 lần số vốn ban đầu, và mọi chuyện có vẻ kém suôn sẻ đi, tôi bắt đầu bị lỗ dần vào phần lãi, và như các bạn biết đấy, thị trường sau đó thật tệ. Sau vài đợt giảm sốc, tôi đã chính thức bị thổi bay toàn bộ số lãi trước đó và thậm chí âm thêm vào vốn gần 22% tài khoản.

Các bạn có biết điều buồn cười nhất là gì không?

Khi tôi bị lỗ, nghĩa là bị mất tiền, tôi tìm thấy rất nhiều sự đồng cảm ở trên mạng xã hội. Bọn họ cũng giống tôi, thậm chí thê thảm hơn tôi. Rất nhiều bạn bè gọi đến và than thở với tôi, rồi chúng tôi động viên nhau, tôi cảm thấy khá hơn một chút. Tôi cảm thấy được đồng cảm, và may mắn vì ít nhất trong đợt giảm sốc này tôi đã không thiệt hại nhiều như họ.

Bạn biết không, trên mạng xã hội nhiều người bình luận rất mắc cười, những bức ảnh chế và thơ văn về cuộc đời trader ở mọi nơi, trong đau khổ họ vẫn lạc quan đến vậy đấy. Cùng đồng cảm và lạc quan, tôi đã cười trong khi tôi mất tiền các bạn ạ. Tôi thích thú với những bức tranh, bài thơ chế như là: "Sáng nay bộ đội về làng,.."; và việc mất tiền không còn quá tệ như ban đầu tôi cảm nhận nữa.

Sau khi ngấm đòn ở mức -22%, tôi cắt lỗ, thị trường thì tiếp tục giảm sâu hơn nữa. Tôi bất chợt cảm thấy may mắn và hả hê vì đã kịp rời khỏi thị trường trước khi nó rơi thêm 1 đoạn. Vậy đấy, tôi đã cảm thấy may mắn trong khi tôi cũng đã để mất tiền!

Chúng ta đều vậy, quên đi thất bại rất nhanh mà ngủ quên trên chiến thắng thì rất lâu. Giọng điệu bào chữa khiến chúng ta không thừa nhận thất bại và không học được thêm gì cả. Tôi đã nghiệm ra rất nhiều điều sau khi để mất tiền. Tôi đang đầu tư sai cách. Tôi đã bất chấp đầu tư trong hưng phấn khi mà rõ ràng đã cảm nhận được tương lai mù mịt của kinh tế thế giới đang ở phía trước. Tôi đã hoàn toàn quên đi mọi nguyên tắc đầu tư.

Trước khi rút chân khỏi thị trường chứng khoán, thật may mắn cho tôi vì đợt bắt đáy cuối cùng đã giúp tôi lấy lại được một phần của những gì đã mất. Tính từ tháng 10/2017 đến khi chính thức tạm biệt thị trường chứng khoán vào 10/2018, tôi đã chỉ còn lỗ -7%. Một năm tài chính thất bại! Vẫn còn may vì đó là -7% chứ không phải là -22% phải không? Nhưng -7% của khoản tiền lớn đầu tư trong năm nay đã cuốn bay gần như toàn bộ thành quả của tôi trong 2 năm trước đó.

HVN với tôi là một chiến thắng và cũng là một lời cảnh tình về việc quá hưng phấn khi đầu tư.

Tạm biệt các bạn! Tôi sẽ quay trở lại vào một thời điểm khác phù hợp hơn, khi thị trường ổn định và khi mà bản thân mình đã chuẩn bị tốt hơn.

Cám ơn đã theo dõi những dòng chia sẻ này và chúc các bạn đầu tư thành công!

Nguyễn Hồng Liên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên