MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Chìm nghỉm trong sóng Sông Đà

Câu chuyện "vật lộn" trong sóng sông Đà là một kỷ niệm không thể nào quên với tôi, cũng như các nhà đầu tư muốn giàu nhanh mà không cần phải bỏ nhiều công sức. Dùng từ "vật lộn" có ý của nó, vì đã đu theo sóng Sông Đà thì không còn là "lướt" nữa, khi anh phải đặt cược, phải dám chơi, dám chịu.

Câu chuyện "vật lộn" trong sóng sông Đà là một kỷ niệm không thể nào quên của nhà đầu tư Đinh Thành Trung và có lẽ là của nhiều nhà đầu tư khác nữa.

Kính mời quý độc giả đọc bài viết Chìm nghỉm trong sóng Sông Đà và đừng quên gửi bài dự thi của mình cho chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn

***

Hẳn trong chúng ta, ai cũng sợ sóng thần đúng không? Đó là một trong những thảm họa thiên nhiên kinh hoàng nhất, gây ra nhiều thiệt hại khủng khiếp cho con người. Trên thị trường chứng khoán cũng có một loại sóng như vậy, chỉ một lần ào đến cũng cuốn bay đi rất nhiều tiền của nhà đầu tư, đó là sóng Sông Đà.

Cái tên thật hoành tráng ấy là một tập hợp gồm vài chục cổ phiếu, hầu hết là cổ phiếu nhỏ (penny) của các công ty thành viên trong Tổng công ty Xây dựng sông dà (trước đây là tập đoàn Sông Đà). Với số lượng cổ phiếu của các công ty con nhiều như vậy thì cổ phiếu Sông Đà là một "họ cổ phiếu" mang tình "cùng sống cùng chết" và "tính cờ bạc" rất cao trên sàn HNX. Đơn giản vì hầu hết những cổ phiếu họ SDx khó có thể bán cắt lỗ nếu đã sập sàn.

Trong lịch sử phát triển của thị trường Việt Nam thì SDx là một loại cổ phiếu gần như là huyền thoại. Một khi đã thắng sóng Sông Đà thì có thể đổi đời vì lợi nhuận cực cao, mà một khi đã thua thì … thua sấp mặt, thậm chí mất mặt, mất hết tất cả những gì có thể mất. Có thể có người bảo nói thế là phóng đại, làm gì đến mức đó, nhưng không hề, vì sự thật nhiều khi kinh khủng hơn chúng ta nghĩ.

Trong tâm trí tôi, những đợt sóng sông Đà thường là mở đầu và dẫn dắt cho sóng penny. Một khi sóng đến thì các cổ phiếu xây dựng và bất động sản khác cũng nương theo mà đi lên. Thị trường đã có lúc phát điên với sóng SDx, rất nhiều nhà đầu tư nhỏ đã vay mượn để đu theo, và tất nhiên là có những người mất rất nhiều. Nếu nhìn vào giá "trà đá" của một số cổ phiếu Sông Đà hiện nay thì không ai nghĩ họ SDx có thể gây ra những con sóng khổng lồ trên thị trường trong quá khứ như vậy.

Một điều lạ của họ cổ phiếu SDx là thị giá và giá trị. Có cổ phiếu của công ty làm ăn tốt, chia lãi đều mà giá vẫn thấp, trong khi có công ty không tốt thì giá cao. Theo tôi, điều này xuất phát từ hệ lụy của sự tàn phá từ sóng SDx trước kia. Dù là sóng tự nhiên hay nhân tạo thì hậu quả của việc giá cả thất thường chính là giá trị không đúng với thực tế. Và đó chính là sai lầm của vô số nhà đầu tư, đã khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân mất tiền "hơi oan uổng". Nhìn vào thị trường hiện nay, dù VN-Index có lúc tăng vượt 1000 điểm nhưng có ai ngờ được SJS (Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà) từng có giá 728.000 đồng vào năm 2007, rồi SD7 và S99 từng trên 300.000 đồng. Đó là các mức giá "trên trời" mà các nhà đầu tư lão luyện chắc không bao giờ dám sờ đến, chỉ có "đội lái" là chơi đùa với chúng mà thôi.

Trước lúc bong bóng vỡ 2008, sóng Sông Đà là một cái gì đó "đổi đời", còn sau đó, hồi 2010, 2011 vẫn có những con sóng Sông Đà lăn tăn. Đó là những con sóng có vẻ là cứu cánh cho những nhà đầu tư muốn kiếm chút đỉnh khi thị trường ảm đạm. Trên thực tế, SDx là những cổ phiếu rất tốt để … đánh bạc, vì giá lên xuống thất thường, lên xuống theo tin đồn, chứ không hẳn theo đúng giá trị thực.

Câu chuyện "vật lộn" trong sóng sông Đà là một kỷ niệm không thể nào quên với tôi, cũng như các nhà đầu tư muốn giàu nhanh mà không cần phải bỏ nhiều công sức. Dùng từ "vật lộn" có ý của nó, vì đã đu theo sóng Sông Đà thì không còn là "lướt" nữa, khi anh phải đặt cược, phải dám chơi, dám chịu. Kể cả trước và sau bong bóng 2008 thì không ai dám mua bừa bãi SDx dù thị trường có đi lên, mà phải thật chắc chắn mới mua. "Chắc chắn" ở đây là có "phím", vì mấy cổ phiếu đó tăng hay giảm thì có trời biết, trừ "đội lái".

Đu sóng theo lái tàu có vẻ là một việc nhạy cảm, vì không ai muốn thừa nhận mình đang cố lái tàu hay tạo sóng. Hôm đó, tôi và mấy người khác được "phím" mấy cổ phiếu Sông Đà. Với sự chắc chắn cần thiết mà chẳng quan tâm đó là Sông Đà nào, tôi chỉ lướt qua một vài thông tin cơ bản và thấy nó cũng ổn. Trong bụng tôi lúc đó chỉ nghĩ rằng, đây là cơ hội duy nhất để kiếm lãi, bình thường tôi sẽ không tất tay, nhưng lúc bấy giờ tôi đã bị dẫn dắt bởi sự hào hứng của đám đông. Lúc đó, rất nhiều người mua SD7 hay S99, một vài người thích tạo sự khác biệt đã dùng đến margin, mong thu lãi to.

Rồi chỉ trong vài ngày, sóng to trở thành sóng thần, cơn sóng thần tàn phá tất cả. Giá SDx giảm thảm hại, đội "lái", "phím" biến đâu mất tiêu cùng với lời thoảng qua gió "thị trường không ủng hộ, cố thoát đi". Vẫn biết là quyết định đầu tư của mỗi người, nhưng lúc đó tôi vô cùng tức giận chính bản thân mình. Nghĩ lại thì mức giá trên một trăm ngàn, thậm chí vài trăm ngàn là quá cao so với những gì công ty đó có thể mang lại, nhưng tôi đã bị mờ mắt bởi chỉ nghĩ đến thu lợi mà không tỉnh táo suy xét.

Sóng Sông Đà, cũng như các sóng cổ phiếu nhỏ khác, có sức mạnh chủ yếu tác động vào những nhà đầu tư nhỏ. Vì họ ít tiền, lại muốn nhanh chóng kiếm lãi lớn nên đã mắc bẫy, bị sóng cuốn trôi lúc nào không hay. Đó chính là kinh nghiệm xương máu của không ít nhà đầu tư thời hậu bong bóng vỡ.

Đinh Thành Trung

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên