MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Đừng tin vào báo cáo tài chính, con số đôi khi biết nói dối

Đừng vội tin vào Báo cáo tài chính, các con số trên Báo cáo tài chính có thể là con số biết nói nhưng chúng nói thật hay nói dối thì có lẽ chỉ có người lập, người kiểm soát báo cáo và một số ít người biết, nhất là trong điều kiện thị trường chưa hiệu quả, thông tin chưa thực sự minh bạch.

Nhà đầu tư Hồ Thủy Tiên nhận ra rằng, khi niềm tin dẫn đường thay lý trí thì cũng là lúc mình có thể bị lạc đường. Tài khoản tăng gấp 150% không có nghĩa là không thể -50% sau đó nếu mình không giữ vững tâm lý đầu tư.

Kính mời quý độc giả đọc bài viết Đừng tin vào báo cáo tài chính, con số đôi khi biết nói dối và đừng quên gửi bài dự thi đến chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn

***

Ngày trước khi học về lý thuyết thị trường hiệu quả, tìm hiểu về tác động của tài chính hành vi đối với thị trường chứng khoán tôi từng tin rằng mình có chút ít vốn kiến thức và sự vững vàng để giữ tiền và kiếm tiền khi tham gia vào thị trường. Nhưng khi thực sự bước vào cuộc chơi, chứng kiến giá trị tài khoản chứng khoán của mình tăng gấp 150% lần so với số vốn ban đầu trong vòng ba tháng đầu năm 2018 rồi trong những tháng gần cuối năm 2018 thì con số này là âm 50% thì tôi hiểu rằng mình đã ngộ nhận khá nhiều điều và rằng việc giữ vững được tâm lý để ra quyết định khi thực sự đổ tiền vào chứng khoán sẽ hoàn toàn khác hẳn việc đứng ngoài nhìn vào để đưa ra nhận định.

Bài học đầu tiên mà tôi rút ra khi tham gia vào thị trường chứng khoán là đừng vội đong đưa theo nhịp điệu rung lắc của thị trường. Bởi lẽ thị trường chứng khoán như một con lắc đong đưa không ngừng giữa sự lạc quan thái quá khiến giá cổ phiếu bị đẩy lên quá đắt và sự bi quan vô cớ khiến giá cổ phiếu bị đẩy xuống quá rẻ. Nếu tâm lý không đủ vững vàng, để rồi bị cuốn theo số đông thì ta sẽ dễ dàng rơi vào tình huống mua với giá đắt vì kỳ vọng giá còn tăng nữa và bán với giá cực rẻ do lo ngại thị trường tiếp tục giảm sâu hoặc do không còn đủ sức để duy trì tài khoản khiến các Công ty chứng khoán, Ngân hàng nhảy vào xử lý tài sản bảo đảm.

Thứ hai, đừng tự tạo ra tài khoản ảo trong suy nghĩ (một tài khoản lỗ và một tài khoản lời) và tách biệt hai tài khoản này. Theo như tài chính hành vi thì hiệu ứng phân bổ tài khoản này khá phổ biến và thể hiện qua việc ta sẵn sàng thực hiện ngay những lệnh bán mang lại khoản lời nhỏ nhưng trì hoãn không thực hiện lệnh dừng lỗ khi xuất hiện những khoản lỗ nhỏ. Phần đông người ta có xu hướng tách biệt tài khoản lời và tài khoản lỗ trong tâm trí, đồng thời luôn cố tối đa tài khoản lời và tối thiểu hóa tài khoản lỗ, nên giá lên một chút thì vội bán để kiếm lời còn giá xuống thì cứ giữ, xem như nó chưa được chuyển sang tài khoản lỗ. Cộng thêm tâm lý e ngại rằng nếu bán mà bị lỗ thì cảm thấy bản thân quyết định đầu tư kém hiệu quả, hay lỡ bán rồi mà giá lên thì sẽ nuối tiếc, dẫn đến việc cố thủ không dừng lỗ và sẵn sàng bán các cổ phiếu tăng giá hơn là cổ phiếu giảm giá. Điều này đúng với trải nghiệm tâm lý, cách ra quyết định của tôi và kết quả là phải chứng kiến tài khoản bị bốc hơi đáng kể.

Bài học thứ ba là cái gì thái quá cũng không tốt. Do vậy không nên đặt hơn phân nửa số trứng mình đang có vào cùng một rổ cũng như không nên chia nhỏ số trứng mình có cho quá nhiều rổ. Nếu đặt quá nửa số trứng mình đang có vào cùng một rổ, khi giá lên sẽ tạo cảm giác tài khoản mình gia tăng đáng kể tiếp tục kỳ vọng lạc quan thái quá và khi giá xuống thì khiến mình cảm thấy do dự nhiều hơn, chùn tay không đặt lệnh bán để dừng lỗ vì khó chấp nhận sự thật rằng mình đã thất bại và đang dần trắng tay. Tôi đã dành phần lớn số trứng mình có vào "rổ Hoa Sen" và kết quả khi Hoa Sen quay đầu giảm giá thì tài khoản của tôi cũng bốc hơi gần 50% giá trị. Ngược lại, nếu chia nhỏ số trứng mình có cho quá nhiều rổ thì thay vì có tác dụng đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro, lại dẫn đến hệ quả là khó kiểm soát danh mục cổ phiếu mình đang nắm giữ nên khó phản ứng để đưa ra quyết định bán hay giữ nhất là khi thị trường biến động mạnh.

Thứ tư, đừng vội tin vào Báo cáo tài chính, các con số trên Báo cáo tài chính có thể là con số biết nói nhưng chúng nói thật hay nói dối thì có lẽ chỉ có người lập, người kiểm soát báo cáo và một số ít người biết, nhất là trong điều kiện thị trường chưa hiệu quả, thông tin chưa thực sự minh bạch. Và nếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tiếp cận được nguồn thông tin từ thị trường thì có lẽ các thông tin đó đã lỗi thời hoặc bị tam sao thất bản. Do vậy phải luôn cẩn trọng vì giá cổ phiếu chưa hẳn đã phản ánh đúng giá trị thực hay tình hình tài chính hiện tại của doanh nghiệp.

Thứ năm, hãy luôn theo dõi, nắm bắt tình hình biến động của một số thị trường chứng khoán lớn mang tính chỉ báo của kinh tế thế giới. Thông qua kênh thông tin này, ta cũng có thể thấy được phần nào hiệu úng của tâm lý bầy đàn, chẳng hạn ngay khi có thông tin thuận lợi hay bất lợi từ thị trường chứng khoán thế giới như Chỉ số Dow Jones tăng hoặc giảm điểm lập tức có tác động tích cực hoặc tiêu cực cùng chiều lên chỉ số VN-Index và HNX-Index bất kể tình hình thực tế thế nào. Nếu tìm hiểu kỹ hơn về sự biến động này thì ta sẽ có nhận định rõ ràng và tâm lý vững vàng hơn để không bị cuốn theo đám đông để rồi phải chứng kiến cảnh tài khoản bốc hơi.

Ngẫm lại thì thị trường chứng khoán như một canh bạc lớn đối với những ai chưa tìm hiểu về nó và để niềm tin dẫn lối cho lý trí mà hành động theo đám đông, nhưng nó cũng là nơi đáng để đầu tư để sinh lời và trải nghiệm đủ cung bậc cảm xúc nếu ta dành đủ thời gian để tìm hiểu và có tâm lý đủ vững vàng, biết đủ, biết dừng đúng lúc trước những đợt sóng của thị trường.

Hồ Thuỷ Tiên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên