MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Đừng vay tiền để mua cổ phiếu

Ở thị trường Việt Nam, độ máu và liều của giới đầu tư thì chắc khỏi phải nói, họ sẵn sàng xài margin cao ngất, và không ít người vay mượn chỉ để "lên tàu" penny mà không tưởng tượng đến viễn cảnh trắng tay.

Nếu ai từng trải qua cảnh thị trường chứng khoán chỉ có một màu xanh sàn bên bán và bói khắp thị trường mới ra vài lệnh mua thì sẽ hiểu vay tiền để mua cổ phiếu hay sử dụng đòn bẩy hay cụm từ margin/margin call thường thấy có "sức mạnh" khủng khiếp đến thế nào.

Kính mời quý độc giả đọc bài chia sẻ Đừng vay tiền để mua cổ phiếu của tác giả Đinh Thành Trung và đừng quên gửi bài dự thi của mình cho chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn

***

Trong nguyên tắc đầu tư chứng khoán, có một dòng mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải cân nhắc, đó là vay tiền để mua cổ phiếu.

Các bạn có thể liên tưởng đến ngay đến việc sử dụng đòn bẩy tài chính để mua cổ phiếu, nhưng đó là một câu chuyện khác, bởi các công ty chứng khoán không bao giờ cho bạn vay tiền nếu họ không chắc chắn rằng bạn có thể trả tiền. Bạn phải có gì đó đảm bảo với ngân hàng, bên cung cấp tiền cho bạn rằng bạn sẽ trả nếu gặp rủi ro, và đó thường là chính số vốn đầu tư của bạn.

Ở đây, vay tiền để đầu tư là việc bạn đi vay một số tiền để mua cổ phiếu. Nói cách khác, nếu bạn thua lỗ thì bạn sẽ không thể trả nổi, hoặc sẽ phá sản. Vâng, tôi đang nói về cái tính "cờ bạc" của không ít các nhà đầu tư Việt Nam, trong đó có tôi. Thị trường chứng khoán Việt Nam có thời gian phát triển chưa lâu, giá cả của các cổ phiếu vẫn còn thất thường và sự phản ánh giá trị vào thị giá vẫn còn khiến chúng ta vò đầu, bứt tai. Trong bối cảnh đó thì việc vay tiền để mua một cổ phiếu là hành động nguy hiểm, bởi chỉ có 5-10% nhà đầu tư có lãi, còn lại thì... biết rồi đấy.

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet từng nói nhiều và đưa ra những lời khuyên về việc vay tiền mua cổ phiếu. Là một nhà đầu tư chuyên nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài, ông đưa ra lời khuyên sâu sắc về việc này "Đơn giản là không thể nào nói trước được cổ phiếu có thể rớt giá đến chừng nào trong một thời gian ngắn. Ngay cả khi bạn chỉ mượn số tiền nhỏ và khoản đầu tư của bạn chưa bị ảnh hưởng bởi đợt giảm giá thị trường, bạn cũng sẽ hoảng sợ vì các tiêu đề và các bài báo bình luận. Tâm không an thì khó lòng ra quyết định đúng".

Câu nói của "nhà hiền triết xứ Omaha" phản ánh một cách chân thực nhất về tâm lý của một nhà đầu tư dùng tiền vay mượn để mua cổ phiếu. Khi anh vay tiền tức là anh sẽ nóng lòng muốn thu lãi cao trong thời gian ngắn để mau chóng trả nợ. Anh sẽ sinh ra nóng vội, áp lực do chính anh tạo ra sẽ khiến anh ra quyết định sai lầm, ra vào không hợp lý. Sự căng thẳng của một con nợ sẽ là cây liềm của tử thần đánh bay sự nghiệp đầu tư. Đó là chưa kể áp lực, sự thúc giục từ phía chủ nợ sẽ khiến tâm lý anh căng như dây đàn, dễ dàng đóng vai "gà" cho các Big boy "chăn dắt". Ở thị trường Việt Nam, độ máu và liều của giới đầu tư thì chắc khỏi phải nói, họ sẵn sàng xài margin cao ngất, và không ít người vay mượn chỉ để "lên tàu" penny mà không tưởng tượng đến viễn cảnh trắng tay.

Đó chính là rủi ro của việc vay tiền để mua cổ phiếu, và tin rằng ai cũng biết điều đó. Tôi đã từng mắc sai lầm lớn khi vay tiền để mong gỡ gạc sau khi lỗ nặng, và thật đáng buồn, sai lầm lại nối tiếp nhau, khiến tôi liên tiếp ăn trái đắng.

Việc ham hố theo mấy "con tàu đắm" đã khiến vốn của tôi sụt giảm nghiêm trọng. Tôi đã nghỉ một thời gian không mua gì, tập trung vào nghiên cứu phân tích, đánh giá công ty, chọn ra một số cổ phiếu tiềm năng. Khi đó, sự tự tin đã trở lại, trong tôi nung nấu suy nghĩ phục thù. Vấn đề là số vốn còn lại không đủ cho kế hoạch của tôi. Suy nghĩ mất hai ngày, tôi quyết định vay tiền để quay lại thị trường. Khi đó tôi vẫn nhát tay, không dám dùng đòn bẩy nhiều, và cũng không muốn đổ vốn từ lĩnh vực khác vào mua cổ phiếu. Vậy là tôi đã vay tiền của họ hàng, bạn bè mỗi người một ít để tiếp tục "con đường phục thù" mình đã vạch ra.

Ban đầu, kế hoạch có vẻ trôi chảy khi tôi đã thu lãi ở hai cổ phiếu đầu tiên. Tôi đã canh hai cổ phiếu này và kiếm lãi ngon lành trong một tuần. Trên đà thắng lợi, tôi đã dùng 30% vốn để mua tiếp một cổ phiếu trong danh sách ngắm, còn 70% tôi đang theo dõi vài cổ phiếu tốt mà tôi đã dự đoán sẽ có sóng.

Sự việc bắt đầu tệ khi người bạn cho tôi vay tiền đột nhiên muốn tôi trả để anh đi mua nhà. Bối rối, tôi xin khất một tuần, với suy nghĩ sẽ lướt nhanh và ăn lãi như vừa xong. Không chần chừ, tôi mua ngay hai cổ phiếu đã ngắm sẵn, nghĩ bụng kiểu gì sau một tuần cũng lãi.

Nhưng rồi tôi đã thất bại. Tin xấu từ đâu bỗng xuất hiện. Thị trường chung giảm mạnh, bản thân cổ phiếu vừa mua thì cũng giảm mạnh do có tin xấu báo năm đó lỗ. Tôi như ngồi trên đống lửa, đi các nơi kêu gọi mọi người mua vì bản thân cổ phiếu đó rất tốt, nhưng đó là cố gắng vô ích. Tôi buộc phải bán lỗ để có tiền trả bạn, trả xong thì gần cạn cả vốn ban đầu. Thất vọng, tôi trả nốt những khoản vay khác, cuối cùng bị âm vốn. Phải một thời gian dài sau đó tôi mới dám quay lại thị trường.

Qua lần mất tiền đó, bài học rõ ràng được tôi rút ra là: không thể đánh mất sự tỉnh táo của mình chỉ vì vay tiền, và cố gắng dùng tiền của mình trước đã. Tin rằng, có không ít người có tham vọng muốn giàu nhanh nên đã nghĩ đến chuyện vay tiền như tôi, và thật sự chúng ta nên cân nhắc kỹ điều đó.

Đinh Thành Trung

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên