[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Lạc lối trong phân tích kỹ thuật
Việc giao dịch liên tục theo các tín hiệu kỹ thuật đã làm tôi mệt nhoài, căng thẳng vì suốt ngày dán mắt vào bảng điện. Tài khoản có lúc lãi lúc lỗ nhưng kết quả thu về sau mỗi tháng là ngày càng âm vào vốn đầu tư ban đầu.
- 21-12-2018[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Tôi là một "chết đơ"
- 20-12-2018[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Đói bụng thì món gì cũng muốn ăn, thị trường tăng thì cổ phiếu gì cũng muốn mua-tôi mất tiền vì thế
- 19-12-2018[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Mất tiền vì biết quá nhiều
Tưởng đâu phân tích kỹ thuật là chiếc chìa khóa "tĩnh" biết nói cho mình những điểm mua, điểm bán theo cách riêng của nó, nhà đầu tư Nguyễn Thành Trung đã tưởng mình nhìn thấy con đường làm giàu. Nhưng rồi mô hình đẹp, thanh khoản lớn...vẫn khiến mình thua lỗ.
Mời quý độc giả đọc bài viết Lạc lối trong phân tích kỹ thuật của nhà đầu tư Thành Trung và đừng quên gửi bài viết dự thi của mình đến ban biên tập CafeF qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn
***
Tôi đã tham gia thị trường chứng khoán 2 năm. Hiện tại viết những dòng này với một tâm thế thoải mái, tự tin sau hai năm sóng gió để tìm ra cho mình một phương pháp đầu tư đúng đắn, phù hợp với con người mình nhất.
Nhìn lại hai năm vừa qua, một quãng thời gian không dài cũng không hẳn là ngắn ngủi nhưng tôi đã trải qua những cảm xúc thăng hoa khi bắt đúng sóng cũng như trải qua cảm xúc cùng cực khi tài khoản bào mòn dần về con số 0. Hai năm này chắc hẳn nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng trải qua cảm giác giống tôi. Đây là giai đoạn mà thị trường phân ra hai thời kỳ, uptrend trong suốt 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, sau đó thị trường downtrend mạnh từ đỉnh 1200 xuống vùng giá 880 điểm suốt quãng thời gian còn lại của năm 2018.
Khi thị trường đang trong uptrend, tôi cảm thấy đầu tư chứng khoán sao dễ quá. Mua mã nào trúng mã đấy. Chẳng cần quá bận tâm đến các chỉ số ROE, ROA, PE,…. Thậm chí chẳng cần xem biểu đồ kỹ thuật hoặc chỉ xem một cách hời hợt vì con nào tôi mua cũng tăng vù vù. Lướt sóng HAG, FLC, DHM…rồi đảo hàng ACB, CTG, VCB,.…Những mã chứng khoán này tôi mua bán liên tục và tài khoản cứ tăng dần. Tôi như đang trên mây vì thấy mình quá đỉnh.
Và rồi như quy luật tất yếu, thị trường chứng khoán không thể nào tăng mãi được và đã đến lúc điều chỉnh mạnh từ mốc 1200. Các giao dịch mua mua bán bán liên tục của tôi đã làm hao mòn dần tài khoản. Rồi nghe trên các diễn đàn hô hào bắt đáy. Tôi cũng lao vào bắt đáy vài mã. Bắt đáy thì nó tiếp tục thủng đáy. Tôi bắt đầu hoảng sợ khi thấy tài khoản bốc hơi nhanh chóng vì liên tục bị "kẹp hàng". Cuối cùng tôi đã quyết định đóng hết vị thế của mình. Đây có lẽ là quyết định sáng suốt nhất của tôi vào thời điểm đó.
Lúc này tôi bắt đầu đọc kỹ hơn về phân tích kỹ thuật vì trước đây do đầu tư thắng liên tục nên tôi không thèm quan tâm trường phái nào cả. Tôi đã đọc và nắm bắt hết về các khái niệm và cách sử dụng các đường trung bình di động SMA, EMA, các mô hình giá tiếp diễn, đảo chiều…rồi các chỉ báo MACD, DAX, RFI, MFI, ICHIMOKU,….Tôi lại lên diễn đàn có các nhà đầu tư, nhà môi giới chuyên về phân tích kỹ thuật để nghe ngóng, nắm bắt tình hình. Được mọi người tư vấn là vào mã này mã kia, phải là bluechips, thanh khoản lớn...
Tôi có cảm giác như đã tìm ra con đường đi đến sự giàu có đây rồi. Tôi sẽ trả thù, sẽ lấy lại được những gì tôi đã mất thời gian qua. Nhưng kết quả vẫn không khá hơn so với khi tôi chưa có kiến thức tốt về phân tích kỹ thuật. Tôi theo dõi bằng phần mềm chuyên dụng tất cả các mã đang cho mô hình đẹp, thanh khoản lớn mà không cần quan tâm là doanh nghiệp đó kinh doanh gì? mô hình hoạt động thế nào? tăng trưởng lợi nhuận ra sao? Thực tế là tôi cũng đã đạt được kết quả ở một vài mã khi giá đi theo đúng tín hiệu kỹ thuật nhưng do tôi giao dịch liên tục, chốt lãi mã này rồi nhảy vào mã khác ngay khi có điểm mua đẹp nhưng rồi đường giá lại đi theo chiều ngược lại. Điểm mua sau khi "break out" khỏi nền giá tích lũy rồi lại quay về nền giá cũ và xuyên thủng luôn nền giá đó. Tôi lại vội vàng cắt lỗ. Việc giao dịch liên tục theo các tín hiệu kỹ thuật đã làm tôi mệt nhoài, căng thẳng vì suốt ngày dán mắt vào bảng điện. Tài khoản có lúc lãi lúc lỗ nhưng kết quả thu về sau mỗi tháng là ngày càng âm vào vốn đầu tư ban đầu. Cảm giác tồi tệ lại trỗi dậy trong tôi. Tôi tạm dừng giao dịch, nhìn bảng điện và lại xuất hiện các mã có điểm mua đẹp nhưng tôi mặc kệ. Trong tôi bấy giờ là cảm giác rất tệ và tôi nghi ngờ tất cả. Rõ ràng là không ổn. Cứ giao dịch thế này thì càng ngày càng lỗ và sẽ mất sạch tiền.
Thật may mắn, trong lúc đang khủng hoảng đường lối đầu tư, tôi đã đọc được một tài liệu đã làm thay đổi hẳn tư duy của mình. Tôi đã nhận ra được nhiều điều đơn giản ví dụ như cổ phiếu hay bất cứ mặt hàng nào sẽ tăng giá khi cầu nhiều hơn cung vậy nếu cổ phiếu thanh khoản cực lớn muốn bao nhiêu cũng có liệu có tăng giá dài hạn được không? Một doanh nghiệp kinh doanh bết bát mà cổ phiếu bỗng dưng tăng vù vù hay một cổ phiếu bluechip đang trong uptrend, cả hai cổ phiếu đều có điểm mua đẹp, mình mở vị thế mua theo phân tích kỹ thuật mà không cần biết các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, không quan tâm tới tình hình tài chính của doanh nghiệp đó thế nào sẽ gia tăng rủi ro hơn bao giờ hết tài khoản của bạn vì có thể với doanh nghiệp thua lỗ đang có chiêu trò đánh lên để xả hàng hoặc cổ phiếu bluechip của doanh nghiệp đang uptrend nhưng tăng trưởng doanh số đang chậm dần do sản phẩm của doanh nghiệp đã bão hòa trên thị trường thì rất có thể khi bạn mua vào thì cổ phiếu đang nằm ở vùng đỉnh.
Suy nghĩ và nhận ra rằng khi mua bất cứ mặt hàng gì cũng cần phải có sự hiểu biết về nó. Mua một chiếc xe thì cần biết chiếc xe đó do công ty nào sản xuất? Cơ chế vận hành, trang thiết bị, tiêu hao nhiên liệu thế nào? có xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra hay không? Cổ phiếu cũng tương tự vậy. Mua cổ phiếu thì cần phải hiểu doanh nghiệp đó kinh doanh gì? Tình hình kinh doanh, tình hình tài chính các năm qua và hiện nay thế nào? Thể hiện ở các chỉ số ROE, ROA, ROI,…, nợ vay qua các năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh qua từng năm, rồi PE đang ở mức bao nhiêu, kế hoạch kinh doanh trong tương lai thế nào? Một doanh nghiệp tốt, làm ăn có lãi, tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao, nợ vay thấp, kế hoạch kinh doanh trong tương lai mang lại nhiều tiềm năng phát triển to lớn thì ai cũng muốn mua và nắm giữ. Cổ phiếu cô đặc do không ai muốn bán ra cả tất yếu giá cổ phiếu sẽ tăng. Có thể trong ngắn hạn giá cả biến động nhưng về dài hạn sẽ tăng do dòng tiền đầu tư giá trị sẽ tìm đến và khi đó cổ phiếu sẽ thể hiện được giá trị của doanh nghiệp.
Với những suy nghĩ như thế tôi đã kiên quyết nói không với việc đầu tư lướt sóng và quyết tâm tạo cho mình một phương pháp đầu tư mà theo quan điểm của tôi là phù hợp với nhất, bền vững nhất. Có thể nhiều bạn khi đọc bài này sẽ không đồng ý với tôi vì các bạn vẫn có lãi từ lướt sóng hay đầu tư theo phân tích kỹ thuật. Đó là quyền lựa chọn của các bạn, tôi tôn trọng. Còn với tôi sau khi đã trải nghiệm qua tất cả các phương pháp giao dịch thì hiện tại lựa chọn của tôi đó là lựa chọn đầu tư vào các doanh nghiệp:
- Có yếu tố cơ bản phải tốt thể hiện qua các chỉ số EPS, ROA, ROE, ROI,… tăng trưởng cao so với trung bình ngành.
- Mức vay nợ thấp, chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng nguồn vốn.
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh không được âm qua nhiều năm. Hiện nay tôi thấy một số doanh nghiệp làm ăn tốt nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm liên tục đã gia tăng rủi ro tài chính do phải liên tục vay nợ để trả các khoản nợ đến hạn. Nếu thị trường ngành mình không tốt, lợi nhuận sụt giảm thì áp lực sẽ vô cùng lớn.
- Chỉ số PE ở mức vừa phải <12 lần. Nếu lớn hơn thì tức là bạn phải mất ít nhất là 12 năm mới thu hồi vốn đầu tư của mình. Lúc này phải theo dõi kỹ kế hoạch kinh doanh trong tương lai của doanh nghiệp có tạo ra được lợi nhuận tăng trưởng cao hay không nếu không thì rủi ro khá cao. Hiện tại tôi nhận thấy rất nhiều doanh nghiệp có PE ở mức rất hấp dẫn, tăng trưởng lợi nhuận cao.
- Thanh khoản không cần lớn quan trọng là cổ phiếu cô đặc vì chứng tỏ nhiều tổ chức, cá nhân nắm giữ dài hạn, tin tưởng vào doanh nghiệp.
- Đặc biệt tôi để ý đến các doanh nghiệp mới lên sàn có các chỉ số tài chính tốt, kế hoạch kinh doanh có nhiều tiềm năng phát triển to lớn.
Việc lựa chọn phương pháp đầu tư giá trị này cũng có nghĩa rằng mình phải đồng hành cùng doanh nghiệp, tức là phải tìm hiểu sâu hơn về doanh nghiệp, phải có sự hiểu biết về mô hình kinh doanh và sản phẩm mà doanh nghiệp đang cung cấp trên thị trường và phải làm quen với việc phải đọc báo cáo thường xuyên về doanh nghiệp, về đối thủ cạnh tranh, về môi trường ngành,…
Thực tế với phương pháp đầu tư này thì không cần phải lựa chọn quá nhiều cổ phiếu, chỉ cần chọn được vài mã cổ phiếu thỏa mãn tốt nhất những tiêu chí của mình là có thể mua và nắm giữ dài hạn mà không cần phải quá lo lắng khi thị trường điều chỉnh. Thực tế tôi quan sát thì khi thị trường điều chỉnh mạnh nhưng các cổ phiếu này đều có mức giảm rất thấp hoặc đi ngang thậm chí nhiều cổ phiếu cơ bản tốt vẫn tăng đều đặn.
Với tư duy đó hiện tại tôi đã lựa chọn cổ phiếu thỏa mãn tiêu chí của mình đề ra và yên tâm nắm giữ.
Trí Thức Trẻ