MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Ngay cả khi bạn đúng bạn vẫn có thể mất tiền

Tôi đi săn tìm những công ty đang có bước nhảy vọt về chất trong một thì trường tăng điểm, như một bài học trong môn triết học – Khi đã tích lũy đủ về lượng sẽ có bước nhảy vọt về chất.

Nghiên cứu kỹ lưỡng, đầu tư có chiến lược rõ ràng lại thêm sự may mắn luôn gọi tên, nhà đầu tư Trịnh Bá Kiên đáng lẽ đã là một trong số ít những người kiếm tiền tốt trên thị trường chứng khoán. Nhưng, ở thị trường chứng khoán tỷ đô rộng lớn, nếu chưa từng phải "học" thì cũng sẽ khó lòng lớn được.

Kính mời quý độc giả đọc bài tâm tư chọn đúng cổ phiếu vẫn mất tiền của nhà đầu tư Kiên và đừng quên gửi bài dự thi của mình cho chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn

***

Thật khó có thể quên được ngày đầu tiên tôi đặt lệnh mua cổ phiếu bởi đó là ngày 24/6/2008, ngày mà sau chuỗi giảm điểm khủng khiếp từ 1070 điểm về 370 điểm. Khi đó là khoảng hơn 9 giờ sáng, tôi nói với người môi giới mua cho tôi cổ phiếu này, và chỉ tay vào cổ phiếu VIP (khi đó tôi thậm chí còn không biết gọi tên cổ phiếu đó là gì và làm về lĩnh vực gì, tôi mua chỉ vì đọc tên nó vip thôi). Anh chàng môi giới cười bảo em ơi cổ phiếu đó dư mua trần rồi em khó mua được lắm. Sau khi chỉ tay vào một số cổ phiếu khác nữa anh ta đều kiên nhẫn lắc đầu. Bạn phải biết rằng khi đó bảng điện tử tím ngắt và cuối cùng tôi mua được 100 FPT và 50 SSI cùng với giá khoảng trên 40, đó là 2 cổ phiếu gần như duy nhất còn đang giá đỏ. Và cuối ngày hôm đó cả 2 cổ phiếu đó cũng tím ngắt. Sau đó khoảng 2 tháng tôi lãi gấp 3 – một khởi đầu may mắn với 1 người mù tịt về chứng khoán như tôi. Đó cũng là bài học đầu tiên và có thể nói là đắt giá nhất- Khi thị trường tăng điểm mạnh mẽ hầu hết cổ phiếu đều tăng điểm.

Tôi tiếp tục đầu tư với số tiền – có thể nói là ít ỏi đáng thương với các bạn, nhưng đó là tất cả những gì tôi tiết kiệm được sau hơn 1 năm đi làm. Tất nhiên sự may mắn như lần đầu tiên không đến với tôi nữa thậm chí là đến tận bây giờ sau hơn 10 năm theo đuổi nó cũng chưa từng lặp lại.

Cùng với thời gian tôi chăm chỉ đọc sách và theo dõi thị trường kiến thức của tôi cũng tăng lên theo. Tiếp sau đó là một số vụ không thành công từ tháng 10/2008 cho đến tháng 3/2009, thị trường giảm từ 560 về 240 thì khó có một ai có thể kiếm ra tiền. Đến tháng 3/2009 thị trường năng động trở lại và một cơn sóng lớn đang hình thành.

Sau gói kích thích 4 tỷ đô của Chính phủ với lãi suất 4% thị trường trở nên điên cuồng hơn, tiền chảy một cách dễ dàng vào thị trường, bất động sản và chứng khoán được hưởng lợi đầu tiên. Như một số người khác tôi mua TDH, một công ty đang ăn nên làm ra trong ngành bất động sản. Cổ phiếu đó đã tăng từ khi tôi mua là 40 đến gần 90 nghĩa là hơn gấp đôi, nhưng tài khoản của tôi chỉ tăng chưa đến 30%. Tại sao thế? Để tôi nói cho các bạn nghe, đó là dù tôi đã có khởi đầu với vị thế tốt nhưng trong suốt quá trình tăng giá tôi đã để những dao động nhỏ chi phối, nghĩa là tôi đã mua đi bán lại quá nhiều lần. Đáng lẽ tôi phải kiên nhẫn khi cổ phiếu có những điều chỉnh nhỏ- những điều chỉnh đương nhiên phải có trong quá trình tăng giá nhưng tôi không làm thế. Tôi bán đi với hy vọng mua lại với giá thấp hơn và đương nhiên sau những lần như thế tôi luôn có lý do để hối hận. Đây cũng là bài học thứ 2 rất quan trọng- Khi bạn đã chọn được một cổ phiếu tốt đang tăng giá điều bạn cần làm là nắm giữ nó cho đến khi bạn thấy nó đã tới đỉnh cao và không còn động lực tăng giá. Một cổ phiếu tăng giá ít nhất là từ 2-3 tháng trở lên chứ không phải là tăng T+2 hay T+3, tất nhiên đó phải là một cổ phiếu thực sự tăng giá chứ không phải là một cổ phiếu ăn theo.

Và thị trường lại rơi vào trầm lắng, rất khó có thể kiếm được nhiều tiền với những ngày tháng dài lê thê từ 2010 đến 2013. Suốt thời gian đó tôi vẫn bám sát thị trường nhưng không có thêm một vụ làm ăn nào đáng nói- ít nhất là tôi nghĩ như vậy để kể ra đây cho các bạn tham khảo. Với những lần được mất nho nhỏ và với một tài khoản ít ỏi tôi gần như không có thêm sự đột phá nào về tài chính.

Tôi phải kể thêm với các bạn tôi là một người xuất thân nông thôn với công việc không đem đến thu nhập cao, tôi phải lập gia đình và lo nhà cửa nữa. Tất cả những gì níu kéo tôi lại với thị trường là niềm đam mê bất tận. Mọi chuyện thay đổi cho đến cuối năm 2015, sau một thời gian kinh doanh riêng tôi đã tích lũy cho mình một số vốn, và thật may mắn đó cũng là khi thị trường có dấu hiệu khởi sắc hơn.

Sau khi áp thuế tự vệ lên ngành thép cùng với giá nguyên liệu tích lũy rẻ rất khó để các cổ phiếu thép và tôn mạ không tăng tốc- Tôi thành công với HSG. Năm 2017 sau khi nhận thấy thị trường xây dựng phát triển tới mức ông lớn CTD làm không hết việc tôi nghĩ đến HBC- Tại sao không phải là cổ phiếu này chứ? Các hợp đồng xây dựng đến một cách dồn dập, giá thép và các nguyên liệu khác vẫn tương đối rẻ, cả doanh thu và biên lợi nhuận tăng cao thì điều gì có thể cản được HBC tăng điểm? Rõ ràng là không. Tôi lại thành công với HBC- hơn gấp đôi nhưng chưa thể bằng được may mắn đầu tiên.

Nhân đây tôi cũng nói cho các bạn một chút về phương thức đầu tư của tôi. Tôi đi săn tìm những công ty đang có bước nhảy vọt về chất trong một thì trường tăng điểm, như một bài học trong môn triết học – Khi đã tích lũy đủ về lượng sẽ có bước nhảy vọt về chất. Các công ty muốn nhảy vọt cần phải có doanh thu và lợi nhuận tăng vọt – theo tôi ít nhất phải là 30% và sự tăng vọt đó phải nhìn thấy được trong các quý tiếp theo. Tất nhiên nó phải được kiểm chứng qua 1 hoặc 2 quý, điều đó có nghĩa khi bạn phát hiện ra nó thì bạn đã bỏ qua cơ hội tăng điểm đầu tiên. Đây là một sự lãng phí nhưng cần thiết để có một sự chắc chắn. Cổ phiếu tăng ít nhất 20-30% sau quý kinh doanh thành công đầu tiên và điều chỉnh chờ kết quả quý tiếp theo trong sự ngờ vực, việc cần làm lúc này là chờ đợi đến khi bạn tìm hiểu kỹ về công ty đó và có dự đoán khả quan về kết quả kinh doanh tiếp theo và các quý sau đó nữa. Đến khi giá cổ phiếu hồi phục về giá đỉnh và bạn thấy nó sắp vượt qua đấy là lúc bạn bắt đầu mua vào. Mua một phần trong số vốn bạn có thể mua có thể là 1/3, thấy nó tăng bạn tiếp tục mua vào, xây dựng giá theo hướng đi lên là một việc làm đúng đắn. Nếu thấy sai bạn dừng lại và chờ đợi, bạn có thể đúng nhưng vẫn cần thị trường xác nhận.

Với kiến thức cộng với kinh nghiệm tích lũy được tôi tràn đầy tự tin, và khi bạn tự tin nhất cũng chính là lúc bão tố đang ập đến. Tôi tự nghĩ nếu tôi dùng magin có thể tôi đã kiếm được gấp đôi chỗ tôi đã kiếm được chứ không phải chỉ dừng lại ở đó. Tôi lập tài khoản magin và theo đuổi vài vụ nữa từ tháng 10/2017 đến tháng 8/2018 nhưng không có gì đặc biệt, nghĩa là có được có mất và tài khoản không thay đổi. Trong một thị trường giảm điểm năm 2018 để tài khoản không bốc hơi tôi nghĩ cũng đã là một thành công lớn.

Và với cách chơi quen thuộc tôi để ý tới TCM. Tại sao không chứ? Bởi đó là một công ty đầu ngành trong lĩnh vực dệt may. Khi chiến tranh thương mại nổ ra các đơn hàng tìm cách dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, dệt may là một ngành sản xuất đơn giản, không mất quá nhiều công nghiên cứu nên nó được dịch chuyển đầu tiên, với chiến tranh thương mại bao phủ, với đồng USD mạnh lên (Tăng doanh thu), với đồng NDT yếu đi (giảm giá nguyên liệu). Với một thị trường ảm đạm thế này nếu TCM không tăng thì còn cổ phiếu nào tăng cơ chứ? Nhìn cái cách lợi nhuận tháng 7 tháng 8 liên tục lập kỷ lục mới tôi bị cuốn hút mà không thể chờ đến quý tiếp theo. Tôi đã theo dõi nó khi nó vượt qua 20 và mua dần TCM khi nó tăng giá từ 24 lên 31, cuối cùng giá trung bình tôi mua được là 28,7. Với niềm tin sâu sắc tôi đã full magin và quên đi sự cẩn thận cần có. Và khi đến 31 nó chững lại, với cái đầu đầy màu hồng tôi tin tưởng nó gặp cản trở ở vùng giá 30-31 chỉ là tạm thời, nó đã tăng gấp rưỡi thì việc nó điều chỉnh 5-10% là có thể chấp nhận được. Nhưng rồi một ngày đẹp trời tin tức về SEARS- một đối tác đóng góp 7% doanh thu và còn nợ 90 tỷ của TCM phá sản. Chuyện xảy ra sau đó các bạn biết rồi đấy, khi những cổ phiếu TCM cuối cùng rời tài khoản tôi lỗ khoảng 30%, nghĩa là cùng với người bạn thân yêu FULL MAGIN tôi đánh mất 50% tài khoản của mình. Vậy đó, dù tôi đã nghiên cứu đúng về cổ phiếu này nhưng tôi vẫn mất tiền.

Về cơ bản trong thương vụ này tôi đã phân tích đúng- Bây giờ tôi vẫn nghĩ như vậy. Tất nhiên nếu bạn là một nhà đầu tư dài hạn những câu chuyện như thế luôn là cơ hội để bạn tích lũy cổ phiếu, nhưng tôi mới 35 tuổi và cảm thấy mình còn trẻ, cần xông pha thêm nữa để tích lũy kinh nghiệm. Việc mua và nắm giữ một cổ phiếu suốt năm này qua năm khác là quá sức chịu đựng của tôi lúc này. Trong thị trường chứng khoán những câu chuyện như TCM không hiếm, việc có thể dự đoán về một đối tác trời ơi đất hỡi nào đó tận trời tây phá sản là không khả thi. Việc duy nhất chúng ta có thể làm trong những trường hợp này là thật tỉnh táo trước mọi cám dỗ và niềm tin yêu về bất cứ cổ phiếu nào. Cho đến khi bạn thực sự đã có lãi bạn không nên đặt tất cả số vốn vào một cổ phiếu duy nhất. Luôn có sự dự phòng rủi ro cho đến khi bạn đã đạt được lợi nhuận thực sự. Việc đặt trọn vẹn niềm tin của bạn vào một cổ phiếu ở giai đoạn thăm dò là một việc làm ngu ngốc.

Trên đây là câu chuyện của tôi, hy vọng có thể giúp các bạn tránh được những sai lầm như tôi đã phải chịu đựng. Chúc các bạn đầu tư thành công!

Trịnh Bá Kiên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên