[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Những mô hình kỹ thuật của tôi
Thông thường một mã chứng khoán trước một chu kỳ tăng giá mạnh mẽ bao giờ cũng cần một giai đoạn tích lũy. Ở giai đoạn tích lũy này giá chứng khoán giao dịch ổn định trong một biên độ hẹp , tăng giảm không nhiều và duy trì trong một thời gian dài.
"Mất bò mới lo làm chuồng" và rất may mắn, nhà đầu tư Nguyễn Trung Thành đã nhận ra mô hình xúc xích và mô hình này cuối cùng đã là cái "chuồng" đủ an toàn cho các món đầu tư sau đó.
Kính mời quý độc giả đọc bài viết Những mô hình kỹ thuật của tôi của tác giả Nguyễn Trung Thành (tác giả của cuốn sách "Lý thuyết Xúc xích và các mô hình kỹ thuật" (Nhà xuất bản tài chính, 2016)) và đừng quên gửi bài dự thi của mình đến ban biên tập chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn
***
Cơn sốt chứng khoán đầu năm 2007 đã thu hút sự chú ý của tôi. Sẵn có tiền, không cần tìm hiểu gì cả, tôi liền mua cổ phiếu. Và chỉ sau 2 năm, từ một tài khoản bậc trung tôi đã mất hơn 80% số tiền trong đó.
Như các cụ nhà ta đã nói "Mất bò mới lo làm chuồng", lúc này tôi mới tìm hiểu xem tại sao mình mất tiền nhanh thế. Tôi tiếp cận với môn Phân tích kỹ thuật và rất thích môn này. Tuy nhiên những điều tôi học hỏi được cũng không giúp tôi lấy lại số tiền đã mất. Vì sau này khi thị trường đi lên thì cổ phiếu mà tôi nắm giữ vẫn đi xuống và tài khoản "siêu nhỏ" còn lại của tôi vẫn ngày càng nhỏ thêm.
Năm 2011, trong một lần ngồi uống cafe và bàn chuyện Phân tích kỹ thuật với những kẻ cũng đang thua lỗ thảm hại như mình, tôi có chú ý đến biểu đồ hàng tuần của cổ phiếu VNM ( Công ty cổ phần sữa Việt nam). Năm đó Công ty cổ phần sữa Việt Nam trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 2/1. Giá cổ phiếu VNM tăng mạnh trong gần như cả năm. Trong khi giá cổ phiếu VNM tăng mạnh thì các dải băng Bollinger trên biểu đồ hàng tuần mở rộng ra, đến khi giá giá cổ VNM chững lại, không tăng nữa thì các dải băng này bắt đầu thắt lại. Đây là một hiện tượng rất bình thường trên biểu đồ giá chứng khoán và bất cứ ai học về Phân tích kỹ thuật đều biết điều này. Nhìn thấy các dải băng Bollinger mở to ra rồi thắt lại tôi thấy giống chiếc xúc xích thịt bò vẫn hay bán trong siêu thị. Khi nói ra điều này các bạn tôi đang uống cafe liền phì cười đến nỗi suýt nữa thì sặc cafe. Và trong những lần đi uống cafe sau đó tôi vẫn bị mọi người mang ra trêu đùa vì những chiếc xúc xích thị bò trên biểu đồ chứng khoán.
Tuy nhiên hình ảnh các dải băng Bollinger cứ mở ra rồi thắt lại, mở ra rồi thắt lại vẫn bám riết lấy tôi và rồi tôi bắt đầu suy nghĩ : Người Nhật bản sáng tạo ra mô hình nến và dùng nó để dự báo thị trường rất tốt vậy tại sao ta không thử dùng những chiếc xúc xích này để dự báo thị trường. Và tôi lao vào làm việc không mệt mỏi.
Đầu tiên tôi đưa ra các dấu hiệu nhận biết và định dạng chiếc Xúc xích. Định dạng một khuôn mẫu Xúc xích được tôi đưa ra như sau:
Thông thường một mã chứng khoán trước một chu kỳ tăng giá mạnh mẽ bao giờ cũng cần một giai đoạn tích lũy. Ở giai đoạn tích lũy này giá chứng khoán giao dịch ổn định trong một biên độ hẹp, tăng giảm không nhiều và duy trì trong một thời gian dài. Khi đó các dải băng Bolliger nằm sát gần nhau và di chuyển gần như song song với nhau. Khi chứng khoán bắt đầu tăng giá dải băng trên sẽ bị đẩy lên trên và quá trình mở rộng dải băng Bollinger bắt đầu diễn ra. Thời điểm mà giá chứng khoán đạt đỉnh cao mới cũng là lúc các dải băng Bollinger mở ra rộng nhất. Sau khi đạt đỉnh cao mới giá chứng khoán sẽ ngừng tăng và chuyển sang tích lũy xung quanh mặt bằng giá mới này. Các dải băng Bollinger bắt đầu quá trình thu hẹp khoảng cách cho đến khi trở về trạng thái bó sát vào nhau. Như vậy một chu kỳ tăng giá cổ phiếu sau giai đoạn tích lũy luôn bắt đầu bằng việc mở bung các dải băng Bollinger và kết thúc bằng việc thu hẹp các dải băng này. Việc các dải băng Bollinger đang từ trạng thái thu hẹp bỗng chốc mở bung ra rồi sau đó lại thu hẹp lại đã tạo thành một khuôn mẫu kỹ thuật được gọi là một Xúc xích.
Hình phía dưới là một ví dụ về chiếc Xúc xích của tôi. Cổ phiếu PAC đã có một đợt giảm giá nhẹ trong khoảng hơn 1 tháng gần đây và các dải băng Bollinger đã tạo ra một chiếc Xúc xích giảm giá. (Phần dải băng Bollinger được tôi giới hạn trong khung hình chữ nhật màu đen)
Tiếp theo tôi bắt đầu phân loại những chiếc Xúc xích này. Dựa theo thời gian tôi chia ra Xúc xích thuộc loại nhỏ và Xúc xích thuộc loại lớn. Những chiếc Xúc xích hình thành trong khoảng thời gian từ 25 đến 30 phiên giao dịch được gọi là Xúc Xích loại nhỏ. Những chiếc Xúc xích hình thành trong khoảng thời gian lớn hơn được gọi là Xúc xích loại lớn. Dựa vào khung thời gian giao dịch tôi phân loại ra Xúc xích ngắn hạn, Xúc xích trung hạn và Xúc xích dài hạn. Xúc xích ngắn hạn là Xúc xích hình thành trên biểu đồ giao dịch hàng ngày. Xúc xích trung hạn là Xúc xích hình thành trên biểu đồ giao dịch hàng tuần. Còn Xúc xích dài hạn là Xúc xích hình thành trên biểu đồ giao dịch hàng tháng.
Sau đó tôi nhận thấy vài loại xúc xích thường xuyên xuất hiện trên biểu đồ. Và tôi có thể dự báo được giá cổ phiếu sẽ tăng hay giảm sau khi xuất hiện một loại xúc xích nhất định nào đó trên biểu đồ. Điều này đã có nghĩa là những chiếc xúc xích của tôi đã đóng vai trò là những Mô hình kỹ thuật. Tôi liền đặt tên cho mỗi mô hình kỹ thuật mới này cho dễ nhớ. Những mô hình kỹ thuật mới được tôi đặt tên gồm có :
Mô hình kỹ thuật Xúc xích đỉnh.
Mô hình kỹ thuật Xúc xích đáy.
Mô hình kỹ thuật Quả trám.
Mô hình kỹ thuật Hóa loa kèn.
Mô hình kỹ thuật Nút thắt cổ chai.
Mô hình kỹ thuật Một hai ba.
Mô hình kỹ thuật Tam khúc.
Những mô hình kỹ thuật này được tôi mô tả chi tiết trong cuốn sách của tôi "Lý thuyết Xúc xích và các mô hình kỹ thuật" (Nhà xuất bản tài chính, 2016).
Tôi cũng đã dùng những mô hình mới này để dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán thế giới và thường đăng trên các diễn đàn. Kết quả tương đối khả quan. Đấy là tôi nhận xét dựa trên những phản hồi từ người đọc. Thành tựu lớn nhất mà tôi từng đạt được là dự báo được sóng Biển đông, sóng điều chỉnh sâu của Vnindex liên quan đến khủng hoảng giàn khoan HD981 của Trung quốc trên biển đông năm 2014. Dự báo được sóng Donald Trump, sóng tăng điểm mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền vào cuối năm 2016. Còn hiện tại tôi đang dự báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế mới có thể xảy ra vào khoảng giữa năm 2019 và có thể nhấn chìm thị trường chứng khoán toàn cầu.
Như vậy, trải qua hơn 10 năm theo đuổi chứng khoán tài khoản của tôi vẫn là "siêu nhỏ", nhưng đổi lại tôi đã có đóng góp đáng kể cho bộ môn Phân tích kỹ thuật.
Trí Thức Trẻ