[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Những xác sống bất ngờ tỉnh giấc
Đặt niềm tin vào "xác sống tỉnh giấc" và rồi bị chính những xác sống này "chơi" cho vố đau, nhà đầu tư Văn Việt Hưng có lẽ đã cảm giác đầy đủ sự sợ hãi theo đúng nghĩa của nó.
- 14-01-2019[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Bắt dao rơi, thắng 1 thua 10
- 10-01-2019[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Nhiều lần cháy tài khoản, tôi nghiệm ra rằng bản lĩnh nhà đầu tư sẽ lộ diện trong sai lầm
- 09-01-2019[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Đừng vay tiền để mua cổ phiếu
Việc "all in one" vào một cổ phiếu liên tục tăng trần, với biên độ giao động trên sàn HNX là 10% nên tài khoản của nhà đầu tư Văn Việt Hưng "ăn bằng lần". Tuy nhiên, xác sống đã mang đến cho nhà đầu tư Hưng không ít bài học xương máu.
Kính mời quý nhà đầu tư đọc bài chia sẻ Những xác sống bất ngờ tỉnh giấc của nhà đầu tư Hưng và đừng quên gửi bài dự thi của mình đến cho chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn
***
Ranh giới thắng thua trên thị trường chứng khoán quả thật mong manh. Tôi đã từng trải nghiệm cảm xúc được "nhân ba tài khoản", sau đó đánh mất mọi thành quả, rồi rơi vào thua lỗ một cách thật chóng vánh.
Tôi làm việc trong một công ty niêm yết. Ngoài công tác chuyên môn, tôi kiêm nhiệm chức danh Thư ký công ty và là người được ủy quyền công bố thông tin. Công việc của tôi có mối liên hệ khá thường xuyên với thị trường chứng khoán. Tôi cũng từng nghiền ngẫm không ít sách vở về đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, một số kiến thức, hiểu biết về thị trường và quy định pháp lý liên quan không giúp tôi nhiều trong việc đầu tư. Từ kinh nghiệm có được, tôi nhận ra rằng: Lý thuyết không phải bao giờ cũng đúng và không dễ gì áp dụng thành công, bởi thị trường và các cổ phiếu luôn có những lối đi riêng của nó.
Những "xác sống" trên thị trường
Tính đến tháng 6/2018, thị trường chứng khoán nước ta có trên 500 cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị sổ sách, dưới mệnh giá. Trong đó có những cổ phiếu mà thị giá chỉ ngang một cốc trà đá vỉa hè, hay thậm chí ngang vài cọng hành bán ngoài chợ. Người "trong nghề" thường gọi chúng là "hàng penny", "hàng rác" hay "hàng móc cống"… Đa số cổ phiếu đó phản ánh tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn, kinh doanh bết bát, thua lỗ kéo dài, hay đứng trước nguy cơ phá sản.
Tôi thường gọi chúng với cái tên là "xác sống". Tôi hình dung những cổ phiếu đó giống như một cái "xác sống" thường chỉ xuất hiện trong các bộ phim kinh dị. Nó sống lay lắt, vật vờ, ít biến động, không ít cổ phiếu đó có khối lượng giao dịch thấp hoặc mất thanh khoản. Tuy nhiên, những "xác sống" đó đôi khi bất ngờ thức giấc và bước vào một hành trình hết sức "quái dị". Nó đứng dậy, rung giật, rồi bám lấy sườn dốc và leo lên, bị quăng quật và lại tiếp tục leo lên ngày càng cao hơn. Rồi cũng bất thình lình, nó đuối sức, sẩy chân, rơi xuống vực thẳm và kéo theo tài khoản của bao nhà đầu tư đang đu bám "bốc hơi" nhanh chóng. Tôi đã trải qua cảm xúc thăng hoa và cả sự căng thẳng tột độ với một "xác sống" như thế.
Vận may và cơ duyên
Khoảng từ cuối năm 2016, tôi chính thức tham gia thị trường chứng khoán. Thời điểm đó, truyền thông liên tục đưa ra các nhận định tích cực và thị trường bắt đầu đi lên mạnh mẽ.
Trước khi đầu tư, tôi tự vạch cho mình một "chiến lược": tìm một công ty tăng trưởng tốt, tài chính lành mạnh, sau đó mua gom và nắm giữ dài hạn. Nhưng chẳng hiểu sao tôi lại bắt đầu với một penny: NHP. Có lẽ, tôi bị thu hút bởi người sáng lập công ty, một vị tiến sĩ có tiếng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Như có một vận may, NHP từ mức giá tôi mua khoảng 2.800 đến 3.000 đồng, chỉ sau một thời gian ngắn đã tăng mạnh lên trên 4.000 đồng/cổ phần với khá nhiều phiên tăng trần khó hiểu, dù hoạt động của công ty không có gì đột biến. Tài khoản của tôi nhanh chóng tăng lên từ đó.
Tiếp tục đam mê với Penny, tôi bắt đầu theo dõi các cổ phiếu có thị giá thấp khác. Thông tin tôi tìm kiếm chủ yếu trên báo mạng, trên website của công ty, thậm chí là trên facebook hay các diễn đàn như F319, nơi mà các thông tin nhiều khi chỉ úp mở, đồn đoán xuất phát từ một "nick name" nào đó…
Sự hồi tỉnh bất ngờ
Đầu năm 2017, từ tháng một cho đến cuối tháng tư là thời điểm các công ty đồng loạt công bố Báo cáo tài chính (BCTC) quý 4/2016 và Báo cáo tài chính năm. Là người công bố thông tin, tôi biết thông tin xuất hiện đầu tiên ra công chúng một cách chính thức thường là trên website của công ty niêm yết. Bởi thông tin lên website không cần kiểm duyệt, chỉ cần đăng tải là lập tức xuất hiện, trong khi để công bố lên trang thông tin của HOSE, HNX hay SSC thường có "độ trễ" để kiểm duyệt.
Bằng cách đơn giản đó, tôi đã phát hiện sớm nhất một Penny đang chuẩn bị thức giấc: đó chính là HKB, một công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xuất khẩu hồ tiêu, cà phê và sắn lát. Từ một doanh nghiệp làm ăn cầm chừng, đột nhiên HKB báo lãi "khủng" trong quý 4/2016. Tôi còn nhớ như in, BCTC quý 4/2016 của HKB được đăng tải lên website công ty, lúc đó là vào khoảng 14:00 ngày 14/02/2017, cuối phiên giao dịch buổi chiều. Có lẽ, ngoại trừ những người nội bộ, tôi là người đầu tiên đọc được BCTC đó. Tôi đọc lướt nhanh BCTC của HKB và phát hiện chỉ tiêu Lợi nhuận sau thuế (LNST) là một con số đột biến. LNST quý 4/2016 của HKB đạt trên 61,2 tỷ so với hơn 1,1 tỷ của năm trước (tăng gấp 53 lần).
Không đủ thời gian để suy tính lâu, chỉ trong vòng khoảng 15 phút còn lại của phiên giao dịch chiều hôm đó, tôi lập tức bán hết cổ phiếu khác trong danh mục, ứng trước tiền bán và dồn hết để mua HKB. Tôi cho rằng, lợi thế biết sớm BCTC sẽ cho tôi mua được HKB với mức giá tốt nhất.
Đường lên rung giật
Đúng như tôi dự kiến, HKB trong những phiên sau đó liên tục tăng mạnh, có nhiều phiên trần ngay từ ATO với dư mua giá CE hàng triệu cổ phiếu. Việc "all in one" vào một cổ phiếu liên tục tăng trần, với biên độ giao động trên sàn HNX là 10% nên tài khoản của tôi tăng lên rất nhanh chóng. Với khoảng 200.000 cổ phiếu tôi mua vào ở mức giá trung bình 2.700 đồng, mỗi phiên tăng trần sau đó tài khoản tăng thêm trên 40 - 60 triệu đồng. Càng về sau, thị giá càng lớn, lợi nhuận tăng lên càng nhanh, có thể đạt từ 100-150 triệu đồng/phiên. So với số vốn bỏ ra trên 500 triệu đồng, thì mức lãi nói trên chỉ trong một phiên quả thực là "như mơ".
HKB liên tục xuất hiện trong TOP cổ phiếu thanh khoản cao nhất và tăng mạnh nhất tuần, tháng. Trên các diễn đàn, không ít nhà đầu tư đã chia sẻ sự sung sướng vì "đua lệnh" thành công mà sau đó cổ phiếu tiếp tục CE. Trái lại cũng không ít người bị "chim lợn" gây hoang mang, hay bị rung lắc phải "mất hàng" ngậm ngùi tiếc nuối. Dường như sự "ngô nghê" của một người mới vào nghề đã giúp tôi "vững tay chèo", những phiên "rũ hàng", "đạp sàn" không làm tôi nao núng. Tôi tin tưởng "ngờ nghệch" rằng HKB sẽ trở lại mệnh giá và tôi chỉ bán khi đạt mức giá mục tiêu đó.
HKB có thời điểm lên cao nhất đạt đến mức giá trên 8.000 đồng/cổ phần vào ngày 07/4/2017. Nếu tính đến mức giá cao nhất giao dịch vào lúc đó, tài khoản tôi đã "nhân ba" chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng.
Tôi đã trải nghiệm ít nhất 18 phiên tăng trần và 2 phiên chạm sàn của HKB. HKB đã đem lại cho tôi cảm xúc thăng hoa nhất, tuyệt vời nhất, khó tả nhất mà tôi từng có trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh "men say chiến thắng", tôi còn nếm trải những phiên HKB rung lắc dữ dội: đầu phiên trần, giữa phiên sàn, cuối phiên lại kéo trần. Lúc đó, tôi bị cuốn vào cuộc đấu tranh tư tưởng thực sự căng thẳng. Đấu tranh giữa việc chốt lời để hiện thực hóa lợi nhuận hay tiếp tục tham lam để mỗi ngày được nhìn thấy tài khoản mình tăng lên hàng trăm triệu đồng. Đó thực sự là cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt, căng thẳng và đầy cam go.
Những bàn tay vô hình
Trong diễn biến giá của HKB, tôi dần dần cảm nhận được một bàn tay vô hình nào đó đang kéo, đẩy, cung cấp cho nó những thông tin tốt như một nguồn "năng lượng" để thu hút dòng tiền và thúc đẩy xu thế tăng giá.
Một số diễn đàn đã đưa ra những nhận định về các con số đáng nghi ngờ trên BCTC, cụ thể như: chỉ tiêu "lợi thế thương mại" được ghi nhận gần 447,8 trên 832,6 tỷ đồng tổng cộng tài sản (chiếm 53%) hay số tiền hơn 410 tỷ đồng góp vốn vào các công ty con… Vì thế, tôi và có lẽ cả các nhà đầu tư khác đang "ôm hàng" thật sự mong chờ BCTC kiểm toán 2016 của HKB để xác nhận tính hợp lý của các con số từ một đơn vị kiểm toán độc lập.
Một diễn biến khá bất thường đã xẩy ra, ngày 20/3/2017 HKB đột nhiên có quyết định thay đổi công ty kiểm toán. Chỉ vỏn vẹn 10 ngày sau, ngày 30/3/2017, đơn vị kiểm toán mới (Công ty kiểm toán và kế toán Hà Nội - CPA) đã cho ra báo cáo kiểm toán với ý kiến "chấp thuận toàn bộ". Các số liệu trong BCTC được kiểm toán gần như không thay đổi so với báo cáo tự lập trước đó. Người ta sẽ không khỏi nghi ngờ về tính sát thực của báo cáo kiểm toán độc lập khi mà đơn vị kiểm toán đưa ra kết luận một cách "siêu tốc" như thế.
Lúc này, HKB bắt đầu quá trình đi xuống, rung lắc dữ dội hơn với những phiên trần, sàn, tăng, giảm đan xen.
Dường như để tiếp thêm "năng lượng" cho HKB, hàng loạt thông tin "ẩn ý" liên tục được bơm ra. Trên diễn đàn, mạng xã hội facebook xuất hiện hình ảnh cuộc gặp gỡ thân mật của Chủ tịch HKB với một "tỷ phú người Đức gốc Việt" và những kế hoạch đầu tư lớn về nước trong lĩnh vực mà HKB đang hoạt động. Sau đó liên tiếp là thông tin cổ đông nội bộ đăng ký mua vào hàng triệu cổ phiếu được công bố... Ngoài ra, còn có cuộc "khẩu chiến" giữa HKB với báo điện tử Vietstock, theo đó HKB đấu tranh bảo vệ uy tín doanh nghiệp và phản đối kịch liệt những thông tin mà theo HKB là báo đã cố tình "thêm nếm" thông tin, "gây hoang mang cho cổ đông"... Hàng loạt những sự kiện trên diễn ra đồng thời, như muốn củng cố niềm tin cho tôi tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.
Để nắm bắt rõ hơn về tình hình, ngày 29/6/2017, tôi đã ra Hà Nội tham dự phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của HKB. Tham dự ĐHĐCĐ là việc mà không nhiều nhà đầu tư cá nhân thường làm. Tôi dám chắc điều đó, bởi với số lượng cổ đông hàng ngàn người, nhưng tham dự đại hội chỉ vỏn vẹn vài chục, trong đó phần lớn là người nội bộ. Ấn tượng ban đầu với tôi tại kỳ đại hội đó là một lực lượng bảo vệ mặc đồng phục khá đông đảo. Tôi có cảm giác như đang được được theo dõi khá chặt chẽ từ lực lượng an ninh và không ít ánh mắt dò xét từ ban tổ chức, người nội bộ. Tôi quan sát thấy một số nhà đầu tư dù đang dự họp, vẫn "lăm lăm" trên tay điện thoại, sẵn sàng đặt lệnh mua bán...
Tại kỳ họp, vị Chủ tịch HĐQT đã chia sẽ niềm đam mê và những lợi thế to lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam, lĩnh vực kinh doanh chính của HKB. Chủ tịch chia sẻ: Từ khi thành lập công ty, đã mang hết tiền của gia đình đầu tư vào công ty mà chưa thu về được gì, thậm chí còn cho vay không tính lãi. Thông báo với cổ đông: HKB sở hữu 2 công ty con với quỹ đất lớn và đang trồng hồ tiêu sạch, hứa hẹn sẽ mang lại lợi ích không nhỏ trong tương lai; dự kiến phát hành trái phiếu cho một số đối tác chiến lược. Chủ tịch cũng trình bày về khó khăn khi công ty đang thiếu nhân sự chất lượng cao, bản thân phải ôm đồm quá nhiều công việc, thậm chí phải thức trắng mấy đêm và "quên tắm" để viết báo cáo trình Đại hội…
Đuối sức và gieo mình
Nguồn "năng lượng" để giữ giá HKB cứ vơi dần, vơi dần khi mà những thông tin "ẩn ý" và có phần mập mờ được tung ra trước đó dần dần sáng tỏ, thậm chí không ít sự kiện còn gây "sốc" cho nhà đầu tư.
Ngày 06/6/2017, UBCKNN có quyết định về việc đình chỉ tư cách của hai kiểm toán viên thuộc CPA Hà Nội. Một người trong số đó chính là kiểm toán viên đã thực hiện kiểm toán BCTC năm 2016 của HKB. Điều này càng củng cố mối nghi ngờ về tính hợp lý trong BCTC của HKB và có hay không việc kiểm toán viên đã " đi đêm" với doanh nghiệp?… Sau này, chính Tổng giám đốc của CPA Hà Nội cũng bị đình chỉ tư cách kiểm toán viên được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán. Như vậy cả hai cá nhân ký báo cáo kiểm toán cho HKB thời điểm đó đều đã bị UBCKNN "tuýt còi".
Tiếp theo là việc các cổ đông nội bộ và cả cá nhân Chủ tịch HĐQT đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu trước đó, hết thời hạn đều thông báo mua bất thành vì "lý do cá nhân". Rồi sự xuất hiện chốc lát và ra đi không hẹn ngày tái ngộ của "tỷ phú người Đức gốc Việt" hay kế hoạch phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nào đó mà HKB đã đưa ra cũng trở nên xa vời.
Lúc này, trên thị trường, giá HKB đã trượt dốc khá xa, đến 20/7/2017 thì chính thức tuột khỏi mốc 4.000 đồng, mất 50% thị giá tính từ đỉnh ngày 07/4/2017. Tôi vẫn chưa bán một cổ phần nào của HKB. Số tiền trên tài khoản tôi đã "bốc hơi" một cách chóng vánh.
Đến hết quý 2 năm 2017, cùng với giá hồ tiêu thế giới lao dốc, HKB bất ngờ báo lỗ lớn cũng như cái cách mà nó từng lãi đột biến vào cuối năm 2016 vậy. Tôi buộc phải chia tay HKB khi nhận ra rằng "game" đã chính thức "over". Sau đó là quá trình rớt thảm của HKB, đến thời điểm tôi viết bài này thì nó đang "thoi thóp" ở mức giá dưới 1.000 đồng/cổ phần. Trong "thương vụ" này, tôi đã may mắn không thua lỗ. Thế nhưng, cái cảm giác cầm tiền rồi "để tiền rơi" cũng khiến người ta phải xót xa như "đứt từng khúc ruột".
Sự nuối tiếc càng nhân lên khi bước sang năm 2018, cùng với sự suy giảm chung của thị trường, việc tìm kiếm lợi nhuận càng khó khăn. Tôi tiếp tục "sẩy chân" và thua lỗ không ít theo các cơn "hồi tỉnh" chốc lát của những HQC, PPI hay DLG… khi mà "năng lượng" cho các đợt "hồi tỉnh" này chủ yếu đến từ những nhận định tích cực chủ quan hay những lời hứa hẹn suông của lãnh đạo doanh nghiệp…
Sự luân hồi và những hành trình bất tận
Giống như đoạn kết của một bộ phim kinh dị, "xác sống" này nằm xuống, cũng đồng thời nhen nhóm ở đâu đó những cơn "tỉnh giấc" khác. Như một điều tất yếu, những "xác sống" trên thị trường sẽ tiếp tục tồn tại, bởi nó phản ánh chu kỳ suy giảm, hồi phục và tăng trưởng trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nó cũng phản ánh sự cạnh tranh, sự đào thải và tính khốc liệt vốn có trên thương trường. Tất nhiên, không ít trong số đó sẽ là sự hồi sinh mạnh mẽ và đi lên vững chắc bằng chính sự khởi sắc trở lại của doanh nghiệp. Tìm được một Penny thực sự hồi sinh, chắc chắn sẽ đem lại mức sinh lời "trong mơ" mà dòng MidCaps hay Bluchip không dễ gì có được.
Với tôi, dường như đã có một "cơ duyên" với những "xác sống". Những trải nghiệm thực tế đã mang đến cho tôi không ít bài học xương máu để tiếp tục cuộc hành trình của mình: hành trình đi tìm những sự hồi sinh. Hy vọng bài học của tôi cũng sẽ hữu ích cho các bạn đồng hành trên thị trường chứng khoán, đó là:
Thứ nhất: Phải tìm hiểu và đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng trước khi quyết định đầu tư. Chỉ nên "xuống tiền" khi ta đủ thông tin và có cơ sở vững chắc rằng doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đang khởi sắc trở lại, hay chí ít là "không tiếp tục xấu hơn được nữa".
Thứ hai: Luôn trong tâm thế sẵn sàng cho mọi tình huống. Lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro lớn, vì thế cần sẵn sàng chấp nhận nó và có phương án tài chính dự phòng cho những rủi ro.
Thứ ba: Bên cạnh kiến thức cơ bản về đầu tư, cần học cách "cảm nhận" và xây dựng cho mình sự "nhạy bén" cần thiết để phản ứng linh hoạt, kịp thời với các diễn biến. Thị trường không ít "cạm bẫy" và khi có một "thế lực" nào đó cố tình can thiệp vào đường đi của cổ phiếu thì mọi lý thuyết đầu tư, phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật đều trở nên vô nghĩa. Lúc đó, có lẽ ta cần có sự nhạy cảm với các thông tin, nhạy bén để nhận ra những bất thường khi quan sát các giao dịch và đưa ra những quyết định dứt khoát để bảo vệ thành quả hay cắt lỗ kịp thời.
Trí Thức Trẻ