[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Thị trường chứng khoán-cuộc chơi không dành cho kẻ qua đường
Thất bại trong khâu chuẩn bị chính là chuẩn bị thất bại. Hành trang tôi bước vào thị trường chao ôi vô cùng nghèo nàn, tôi hiểu biết quá ít về thị trường. Chứng khoán không phải cuộc chơi của những kẻ qua đường, càng không có chỗ cho may rủi.
- 12-12-2018[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Một bước sai lầm, 7 năm trả nợ trong cơn tuyệt vọng
- 11-12-2018[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Có nhà, có thu nhập vạn người mơ, tôi vẫn tham gia vào thị trường chứng khoán đầy rủi ro
- 11-12-2018[Thi viết TÔI MẤT TIỀN] Nhiều lần đau, tôi đã trưởng thành hơn
Lãi nhiều trong giai đoạn mới gia nhập thường đẩy kỳ vọng lên cao, làm lu mờ tất cả những cảnh báo của thị trường chứng khoán- Lỗi này không của riêng ai.
Nhà đầu tư Phạm Hồng Nga cũng vậy. Mời quý độc giả đọc bài viết: Thị trường chứng khoán-cuộc chơi không dành cho kẻ qua đường và đừng quên gửi bài dự thi của mình đến ban biên tập chúng tôi qua email huongnguyenthithanh@vccorp.vn và hainguyenduc@vccorp.vn
****
Tôi gia nhập thị trường chứng khoán thời điểm cách đây gần 1 năm sau khi được khai sáng bởi cậu bạn học cùng cấp 3 hiện đang làm chuyên viên phân tích tại một công ty chứng khoán có tiếng. Cậu bạn tôi nói về chứng khoán một cách say sưa đầy hứng khởi với những triển vọng về chỉ số, lợi nhuận, tỷ suất sinh lời, tôi bị cuốn theo như bị mê hoặc vậy.
Tôi từng bước tiếp cận thị trường, nhưng vốn tính không ưa mạo hiểm lại chưa có kinh nghiệm nên thời gian đầu tôi chỉ dám trích một khoản tiết kiệm nhỏ để mua một số mã cổ phiếu bluechips, cũng nhờ quân sư quạt mát chỉ đâu đánh đó mà đánh đâu thắng đó, lên sàn hôm nào cũng chủ yếu là màu xanh, tỷ suất sinh lời quá cao, có thời điểm chỉ trong ngày, đầu phiên và cuối phiên tôi đã được hưởng chênh lệch giá đáng kể. Tôi tràn trề hy vọng vào phương án kinh doanh mới này.
Thấy cơ hội đầu tư hấp dẫn tôi dần dần rót vốn vào tài khoản chứng khoán ngày một nhiều. Tôi còn rủ thêm mấy chị bạn cùng cơ quan tham gia hội kinh doanh chứng khoán, câu chuyện mở đầu hàng ngày mỗi sáng đi làm gặp nhau đều là hôm nay mua con gì nuôi con gì, bán con gì. Đầu tư đúng thời điểm thị trường thăng hoa, mấy chị em ai ai cũng vui vì có đồng ra đồng vào, tiền bạc rủng rỉnh. Tôi đăng ký tham gia khóa học ngắn hạn để tìm hiểu về các chỉ số, các đường trend, tôi đọc sách về Warren Buffett và những nhà kinh doanh chứng khoán đại tài vì tôi hiểu rằng tích lũy kiến thức không bao giờ là thừa cho chiến lược đầu tư lâu dài.
Thời điểm thị trường tăng điểm cao nhất cũng chính là thời điểm chúng tôi rót vốn đầu tư và nắm giữ cổ phiếu nhiều nhất, khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm nay khi chỉ số xác lập điểm 1204 điểm cũng là thời điểm chỉ số niềm tin của chúng tôi cũng lên đỉnh cao nhất, và lại không ngừng mơ mộng về những đỉnh mới cao hơn.
Thế rồi một hôm cũng như mọi ngày, cứ đúng giờ mở của phiên giao dịch chờ đợi màu xanh như thường lệ, thị trường có phiên giảm điểm nhẹ, tôi vẫn tự tin với mọi người rằng đó chỉ là phiên điều chỉnh cho sự tăng giá tiếp theo, nhưng không ngờ đó chính là khởi đầu của chuỗi giảm giá thê thảm liên tiếp ngay sau đó. Thực sự đúng là quá nhanh quá nguy hiểm! Chỉ số Vnindex liên tục xuyên thủng các vùng hỗ trợ kéo theo mọi thành quả gặt hái được cũng bốc hơi. Thanh khoản tụt áp và cạn kiệt thông tin hỗ trợ thị trường. Cổ phiếu của tôi lao dốc không phanh, có mã giảm đến gần 30% sau vài phiên giảm sàn liên tiếp, tôi hoang mang tột độ không hiểu chuyện gì đang diễn ra, tôi bán hàng loạt cổ phiếu, ruột gan như thiêu đốt trong những phiên sàn trắng bên mua. Gọi điện cho cậu bạn thì được khuyên rút dần để chuyển về tiền mặt, thị trường đang xu hướng giảm, nhưng xấu hơn nhiều so với dự đoán phân tích. Hội kinh doanh thì ai nấy chỉ chực chờ đến giờ để bán tống bán tháo đi những cổ phiếu có tin là sắp rớt giá hòng vớt vát lại được chút vốn liếng.
Sau vài phiên rực lửa, thị trường nhích từ đỏ sang xanh, giữ vững niềm tin tăng trưởng trong dài hạn, tôi cho rằng thị trường đã tạo đáy và bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới, quyết chí phục thù, tôi gom hàng, nhưng càng mua giá càng giảm, tôi liên tiếp bị rơi vào bẫy bulltrap, chỉ số phiên này tăng được một điểm thì phiên ngày hôm sau giảm 2 điểm, sự kỳ vọng đã làm lu mờ tất cả những cảnh báo để bây giờ phải trả giá đắt, tâm lý bi quan chán nản vô cùng, lỗ chồng lỗ, lãi ngày trước không đủ bù. Đúng là cái gì đến dễ dàng thì ra đi cũng rất nhanh chóng. Bây giờ tôi đã thấm thía tình cảnh của những người tan cửa nát nhà, thậm chí tự tử khi bong bóng chứng khoán bị vỡ.
ảnh nguồn từ google
Tôi ngồi nhìn nhận lại vấn đề, nhìn lại cách mình đầu tư để tìm ra nguyên nhân thất bại và nhận ra rất nhiều điều.
Thứ nhất, thất bại trong khâu chuẩn bị chính là chuẩn bị thất bại. Hành trang tôi bước vào thị trường chao ôi vô cùng nghèo nàn, tôi hiểu biết quá ít về thị trường. Chứng khoán không phải cuộc chơi của những kẻ qua đường, càng không có chỗ cho may rủi, việc nghiên cứu về các chỉ số, các yếu tố tác động đến chỉ số và chu kỳ tăng trưởng của thị trường trong quá khứ là vô cùng cần thiết. Nếu như được làm lại tôi sẽ dành thời gian theo dõi thị trường trong khoảng 2-3 tháng trước khi quyết định đầu tư. Có thể tôi sẽ bỏ lỡ một vài cơ hội kiếm tiền nhưng việc nắm bắt được tâm lý thị trường và chu kỳ tăng trưởng thực sự sẽ giúp mình thận trọng hơn trong từng bước đi, giảm thiểu rủi ro đáng kể và không bị động khi thị trường lên xuống.
Thứ hai, kỳ vọng quá cao vào thị trường. Chứng khoán trong nước đã có thời gian tăng trưởng khá dài bất chấp tình hình thế giới và căng thẳng thương mại Mỹ Trung, việc các nhà đầu tư đánh giá quá cao thị trường đã đẩy giá chứng khoán lên cao so với giá trị thực nhiều lần, sự điều chỉnh giá là không thể tránh khỏi. Nhà đầu tư thì luôn tham lam, ít khi chốt lời ngày khi có lãi mà luôn mong muốn được hưởng chênh lệch giá nhiều hơn nữa. Và khi cổ phiếu rớt giá, nhà đầu tư vẫn ảo tưởng bắt đáy cũng như giơ tay bắt dao đang rơi nhưng không cầm được chuôi mà chỉ bắt được lưỡi, tất yếu là bị đứt tay.
Thứ ba, hiệu ứng đám đông. Rõ ràng chỉ báo kinh tế vĩ mô tốt, tình hình sản xuất kinh doanh lợi nhuận ổn định, đồng ý rằng yếu tố thế giới có tác động nhiều đến chỉ số chứng khoán trong nước nhưng rõ ràng có sự phản ứng thái quá của giới đầu tư làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn nhiều so với thực tế. Có lẽ là khủng hoảng niềm tin, các nhà đầu tư không còn thực sự kiên nhẫn khi liên tiếp bị rơi vào bẫy, hi vọng, thất vọng, hi vọng rồi lại thất vọng, dòng tiền cứ thế thoát dần ra để lại bao nhiêu mã cổ phiếu giá giảm sâu hơn nhiều so với giá kiến nghị mua của các chuyên gia phân tích chứng khoán. Hiệu ứng đám đông còn gây ra hiện tượng bulltrap mà nếu các nhà đầu tư không kiên định chắc chắn sẽ mắc bẫy. Thái độ kiên nhẫn và tâm lý vững vàng là 2 yếu tố cực kỳ quan trọng trong phẩm chất của nhà đầu tư theo suy nghĩ của tôi.
Thứ tư, nguyên tắc đầu tư giá trị luôn luôn đúng. Một điểm rất dễ nhận thấy khi theo dõi thị trường đó là những cổ phiếu của những doanh nghiệp có tình hình kinh doanh ổn định, tăng trưởng tốt thì ít bị ảnh hưởng lớn khi thị trường Đi xuống, có chăng chỉ là giảm giá trong ngắn hạn, chưa kể nhà đầu tư còn được hưởng lợi tức đáng kể hàng năm.
Hiện tại bây giờ tôi vẫn nắm giữ những cổ phiếu mình tin tưởng mặc dù vẫn thiệt hại khoảng 10% so với vốn ban đầu, ((Vào lúc cao điểm con số này là 30% nhưng nhờ "gan lì" không bán bằng mọi giá, cộng thêm một vài lần lướt sóng thành công mà tôi đã giảm được thiệt hại đáng kể )) nhưng tôi vẫn luôn tin rằng cổ phiếu của doanh nghiệp mình đang nắm giữ sẽ tăng trưởng tốt trong dài hạn, hoặc nếu không chí ít tôi cũng sẽ được trả cổ tức đều đặn.
Xin kết thúc bài viết bằng hình ảnh những cánh chim đang bay lên, hi vọng rằng thị trường chứng khoán ngày một tăng trưởng bền vững.
ảnh nguồn từ google
Trí Thức Trẻ