Bạn làm gì ngày Chủ nhật?
Chủ nhật bạn làm gì? Phải chăng là đi chơi đâu đó như cà phê, xem phim, ăn uống… cùng bạn bè, người thân, hay nghỉ ngơi một mình trong phòng?
- 01-01-2012Doanh nhân đi học thiền
1. Bạn cũng như tôi vẫn thường làm thế. Làm thế thì cũng vui, cũng hết thời gian, rồi lại chuẩn bị tiếp cho một tuần làm việc. Đáng lẽ sau một ngày nghỉ ngơi chúng ta phải cảm thấy khỏe hơn, sảng khoái hơn để tiếp tục làm việc, học tập. Nhưng tại sao mọi người vẫn thường nói thứ hai là ngày mệt nhất? Phải chăng sau mỗi cuộc vui chơi đâu đó là muộn phiền và niềm vui ấy tồn tại không lâu.
Mỗi một giây phút trôi qua, mỗi một ngày trôi qua, sẽ là một tháng, một năm... nhiều năm trôi qua như câu nói: “Thời gian như bóng câu qua cửa sổ”. Nhìn lại quá khứ thì nuối tiếc, nghĩ về tương lai thì hi vọng và xa vời, sống với hiện tại thì bất an…
Cái thời điểm bạn đang đứng hiện tại có bao giờ bạn nghĩ ba năm trước bạn từng mơ mộng, chờ đợi và suy nghĩ lo lắng, rồi một lúc khác sau ba năm bạn lại nghĩ tiếp ba năm sau. Cái vòng lẫn quẩn ấy cứ khiến chúng ta phải bơi trong cuộc đời với tâm trạng bất an và mệt mỏi, chẳng bao giờ là đủ…
Những nghĩ suy muộn phiền của tuổi trẻ, những ước vọng không thành gây đau khổ khiến cho bao người như con cá bị mắc câu, danh vọng tiền tài, sắc đẹp như miếng mồi ngon. Con cá trong vô minh tiến lại chỗ nguy hiểm mà ngỡ sắp chiếm được miếng mồi, rồi thì người bắt muốn làm gì thì làm: vứt, chiên, luộc, móc họng thả ra câu tiếp… Chúng ta cũng thế, nhất là khi sa lưới, vùng vẫy trong miếng mồi của người câu, rồi than vãn oán trách.
Đau khổ hạnh phúc là chủ đề muôn thuở của loài người. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, biết bao bài pháp, bao nhà tâm lý, bao nghiên cứu để trị tâm bệnh cho con người, nhưng con người vẫn đầy rẫy đau khổ và bi thương. Vì thế người có tri thức chưa hẳn đã an lạc, người thông minh chưa hẳn đã sung sướng, người giàu chưa hẳn đã hạnh phúc…
Do đó, người Phật tử là con của Vô Thượng Y Vương tức bậc thầy trị “tâm bệnh” khổ cho thế gian thì cũng phải học hạnh của thầy mình: từ, bi, hỷ, xả. Nhưng muốn có “từ” thì phải có trí huệ để hiểu và thương chúng sanh. Vậy mọi thứ phải bắt đầu từ việc học đạo, hành trì chánh pháp, hiểu kinh điển Phật dạy, nghe thuyết pháp… có chánh kiến, chánh tư duy để diệt ba thứ khổ: tham, sân, si trong chính tâm mình trước sau đó mới hằng giúp được chúng sanh.
2. Nghe pháp và thực tập, các bạn phần nào đó ngộ ra về những vấn đề tuổi trẻ gặp phải: các mối quan hệ, tình yêu, sự nghiệp, sự bất hạnh hay hạnh phúc, tâm an thì thế giới an. Dưới không gian tĩnh lặng trong mát của ngôi bảo điện, sự lắng đọng trong bài pháp của sư cô đã đưa các bạn trẻ trở lại với thân tâm thanh tịnh, nhìn lại mình, nhìn lại chuỗi các mối quan hệ, cách hành xử trước sự vật hiện tượng đến và biết rằng mình còn may mắn hơn bao nhiêu người trên thế giới này.
Mình có thời gian để ngồi thiền, nghe pháp, có đôi tai thính để lắng nghe và hiểu, có đôi chân khỏe mạnh để đi đến nơi nào mình muốn, có đôi mắt sáng để ngắm nhìn tinh hoa của đất trời là thiên nhiên, là bạn hiền, là thân bằng quyến thuộc, là những người yêu thương…
Đồng thời mình cũng thấm hiểu được sự vô thường của cuộc sống và thân ta để xả bỏ dần dần những muộn phiền, căm giận như trút hơi thở đi ra: “Ta hít vào là tinh hoa của đất trời, ta thở ra là muộn phiền tiêu cực” như câu quán chiếu lúc ngồi thiền sư cô hướng dẫn.
Bằng những ngày Chủ nhật như thế này chúng tôi như được khoác lên mình chiếc áo mới, chiếc áo của mùa xuân, xuân trong cửa thiền, xuân nơi thân tâm nơi đất trời thanh tịnh… có bạn bè đồng tu, có mái chùa thiêng liêng lòng người như bình thản hơn.
Theo Mai Lương Ngọc
Phật tử Online