Đại hội Đảng XII: Biển Đông có những khó khăn, thách thức mới
Sáng 22-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng bước vào ngày làm việc chính thức thứ hai. Đại hội thảo luận tại Hội trường về các dự thảo văn kiện.
- 22-01-2016Người dân tin tưởng, kỳ vọng vào thành công của Đại hội Đảng
- 22-01-2016Đại hội Đảng XII: Giải pháp phát triển kinh tế biển - nhìn từ Lý Sơn
- 22-01-2016Bộ trưởng Thăng và “ý nguyện chân thành” gửi Đại hội 12
- 22-01-2016Đại hội Đảng XII thảo luận các văn kiện tại Hội trường
- 21-01-2016Toàn văn Báo cáo do Tổng Bí thư trình bày tại Đại hội
- 21-01-2016Đại hội Đảng XII: Bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư vào ngày 27/1
- 21-01-2016Bầu Trung ương khóa mới: Quyết định cao nhất là của Đại hội
Trình bày tham luận của Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết: Trong những năm tới, trên thế giới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng tình hình tiếp tục có những biến động phức tạp…
Kiên quyết không để bị động, bất ngờ về chiến lược
Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á tiếp tục phát triển năng động nhưng đây cũng vẫn là nơi cạnh tranh quyết liệt về chiến lược giữa các nước lớn.
Chúng ta sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tình hình biển Đông có những khó khăn, thách thức mới.
Trong bối cảnh đó, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta có sự phát triển mới, yêu cầu cao, đan xen cả thời cơ thuận lợi và thách thức, khó khăn.
Đề cập đến những nhiệm vụ, giải pháp chính mà Quân đội tập trung thực hiện trong thời gian tới, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ về chiến lược. Xây dựng nền quốc phòng với tiềm lực, sức mạnh tổng hợp, được cấu thành trên cơ sở nguồn lực quốc gia và trong nhân dân, từ nhân dân, mang đậm tính chất tự vệ, không nhằm đe doạ bất cứ quốc gia nào.
“Đẩy mạnh xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.
Tuyên giáo không thể đi sau thực tiễn
Ông Mai Văn Ninh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương trình bày tham luận nhấn mạnh vấn đề “tiếp tục đổi mới công tác tuyên giáo”. Nhiệm vụ trọng tâm là gắn kết thường xuyên, chặt chẽ công tác tuyên giáo với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, giải quyết từ gốc, sớm các vấn đề có thể dẫn đến nảy sinh những bức xúc về tư tưởng.
Ông Mai Văn Ninh nói thực tiễn cho thấy những bức xúc của nhân dân dù mức độ phức tạp đến đâu, nếu thông tin kịp thời, đúng đắn để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước thì sự việc sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa, bức xúc sẽ được giải tỏa và ngược lại.
“Công tác tuyên giáo không thể đi sau thực tiễn, mà phải đi trước đi trước để dự báo, định hướng” - ông Mai Văn Ninh nhấn mạnh.
Tham luận của ông Mai Văn Ninh cũng đề cập đến việc chuyển mạnh từ độc thoại sang đối thoại.
Khác biệt về ý thức hệ không còn đáng ngại
Đây là khẳng định của ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên trung ương Đảng, Trưởng ban đối ngoại trung ương trong tham luận đọc tại phiên họp sáng 22-1 của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Ông Hoàng Bình Quân nói: “Sự khác biệt về ý thức hệ không còn là cản trở đáng ngại. Các đảng chính giới các nước ngày càng hiểu chúng ta hơn. Mong muốn hợp tác, tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam”.
Với sự thuận lợi này, Đảng đã chủ động tham gia có trách nhiệm các diễn đàn, nhờ đó vận động hiệu quả các vấn đề liên quan đến quốc tế, đặc biệt là vấn đề biển Đông.
Trong nhiệm kỳ qua, Đảng đã chủ động mở rộng tăng cường với các chính Đảng trên thế giới. Bao gồm 228 chính Đảng ở 112 nước, theo các nhóm: các Đảng cầm quyền ở Lào, Campuchia, Trung Quốc, Cu Ba, Triều Tiên.
Với nhóm chính đảng này, mối quan hệ có vai trò tăng cường hợp tác song phương chính trị, thực hiện các chuyến thăm quan trọng cấp cao để xử lý các vấn đề đối ngoại.
Đối với các Đảng cộng sản công nhân các nước, đã duy trì tốt, tạo được sử ủng hộ bảo vệ đất nước là lực lượng hậu thuẫn chính trị với Việt Nam, ủng hộ nhiều quan điểm của Việt Nam nhất là biển Đông. Ngoài ra, Đảng còn có quan hệ với 56 đảng cầm quyền và 39 đảng tham chính trên thế giới.
Ông Hoàng Bình Quân khẳng định, tăng cường mở rộng kênh đảng là cơ hội để tham khảo học hỏi, nâng cao năng lực lãnh đạo.
Một ví dụ điển hình minh chứng cho sự hợp tác, mở rộng quan hệ theo kênh Đảng là nếu như Đại hội XI có 121 thư điện chúc mừng thì Đại hội XII đã có 170 thư điện chúc mừng. “Đó là nguồn động viên rất lớn!” - ông Hoàng Bình Quân đánh giá.
Triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, Tổng Bí thư và lãnh đạo đã có nhiều chuyến thăm đến nhiều nước. Mang tầm chiến lược trong việc triển khai đường lối đối ngoại.
Rút ra bài học kinh nghiệm về công tác đối ngoại theo kênh Đảng trong nhiệm kỳ qua, ông Hoàng Bình Quân cho rằng: “Thực tế đối ngoại chỉ ra rằng chúng ta phải tích cực hơn nữa chủ động, dự báo tốt hơn nữa để không bị động trong mọi tình huống”.
Theo ông Hoàng Bình Quân, nhận thức rõ ràng về lợi ích dân tộc, quốc gia, giữ môi trường hòa bình, kiên trì giữ vững độc lập chủ quyền... sẽ là cơ sở để xử lý vấn đề đối ngoại.
Một quốc gia hiện đại phải có hệ thống giao thông hiện đại
Trong phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết đến nay nước ta đã có trên 700 km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác, hệ thống đường cao tốc mới hoàn thành đã đưa nước ta đứng vào tốp 3 các nước có đường cao tốc lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.
Ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình bày tham luận “Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh”. Ảnh: TTXVN
Ngành Giao thông vận tải đã tăng cường công tác quản lý đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn; tránh đầu tư dàn trải; thực hiện rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, phân kỳ đầu tư hợp lý, lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp... nên đã tiết giảm được hơn 57.000 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư các dự án trong 5 năm qua.
Đồng thời, ngành đã tạo được bước đột phá trong việc thu hút các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn 2011-2015, đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho kết cấu hạ tầng giao thông được trên 410.000 tỉ đồng.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam trong 5 năm qua đã tăng 36 bậc (năm 2010 mới ở vị trí 103 thì năm 2015 đã đứng ở vị trí 67).
Trong những năm tới, ngành Giao thông vận tải sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Đầu tiên là sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải thông qua việc rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế…
“Với nhận thức rằng, một quốc gia hiện đại, phát triển ở trình độ cao trước hết phải có một hệ thống giao thông hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, tôi trông đợi ở những Nghị quyết quan trọng của Đại hội và Ban Chấp hành Trung ương khóa XII sẽ tiếp tục tạo động lực lớn và mới cho vấn đề phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày tham luận "Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh" sáng 22-1 - Ảnh: TTXVN
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tham luận “Đổi mới toàn diện công tác Công an đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước” sáng 22-1 - Ảnh: TTXVN
Sáng 22-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng làm việc tại Hội trường để thảo luận các văn kiện Đại hội XII. Ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã được thảo luận tại đoàn trong phiên họp chiều 21-1, trước khi đưa ra thảo luận tập trung tại hội trường trong phiên họp sáng nay.
Đầu giờ sáng, Đại hội nghe tham luận của:
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam;
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an;
Ông Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương;
Ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương;
Ông Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Tuổi Trẻ