Kê khai tài sản: “Phép thử” sự trung thực của ĐBQH trong lòng dân
Ông Đặng Ngọc Tùng: Tuy việc kê khai tài sản chưa bắt buộc phải xác nhận nhưng thể hiện sự trung thực của đại biểu Quốc hội
- 20-03-2016Bỏ ngỏ giám sát sự trung thực của ứng viên ĐBQH khi kê khai tài sản?
- 19-03-2016“Kê khai tài sản không phải để chứng minh không tham nhũng”
- 08-03-2016“Kê khai tài sản để cất vô ngăn kéo thì kê khai làm gì?”
- 18-01-2016Phải “làm thật” trong kê khai, kiểm soát tài sản cán bộ!
- 17-12-20158 năm kê khai tài sản, chỉ 18 người bị kỷ luật
“Phép thử” sự trung thực của ĐBQH trong lòng dân
Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 bầu cử ĐBQH khóa XIV, nhiều đại biểu băn khoăn việc kê khai tài sản nhưng không có xác nhận của địa phương hoặc trong bản khai lý lịch nhưng không nói kỹ về quá trình công tác, năng lực và trình độ như thế nào…
Trả lời phỏng vấn về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, những băn khoăn, lo lắng và những vấn đề đặt ra của những đại biểu là rất chính đáng.
Hội đồng bầu cử cũng như Mặt trận cần nghiên cứu và tiếp thu tất cả các ý kiến của các đại biểu. Mong rằng sau khi hiệp thương lần thứ 2 sẽ chọn được những người có trình độ, năng lực, hiểu biết, nói được tiếng nói của nhân dân tại diễn đàn Quốc hội.
Ông Đặng Ngọc Tùng cho biết, ông cũng như cử tri đều rất mong muốn Quốc hội khóa tới sẽ chọn được những đại biểu có đức, có tài, có trình độ, có năng lực và mạnh dạn nói được tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân.
“Chúng tôi cũng mong muốn Quốc hội khóa XIV có nhiều đại biểu có kiến thức về luật pháp để khi ấn nút có thể thông qua được những Luật có lợi cho đất nước, có lợi cho nhân dân và những Luật đó phải đi vào cuộc sống lâu dài chứ không phải Luật làm ra mấy năm rồi lại sửa”- ông Tùng nói.
Bên cạnh việc kê khai lý lịch rõ ràng, việc kê khai tài sản cá nhân cũng cần phải công khai, minh bạch nhưng trong thực tế, Quốc hội khóa XIII đã có những ĐBQH bị miễn nhiệm. Về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng, việc đầu tiên đòi hỏi một vị ĐBQH phải thẳng thắn, trung thực.
“Đây không phải trung thực với ai, mà là trung thực với chính bản thân mình. Cho nên lý lịch của mình như thế nào đòi hỏi phải kê khai thật rõ ràng và tài sản cũng thế. Tài sản có được bao nhiêu thì cũng phải kê khai đầy đủ. Đây là đòi hỏi bước đầu của một vị ĐBQH. Tuy việc kê khai tài sản chưa bắt buộc phải ký nhận, xác nhận nhưng đòi hỏi tính trung thực của từng ĐBQH. Trong quá trình sau đó, nếu nhân dân, cơ quan nào đó phát hiện việc kê khai chưa trung thực thì tôi nghĩ rằng vị đại biểu đó không còn trong lòng dân và Quốc hội sẽ loại họ ra khỏi Quốc hội”- ông Tùng bày tỏ.
Tôi chưa làm tròn trách nhiệm của mình đối với nhân dân
Là người đứng đầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam-cơ quan đại diện cho tiếng nói của viên chức, người lao động trong cả nước, ông Đặng Ngọc Tùng cho biết, người lao động, đoàn viên và tổ chức công đoàn cả nước rất quan tâm đến hoạt động của Quốc hội và rất quan tâm đến các vị ĐBQH sắp tới. Họ mong muốn tổ chức công đoàn cử được nhiều đại diện của mình vào trong Quốc hội.
“Tuy nhiên, những mong muốn đó lại thực sự khiến chúng tôi lo lắng vì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giới thiệu 6 đại biểu ứng cử vào Quốc hội ở 6 địa phương khác nhau nhưng cũng kèm theo các tiêu chí như phải là nữ dưới 40 tuổi, phải là dân tộc… Vì vậy, những người mà người lao động, đoàn viên mong muốn lại không nằm trong những tiêu chí đó khiến cho chất lượng của 6 đại biểu không đồng đều”- ông Tùng phân tích.
Là người đã qua 4 khóa làm ĐBQH, ông Đặng Ngọc Tùng chia sẻ, “mỗi nhiệm kỳ đều dạy cho chúng ta, tích lũy cho chúng ta những kinh nghiệm và những hiểu biết nhất định về hoạt động Quốc hội và những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Cá nhân tôi dù đã nỗ lực hết sức, cố gắng hết sức nhưng chắc chắc một điều rằng tôi chưa làm tròn trách nhiệm của mình đối với nhân dân, đối với những người đã tin tưởng bầu tôi vào làm ĐBQH, vì nhân dân kỳ vọng vào ĐBQH nhiều lắm”.
Ông Đặng Ngọc Tùng thẳng thắn cho rằng, nhiều việc dưới góc độ của một ĐBQH, ông mới chỉ làm được một việc đó là chuyển đơn, chuyển kiến nghị và nói được tiếng nói đó thôi, chứ chưa giải quyết được nguyện vọng của nhân dân. Đây là điều ông trăn trở, suy nghĩ nhất.
“Tôi mong muốn rằng các vị ĐBQH sắp tới lắng nghe dân nhiều hơn, nói được tiếng nói của nhân dân nhiều hơn nữa và làm ĐBQH không đơn thuần là chuyển đơn và phải có ý kiến, quan điểm của mình và phải đeo bám từng đơn đó đến với các cơ quan chức năng giải quyết cho được. Đó mới là những đại biểu xứng đáng của nhân dân, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Tôi mong rằng Quốc hội khóa mới sẽ có nhiều đại biểu đáp ứng được mong muốn đó của nhân dân để làm sao Quốc hội thực sự là Quốc hội mạnh, thực sự có tiếng nói mạnh nhất, đại diện cho tiếng nói của toàn dân”- ông Tùng nói./.
VOV