MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Năng suất lao động thấp, sao đổ lỗi cho người lao động?”

02-11-2015 - 15:22 PM | Xã hội

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đã thốt lên như vậy, khi nhắc đến nguyên nhân khiến một trong 9 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm không đạt kế hoạch là năng suất lao động. Thay vì đổ lỗi cho NLĐ, ông đề nghị cần mổ xẻ những nguyên nhân khác khách quan hơn.

Sáng nay 2.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2015 và kế hoạch kinh tế xã hội năm 2016. ĐB Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, một trong 9 chỉ tiêu không đạt kế hoạch được Chính phủ nêu tại báo cáo là năng suất lao động thấp.

Nhấn mạnh là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả phát triển kinh tế, xã hội, ĐB Hùng đặt câu hỏi: “Vừa rồi có nhiều quan điểm đi tìm nguyên nhân từ phía người lao động, nhất là tiền lương tối thiểu. Dường như năng suất lao động thấp thì người lao động phải chịu trách nhiệm? Do vậy mới đặt ra kế hoạch mức lương tối thiểu vùng năm tới không nên quá 10%?. Tôi cho rằng không nên đổ lỗi hoàn toàn cho người lao động!”

Theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng, người VN luôn có truyền thống cần cù, sáng tạo. Nhiều hình ảnh về người lao động đã ám ảnh tâm trí vị ĐB này khi gần đây ông được xem phóng sự về chợ lao động lao động, về hình ảnh của cả nhóm người lao động ùa đến mỗi khi có ôtô, xe máy dừng lại, với hi vọng và khát khao có việc làm.

“Hàng triệu lao động ở các khu cộng nghiệp vẫn đang cần mẫn làm việc, sẵn sàng làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. Những con người như vậy lẽ nào là nguyên nhân chính của năng suất lao động? Tôi đề nghị Chính phủ phải có cái nhìn toàn diện hơn, đi tìm nguyên nhân ở lĩnh vực khác!” – ĐB Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ba nguyên nhân chính dẫn đến năng suất lao động ngày càng thấp, theo quan điểm của ĐB này, đó là: Thiết bị công nghệ lạc hậu kéo theo chất lượng kém của nhiều DN, việc quản trị ở DN và quản trị xã hội ở địa phương còn nhiều yếu kém và tỉ lệ người lao động có bằng cấp chứng chỉ thấp, chỉ đạt trên 20%. “Người Việt Nam có câu “Một người biết lo bằng cả kho biết làm” – ta còn quá ít người giỏi biết lo!” – ông nhận định.

Với những nguyên nhân nói trên, ĐB Đỗ Mạnh Hùng đề nghị các DN dứt khoát chấm dứt tình trạng nhập khẩu thiết bị có công nghệ lạc hậu hoặc sắp lạc hậu, đồng thời đổi mới công nghệ trong nước, nâng cao hiệu quả quản trị của DN, đồng thời công khai minh bạch trong tuyển dụng nhân lực, đảm bảo tuyển đúng người, đúng việc, gắn với đào tạo nghề cho người lao động.

Liên quan đến chính sách tiền lương cho người lao động, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nhấn mạnh, hiện tại bộ máy ăn lương nhà nước đang quá lớn, vượt khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước. “Trung ương chủ trương tinh giản biên chế để đảm bảo đời sống cho người lao động, nhưng tôi tin là không giảm được vì không biết… giảm ai!” – ông thẳng thắn đưa ý kiến.

Theo ĐB Lê Nam, để làm được điều này, Chính phủ cần sớm nghiên cứu những trăn trở về đổi mới ở các địa phương như sáp nhập các cơ quan đảng và nhà nước ở Quảng Ninh, cổ phần hóa một số bệnh viện theo hướng chuyển phần lớn bệnh viện nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý.

Cũng theo ông, Nhà nước cần quan tâm hơn đến chế độ bảo hiểm y tế, các chính sách mới về học phí… chấm dứt kiểu bao cấp và nếu thay đổi được thì bộ máy cồng kềnh mới được giảm nhẹ, các chi tiêu cũng được cắt bớt và theo đó mới đảm bảo được chính sách tiền lương.

Theo DƯƠNG HÀ

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên