MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ra quyết sách tấn công tội phạm 'chạy chức, chạy quyền'

30-03-2016 - 10:24 AM | Xã hội

Ngày 29/3, thảo luận về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, phải xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm theo theo tinh thần “cột ở lại thì người phải đi, nhà của dân sập thì cán bộ cũng phải sập”.

Vơ vét sau khi chạy chức, chạy quyền

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), hiện cử tri và nhân dân rất bức xúc trước tình trạng tham nhũng, lãng phí “chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp”. “Gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nêu một khái niệm là “chạy luân chuyển”. Điều đó có nghĩa là có chính sách gì mới là “chạy”, ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, việc “chạy chức, chạy quyền” trên dân biết, Đảng biết, Chính phủ và các ban, ngành biết. Nhưng do thiếu một cơ chế, cơ sở để gắn trách nhiệm cho người đứng đầu trong quá trình xử lý nên câu hỏi “Ai chạy, chạy ai” chưa trả lời được dù được nói đi, nói lại nhiều lần.

ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng bày tỏ sự băn khoăn vì sao lại có nhiều người “chạy” và vì sao lại “chạy” được khi mà quy trình bổ nhiệm cán bộ vốn được coi là chặt chẽ. “Đây là một câu hỏi rất lớn mà nhiều nhiệm kỳ qua chúng ta chưa có lời giải đáp”, ông Đương nói và chỉ ra một thực tế hết sức lo ngại là việc chạy chức, chạy quyền không chỉ tạo ra bất công, mà còn dẫn đến nghịch cảnh trớ trêu là: “người trong sạch thì không ai chơi và bị coi là quan hệ kém”.

“Tôi đề nghị các cấp ngành cần phải nhìn nhận, đánh giá lại xem có việc chạy chức, chạy quyền không, vì nó không chỉ tạo ra bất công lớn mà còn đẻ ra tham nhũng. Bởi vì họ mua quan, bán chức xong họ phải vơ vét mới đủ bù chi phí đã bỏ ra. Đấy là quy luật thị trường và thị trường đó rất nguy hại”, ông Đương phản ánh. Vị đại biểu trên cũng chỉ ra rằng, nạn chạy chức, chạy quyền chính là một thứ “vi rút” hết sức nguy hiểm. “Khi cơ thể đã bị “vi rút xâm hại thì chính thể phải bắt cơ thể đó uống thuốc, chứ nếu để tự uống sẽ không hiệu quả. Đồng thời, nếu cứ ban hành nhiều nghị quyết mà hiệu quả xử lý không cao thì có khi chỉ kích thích cho “vi rút tham nhũng” phát triển mà thôi”, ông Đương lo lắng.

Nhà dân sập thì cán bộ cũng phải sập

Đề cập công tác phòng chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) khẳng định, thời gian qua, Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước khi tiếp xúc cử tri, đi làm việc ở các địa phương luôn luôn thể hiện là những người rất căm ghét những kẻ tham nhũng, thái độ cũng rất rõ ràng. Tuy nhiên, cử tri lại băn khoăn không biết Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào, có quyền hạn gì trong trận chiến đấu chống lại tham nhũng? Chủ tịch nước được làm gì? và làm được gì trong việc chống lại tham nhũng hiện nay.

Theo ông Sơn, sở dĩ có băn khoăn trên vì những quy định của Hiến pháp chưa được cụ thể hoá nên Chủ tịch nước muốn làm thì cũng khó có thể thực hiện được. Ông Sơn kiến nghị trong nhiệm kỳ tới nên đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ tới là xây dựng, ban hành luật, chế định về Chủ tịch nước.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) thì khẳng định để xảy ra tình trạng tham nhũng nghiêm trọng, xâm phạm quyền lợi của người dân lương thiện, làm suy yếu tiềm lực đất nước, tàn phá tài nguyên quốc gia là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó Chính phủ có vai trò chủ công. “Trong nhiệm kỳ vừa qua, cử tri cho rằng, Thủ tướng Chính phủ sớm xử lý kỷ luật vài vụ thì tình hình có thể cải thiện hơn, không nên chờ đến khi đổ bể, họ phải ra tòa.

Cử tri đề nghị Chính phủ tới đây cần phải cải cách cách thức điều hành, Thủ tướng Chính phủ phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các bộ trưởng, các chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, không đợi hết nhiệm kỳ, chấm dứt tình trạng trên bảo dưới làm lơ trong hành pháp”, ông Nghĩa đề nghị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cũng đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ tới cần lập lại kỷ cương, kỷ luật, ý thức chấp hành và thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, xử lý nghiêm minh cán bộ công chức vi phạm theo tinh thần như Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã nói là: “cột ở lại thì người phải đi, nhà của dân sập thì cán bộ cũng phải sập”.

Tuy nhiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương khẳng định: Chỉ có Bộ Chính trị mới nghĩ ra cách giải đáp câu hỏi này và chính Bộ Chính trị sẽ đưa ra những quyết sách để tấn công như tấn công tội phạm. “Bây giờ chỉ trông chờ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Đảng lãnh đạo toàn diện mọi mặt, có lẽ tập trung vào chỗ này thì mới hiệu quả. Cử tri bảo các ông nói nhiều mà không xoay chuyển tình hình, tốt nhất các ông đừng nói nữa”, ông Đường nói và bày tỏ sự tiếc nuối khi Bộ luật Hình sự không đưa tội mua, bán chức quyền vào dù đại biểu đã nhiều lần đề nghị.

Ý kiến đại biểu:

Theo ĐB Đỗ Văn Đương, việc bộ máy cồng kềnh, không tinh giản được biên chế là do Luật về tổ chức bộ máy đã sinh ra nhiều bộ máy. Ví như Luật tổ chức chính quyền địa phương sau khi có hiệu lực, ước tính tăng thêm 22. 000 biên chế hoạt động ở HĐND các cấp.

ĐB Trần Thị Quyết Tâm, Chủ tich HĐND TPHCM:

Tình trạng xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn thiếu nhất quán như báo cáo của Chính phủ thì thật sự rất đáng lo. Tôi tự hỏi có lực cản nào trong Chính phủ hay do lợi ích nhóm chi phối đã dẫn tới tình trạng đó?

Theo Văn Kiên

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên