Thống đốc Ngân hàng nói về sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong năm 2023 dư âm của sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB vào cuối năm 2022 vẫn còn, cộng hưởng với tác động đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ và châu Âu... là những yếu tố tác động không thuận tới thanh khoản, tâm lý người dân và doanh nghiệp. Tuy vậy, hệ thống tổ chức tín dụng vẫn cơ bản hoạt động ổn định.
- 07-01-2024Ngân hàng SCB rao bán loạt xe chở tiền
- 26-12-2023Từng huy động lên tới gần 10%, SCB vừa giảm lãi suất tiền gửi dưới 12 tháng xuống còn 3,25%, thấp hơn cả Agribank, VietinBank và BIDV
- 22-12-2023SCB đóng cửa thêm phòng giao dịch tại TP.HCM và An Giang từ hôm nay (22/12)
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 diễn ra sáng 8/1 với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém)
Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói: Trong năm, dư âm của sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB vào cuối năm 2022 vẫn còn, cộng hưởng với tác động đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ và châu Âu, xu hướng tín dụng tăng chậm lại trên khắp toàn cầu... là những yếu tố tác động không thuận tới thanh khoản, tâm lý, kỳ vọng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và người dân.
Tuy vậy, năm 2023, hệ thống tổ chức tín dụng vẫn cơ bản hoạt động ổn định, huy động và cung ứng vốn cho nền kinh tế tiếp tục tăng.
Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” được tích cực triển khai. Việc định giá các ngân hàng chuyển giao bắt buộc dù chưa có tiền lệ, nhưng đến nay, về cơ bản đã hoàn thành, tạo cơ sở cho việc hoàn tất phương án chuyển giao chi tiết trong thời gian tới.
Mặc dù nợ xấu tăng song theo thống đốc, nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
"Năm 2024, định hướng của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Bên cạnh đó, điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Về tái cơ cấu ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%. Tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngành Ngân hàng; thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2023, điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 3,2-3,4%. Hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối và Ngân hàng Nhà nước đã mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước đã liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đến nay, lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay của các giao dịch phát sinh mới của ngân hàng thương mại giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022.
Tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền; thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.
Nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5% (thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng cao trên thế giới), hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Tính đến 31/12/2023, tín dụng tăng 13,71% so với cuối năm 2022.
Tiền phong