Thu nhập bình quân của lao động trong lĩnh vực phần mềm Việt Nam gần 196 triệu đồng/người/năm
Theo Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2019, năm 2018, phần mềm tiếp tục là lĩnh vực có mức thu nhập bình quân cao nhất trong các lĩnh vực của ngành công nghiệp CNTT, với mức thu nhập 8.578 USD/người/năm (tương đương 195,7 triệu đồng/người/năm theo tỉ giá USD tại thời điểm ngày 30/12/2018 – PV).
Thu nhập bình quân của lao động ngành công nghiệp CNTT là một trong những số liệu thống kê được Bộ TT&TT công bố trong ấn phẩm Sách trắng CNTT-TT Việt Nam 2019 mới phát hành. Số liệu này được Bộ TT&TT tổng hợp trên cơ sở báo cáo của các địa phương.
Cụ thể, số liệu của Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam cũng cho thấy, trong 4 năm từ 2015 đến 2018, thu nhập bình quân của lao động trong lĩnh vực phần mềm đã tăng từ mức 6.215 USD/người/năm của năm 2015 lên 6.849 USD/người/năm vào 2016, đạt 7.570 USD/người/năm trong năm 2017 và cán mốc 8.578 USD/người/năm vào năm 2018.
Với mức thu nhập bình quân nêu trên, trong 4 lĩnh vực của công nghiệp CNTT gồm phần cứng – điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT (trừ buôn bán, phân phối), phần mềm tiếp tục là lĩnh vực có thu nhập bình quân cao nhất. Mức thu nhập bình quân 1 lao động phần mềm năm 2018 đạt 8.578 USD/người/năm, tăng 13,3% so với năm 2017 và gấp gần 1,6 lần so với thu nhập bình quân của lao động làm trong lĩnh vực phần cứng điện tử.
Cũng theo Sách trắng CNTT-TT Việt Nam 2019, thu nhập bình quân của lao động làm trong lĩnh vực phần cứng điện tử năm 2018 là 5.392 USD/người/năm (tương đương khoảng 123 triệu đồng/người/năm - PV), tăng 21,1% so với mức thu nhập bình quân năm 2017 và gần gấp đôi so với mức thu nhập bình quân của lao động làm trong lĩnh vực này năm 2015.
Đối với lĩnh vực nội dung số, mức thu nhập bình quân của lao động làm trong lĩnh vực này năm 2018 là 7.696 USD (tương đương gần 176 triệu đồng/người/năm – PV), tăng 14,2% so với mức thu nhập bình quân năm 2017 và gấp khoảng 1,25 lần so với thu nhập bình quân của lao động làm trong lĩnh vực nội dung số năm 2015.
Tương tự, ở lĩnh vực dịch vụ CNTT (trừ buôn bán, phân phối), thu nhập bình quân của lao động làm trong lĩnh vực này năm 2018 là 6.932 USD/người/năm (tương đương 158,2 triệu đồng/người/năm - PV), tăng tới 17,3% so với mức thu nhập bình quân năm 2017 và tăng gần 1,3 lần so với thu nhập bình quân của người lao động làm trong lĩnh vực này vào năm 2015.
Tổng hợp số liệu của các địa phương, Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2019 cho hay, kết thúc năm 2018, tổng số lao động công nghiệp CNTT Việt Nam là 973.692 người, trong đó lao động lĩnh vực phần cứng – điện tử đông nhất với tổng số 717.955 người, chiếm 73,7%; lao động lĩnh vực phần mềm là 127.366 người, chiếm 13,1%; lao động lĩnh vực nội dung số là 51.952 người, chiếm 5,3%; và 76.419 là số lao động làm dịch vụ CNTT (trừ buôn bán, phân phối), chiếm 7,9%.
Bộ TT&TT cũng cho biết, thời gian qua, công nghiệp CNTT tiếp tục là một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số trong 5 năm qua. Tính đến cuối năm 2018, tổng số doanh nghiệp CNTT đạt khoảng 40.000 doanh nghiệp, tăng 36,7% so với năm 2017. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT đạt gần 103 tỷ USD, tăng 12,43% so với năm 2017. Trong đó, công nghiệp phần cứng điện tử đạt 91,5 tỷ USD; phần mềm đạt 4,45 tỷ USD; dịch vụ CNTT đạt 6,18 tỷ USD và nội dung số đạt 825 triệu USD; xuất khẩu trên 89 tỷ USD, đống góp gần 50.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Năm 2018, lĩnh vực phần mềm tăng trưởng 17,7% về doanh thu và 29,4% về số lượng doanh nghiệp so với năm 2017. Lĩnh vực dịch vụ CNTT tăng trưởng 13,9% về doanh thu và 54,6% về số lượng doanh nghiệp.
Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực phần cứng, điện tử trong năm 2018 có giảm hơn so với năm 2017 cả về doanh thu (12,2% so với 38,7%) và về nhân lực (5,8% so với 19,5%) do không có nhiều doanh nghiệp mới mở có quy mô lớn. Lĩnh vực nội dung số có tốc độ trưởng 3,3% về doanh thu và nhân lực giảm 7,1% do xu hướng chuyển dịch sang làm các lĩnh vực kinh doanh khác như phần mềm và dịch vụ CNTT.
Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2019 được Bộ TT&TT chính thức giới thiệu cuối tháng 12/2019 nhằm đáp ứng yêu cầu mới về thông tin, phục vụ việc xây dựng các chiến lược, chương trình, đề án liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển ngành công nghiệp CNTT - điện tử, viễn thông, chính phủ điện tử, cũng như yêu cầu của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân.
Năm 2019 là lần đầu tiên Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam cung cấp thông tin số liệu về lĩnh vực thông tin tuyên truyền và danh mục Top 20 địa phương và Top 20 doanh nghiệp dẫn đầu về hoạt động công nghiệp CNTT trong cả nước.
ICT News