MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ phủ Tây Nguyên: Cà phê hóa củi

09-04-2016 - 12:00 PM | Thị trường

Hàng ngàn ha cà phê ở Đắk Lắk, thủ phủ cà phê Tây Nguyên đang hóa củi vì khô hạn kéo dài, sông suối cạn kiệt nước.

Giữa trưa nắng tháng 4 như đổ lửa, ông Ama Cin (buôn Tơng, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cùng cậu con trai đánh máy cày, chở cả chục cuộn ống ra bờ suối Ea Kdoh tìm nước tưới cho 2 ha cà phê đang khô cháy.

Dòng suối khô cạn, chỉ còn lại dòng nước nhỏ như sợi dây thừng chạy giữa dòng suối. Để có nước, Ama Cin vét một cái hố thật sâu giữa lòng suối rồi đặt một thùng phuy nhựa thật to chờ hứng nước vào, sau đó cắm vòi hút, nổ máy bơm nước.


Đào giếng tìm nước tưới cà phê tại xã Ea Tar, huyện Cư M’gar

Đào giếng tìm nước tưới cà phê tại xã Ea Tar, huyện Cư M’gar

“Mình trực bơm gần cả tuần nay, tốn cả triệu tiền dầu mà chỉ mới tưới chưa được nửa ha rẫy. Nước chảy về nhỏ lắm, mỗi lần bơm tưới được khoảng 10 phút cho vài cây cà phê lại phải chờ cả tiếng mới có nước tưới tiếp”, Ama Cin cho biết.

Chắc đói to rồi

Gần chục hộ dân buôn Tơng, buôn Drai Xí cũng đánh máy cày ra suối lắp máy bơm cắm vòi xuống vũng nước của Ama Cin chờ bơm nước tưới cho cà phê với hi vọng cứu được cây nào hay cây đó.

Họ cùng nhau đào bới cho hố nước rộng thêm, hễ nước về đầy hố, hộ này bơm cạn thì nhường cho hộ khác. Cứ như thế, họ phân công người luân phiên trông coi máy móc, trực máy bơm đã gần nửa tháng nay.


Rẫy cà phê của anh Nguyễn Khắc Phương (xã Ea Tar, Cư M’gar) hóa củi

Rẫy cà phê của anh Nguyễn Khắc Phương (xã Ea Tar, Cư M’gar) hóa củi

“Cà phê của mình vàng, rụng lá gần hết rồi. Đến giữa tháng 4 này mà không có mưa, 2 ha sẽ chết cháy, phải nhổ bỏ. Năm nay cả nhà mình chắc đói to rồi”, Ama Cin lo lắng.

Trong cái nắng gắt đỉnh giữa trưa, anh Nguyễn Khắc Phương (buôn Drai Xí, xã Ea Tar) ra thăm 3 sào cà phê khô trụi lá, trơ cành để lên kế hoạch nhổ bỏ, tìm cây khác thay thế.

Anh Phương bắc thang leo gần trăm trụ tiêu trồng xen nhưng chỉ hái được vài chục ký quả non bị nắng đốt cho khô quắt. Anh buồn bã: "Năm nay hạn nặng quá, từ đầu mùa khô giếng đã không còn giọt nước tưới. Nhìn cà phê, tiêu cháy khô cũng đành bất lực”.


Hàng chục hộ dân đánh máy cày ra suối sục vòi bơm vét nước cứu cà phê trong vô vọng

Hàng chục hộ dân đánh máy cày ra suối sục vòi bơm vét nước cứu cà phê trong vô vọng

Hàng ngàn hộ trồng cà phê tại Đắk Lắk cũng cùng chung cảnh ngộ. Nhiều hộ, những rẫy cà phê nằm ngay trong vườn nhà cũng bị chết cháy vì nước sinh hoạt cũng phải đi xin từng giọt.

Còn nước còn tát

Không đành lòng nhìn cây trồng bị chết, nhiều nông dân bấm bụng chở từng thùng nước để tưới từng gốc cà phê.

Ông Nguyễn Hải Lâm (thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp, Cư M’gar) có 4 sào cà phê bắt đầu khô héo.

Ông may mắn hơn những hộ khác là giếng nước sinh hoạt vẫn còn nước. Hơn một tuần nay, ông mua 2 bồn nhựa đặt trên thùng xe cày rồi bơm nước giếng vào đầy bồn, sau đó chở ra rẫy cách nhà khoảng 2km, tiếp tục lắp bơm dầu bơm nước tưới.


Người dân xã Ea M’droh (Cư M’gar) đào hồ nhân tạo bơm trữ nước tưới cà phê

Người dân xã Ea M’droh (Cư M’gar) đào hồ nhân tạo bơm trữ nước tưới cà phê

“Tốn kém và mất nhiều công sức, nhưng cũng phải chấp nhận, nếu không vườn cây sẽ chết hết. Tôi may mắn cầm cự, hi vọng cứu được vườn cây vì giếng còn nước. Nhưng với tình hình nắng nóng còn kéo dài, sợ rằng giếng nước rồi cũng cạn”, ông Lâm chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Nhiên (thôn Đoàn Kết, xã Ea Mdroh) cho đào một hồ đất ngay trước cửa nhà rồi mua bạt về lót thành hồ chứa nước nhân tạo.

Sau đó, ông Nhiên bơm nước từ giếng lên đầy hồ nhân tạo (khoảng 5m3), tiếp đó lắp một máy bơm chuyển tiếp nước từ hồ ra để tưới cho hơn 1ha cà phê đang rụng lá.

"Trước đó, tôi đã mua 7 cuộn ống (khoảng 350m) đấu nối bơm nước từ giếng ra tưới nhưng không được vì đường ống quá dài, nước chảy rất yếu. Giếng nước giờ cũng sắp cạn rồi. Bơm một tiếng thì phải nghỉ chờ 2-3 tiếng mới có nước trở lại để bơm tiếp”, ông Nhiên cho biết.


Nông dân còng lưng kéo đường ống nước tưới cứu cà phê

Nông dân còng lưng kéo đường ống nước tưới cứu cà phê

Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư M’gar, do nắng hạn kéo dài, trên 70% hồ đập và trên 80% giếng đào đã khô cạn.

Tính riêng cây cà phê đã có trên 6 ngàn ha thiếu nước tưới, trong đó, gần 3 ngàn ha có khả năng mất trắng.

Huyện vừa trích ngân sách khoan 7 giếng nước (3 giếng ở các trường mẫu giáo và 4 giếng ở các buôn khô hạn nặng) với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng để giải quyết nước sinh hoạt cho người dân.


Hàng ngàn ha cà phê tại Đắk Lắk đang thiếu nước tưới

Hàng ngàn ha cà phê tại Đắk Lắk đang thiếu nước tưới

UBND huyện Cư M’gar cũng đã có văn bản đề xuất lên UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để tiếp tục khoan giếng tại các điểm nóng thiếu nước và hỗ trợ trên 160 tấn gạo cứu đói giáp hạt cho các buôn đồng bào lâm vào khó khăn.

Theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, toàn tỉnh có 770 công trình thủy lợi, trong đó có 600 hồ chứa nước lớn, nhỏ. Có khoảng 300 hồ chứa đang ở dưới mực nước chết, số còn lại mực nước chỉ còn chưa tới 60% dung tích thiết kế.

Mực nước trên các sông duy trì ở mức rất thấp, nhiều trạm bơm không còn nguồn nước, nhiều vùng không còn nguồn nước ngầm.

Toàn tỉnh hiện có 36.961 ha cây trồng bị khô hạn (tăng 5.366ha so với cùng kỳ), thiệt hại ước tính 1.110 tỉ đồng. Có khoảng 21.000 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt.

TP Buôn Ma Thuột đã phải cắt giảm 30% lượng nước sinh hoạt và dự kiến thời gian tới cắt giảm 50%.

Theo Trùng Dương

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên