Thủ tướng: Kế thừa thành tựu hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của ta lớn mạnh hơn nhiều
Quy mô nền kinh tế Việt Nam tăng mạnh, năm 2018 ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD), gấp trên 1,3 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 trước toàn thể Quốc hội sáng 22/10.
Về kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đã luôn kiên định mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Một số kết quả nổi bật được Thủ tướng nêu ra như: GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%). Trong đó, bình quân 3 năm 2016 - 2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5 - 7%).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%. Tín dụng 9 tháng tăng 10,41% (cùng kỳ tăng 12,21%), cả năm tăng dưới 17%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, chứng khoán.
Tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt. Dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD. Thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi…
Lượng vốn FDI thực hiện được ghi nhận đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng; chỉ số ICOR giai đoạn 2016 - 2018 ở mức 6,32, thấp hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,91)…
Nhiều mục tiêu khác như cơ cấu lại DNNN, thoái vốn, bán cổ phần cũng được Thủ tướng chỉ ra là có kết quả tích cực. 20 DNNN được bán cổ phần lần đầu đã thu về 20,3 nghìn tỷ đồng, thoái vốn thu về là 7,9 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số luỹ kế từ đầu nhiệm kỳ lên trên 170 nghìn tỷ đồng...
Nền kinh tế theo Thủ tướng đã có sự chuyển dịch tích cực, trong đó, tỷ trọng nông nghiệp giảm, tỷ trọng công nghiệp dịch vụ tăng. Nông nghiệp có sự phục hồi về chất lượng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn. Còn khu vực công nghiệp trở thành động lực chủ yếu của tăng trưởng.
Năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng được nâng lên. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 42,18%, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (33,58%) và vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 (30 - 35%). Năng suất lao động bình quân 3 năm 2016 - 2018 tăng 5,62%, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,35%) và vượt mục tiêu kế hoạch 2016 - 2020 (5%).
Với những xu hướng tích cực này, Thủ tướng cho biết tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2020 có thể sẽ đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5 - 7%, cao hơn bình quân giai đoạn 2011 - 2015 (5,91%).
Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD), gấp trên 1,3 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015.
"Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam có triển vọng tốt, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới", Thủ tướng nói.
Nhiều sức ép lớn phải đối mặt
Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp nhiều hạn chế, khó khăn. Cụ thể, theo Người đứng đầu Chính phủ, sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế...
Bên cạnh đó, tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế. Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ở nhiều bộ ngành, địa phương chậm. Sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn.
Sự gắn kết với khu vực FDI và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Một số công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng kém. Còn những bất cập trong cơ chế, chính sách; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Mặt khác, tuy nhiều tổ chức quốc tế nâng hạng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nhất là môi trường kinh doanh, nhưng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2017 (77/140 so với 74/135 quốc gia, vùng lãnh thổ).
"Mặc dù sự tụt hạng có phần do thay đổi cơ bản trong phương pháp đánh giá, nhưng qua đó cũng thể hiện năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, kỹ năng… còn thấp và chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để khắc phục" Thủ tướng nhấn mạnh.
Trí Thức Trẻ
- Quốc hội quyết chi ngân sách Trung ương 2019 hơn 1 triệu tỷ đồng
- Chi 16.200 tỷ đồng cải cách tiền lương, tinh giản biên chế trong 2019
- Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể: Chúng ta có nhiều bài học 'xương máu'
- Chiều nay Quốc hội biểu quyết thông qua CPTPP
- Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: "Không thể có đại học vô chủ!"