Thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn nữa
“Cần vực dậy và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn”, đó là chia sẻ bên hành lang Quốc hội của đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) khi đề cập đến vấn đề làm thế nào để hỗ trợ thực sự hiệu quả cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
- 24-05-2024Trình đề án thu phí ô tô vào tháng 6-2024
- 24-05-2024Thái Bình mong muốn thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh với các đối tác của Bỉ
- 23-05-2024Việt Nam - Cơ hội đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, để vực dậy, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn nữa thì vấn đề hiện nay là ngoài chính sách tài khóa, cần phải hệ thống các giải pháp hỗ trợ đồng bộ, nhất là phải phát huy được các tiềm năng và lợi thế của mình.
Theo đại biểu, lợi thế của Việt Nam là nông nghiệp thì phải có biện pháp giảm chi phí logistics bởi hiện nay chi phí này của Việt Nam vẫn còn rất cao so với nhiều quốc gia khác. Muốn giảm thấp chi phí logistics thì phải đầu tư vào hạ tầng về giao thông, phải có chính sách khuyến nông, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
Một thế mạnh nữa của Việt Nam là du lịch. Du lịch là ngành công nghiệp không khói mà nước ta là nơi mà được khách du lịch nước ngoài ưa chuộng do có nhiều danh lam thắng cảnh. Việc 4 tháng đầu năm nay, khách du lịch quay trở lại Việt Nam cao hơn so với trước thời điểm đại dịch COVID-19 là một dấu hiệu tốt đẹp. “Nhưng chúng ta cần phải đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng về du lịch. Đó là đầu tư tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử, tôn tạo và bảo vệ các danh lam thắng cảnh, đầu tư vào hạ tầng vui chơi giải trí và hạ tầng về giao thông để thuận lợi cho khách du lịch”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
“Để phát huy thế mạnh về du lịch thì cần quan tâm đến thị trường nội địa với 100 triệu dân, trong đó lớp trung lưu đang tăng dần. Việt Nam phải sản xuất được hàng hóa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người Việt Nam. Nhưng khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì hàng Việt Nam cũng phải có chất lượng cao”, đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ.
Nhấn mạnh các giải pháp trên, song theo đại biểu Trần Hoàng Ngân “vấn đề thể chế rất quan trọng”. Theo đại biểu, với bối cảnh tình hình thế giới hiện nay có nhiều biến động bất thường, bất định, khó dự báo thì “chúng ta phải đáp ứng được sự linh hoạt của các bộ, ngành và các địa phương”. Muốn các địa phương linh hoạt thích ứng nhanh với tình hình thì phải có phân cấp, phân quyền. Vì vậy, thể chế cũng phải theo hướng phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương để các địa phương có thể chủ động.
“Cho nên, Nghị quyết 98/2023/QH15 Quốc hội dành cho Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục nhân rộng cho các địa phương khác khi áp dụng cơ chế chính sách đặc thù, phân cấp, phân quyền để các địa phương thích ứng với tình hình”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ.
Cũng theo đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, để thúc đẩy nền kinh tế thì Việt Nam cũng cần phải kiên định mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 (net zero carbon). Và phải có những chính sách cụ thể như việc một số tỉnh thành phố đã hỗ trợ cho người dân chuyển đổi xe từ xe sử dụng năng lượng không sạch sang sử dụng năng lượng sạch. Đối với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường cũng cần phải có những chính sách hỗ trợ về thuế, tài chính, vốn.
“Tất cả những cơ chế đó để chúng ta hình thành gói hỗ trợ doanh nghiệp. Có như vậy, chúng ta mới có thể nhận được các đơn hàng. Hiện nay, nhiều quốc gia khi đặt các đơn hàng đều yêu cầu thực hiện đơn hàng là các doanh nghiệp thân thiện với môi trường. Vừa qua chúng ta đã mất một số đơn hàng cũng vì việc doanh nghiệp chưa chuyển đổi vấn đề này”, đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ.
Đánh giá rất cao phần thảo luận của chiều 23/5, bên hành lang nghị trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, các đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề từ những kiến nghị của cử tri còn lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời trách nhiệm, tương đối đầy đủ các nội dung. Tuy nhiên, vẫn còn những bộ, ngành trả lời chung chung, chưa thật sự thỏa đáng theo nguyện vọng, ý kiến của cử tri.
Nêu ví dụ vấn đề về các trạm thu phí không dừng ở các cửa sân bay, đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ: Hiện nay, Chính phủ đã quy định các trạm thu phí đều là trạm không dừng, nhưng các trạm thu phí tại sân bay vẫn còn thu phí bằng tiền mặt, vẫn phải dừng lại rồi qua trạm. “Tôi đã đặt vấn đề này với Bộ Giao thông nhiều lần nhưng Bộ vẫn không trả lời”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói và cho rằng, điểm hạn chế này “không lạ và không nhiều” mà chỉ ở một số bộ, ngành. Còn đa số các bộ, ngành đều là trả lời rất tốt.
Theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, rất cần thiết có thêm nhiều biện pháp, giải pháp hơn trong việc trả lời kiến nghị của đại biểu, cử tri, nhân dân và các bộ, ngành nên tích cực hơn trước vấn đề trả lời kiến nghị. “Đây là trách nhiệm đối với bộ, ngành của Trung ương trong trả lời kiến nghị của cử tri”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Báo tin tức