MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương hiệu hơn 60 năm tuổi Bông Bạch Tuyết đặt mục tiêu lợi nhuận tăng hơn 3 lần năm 2023, doanh thu cao kỷ lục

26-05-2023 - 10:45 AM | Doanh nghiệp

Sau khi đầu tư mạnh cho máy móc, tự động hóa, Bông Bạch Tuyết tự tin doanh thu sẽ có bước đột phá trong năm 2023, đồng thời lợi nhuận hồi phục trở lại.

Thương hiệu hơn 60 năm tuổi Bông Bạch Tuyết đặt mục tiêu lợi nhuận tăng hơn 3 lần năm 2023, doanh thu cao kỷ lục - Ảnh 1.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết, công ty sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 20/6.

Tại đại hội, Bông Bạch Tuyết sẽ trình cổ đông thông qua kết quả kinh doanh năm 2022 với doanh thu 167 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1,62 tỷ đồng.

So với năm 2021, doanh thu Bông Bạch Tuyết đã tăng trở lại nhưng lợi nhuận giảm tới gần 80%. Lý giải điều này, Bông Bạch Tuyết cho biết có 4 nguyên nhân.

Thứ nhất, chi phí sản xuất tăng cao do giá nguyên, nhiên liệu tăng đột biến do xung đột vũ trang và cấm vận giữa các quốc gia trên thế giới. Việc lưu thông hàng hóa bị kiểm soát chặt chẽ làm tăng chi phí vận chuyển, trễ nải chuỗi cung ứng, giá thành đội lên rất cao.

Thứ hai, kinh tế thế giới lại bắt đầu rơi vào thời kỳ suy thoái, lạm phát tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhu cầu mua sắm giảm mạnh.

Thứ ba, sản phẩm khẩu trang giảm mạnh và cạnh tranh gay gắt do các doanh nghiệp giải tồn cắt lỗ. Trước đó, trong giai đoạn đầu của Covid-19, nhu cầu sử dụng khẩu trang tăng mạnh. Tuy nhiên, khi đại dịch được kiểm soát, nhu cầu khẩu trang giảm và thị trường trở nên bão hòa. Đây lại là một sản phẩm đơn giản và phổ biến, không còn nhiều đặc tính để tạo nên sự khác biệt giữa các sản phẩm. Do đó, Bông Bạch Tuyết gặp khó khăn trong việc giữ vững doanh số bán hàng.

Và thứ tư, sau đại dịch Covid-19, Bộ Y tế thắt chặt hơn về giá và chính sách thầu. Giá áp thầu lấy cơ sở từ những năm 2020-2021 trong khi giá nguyên liệu tăng bình quân 40%, trong khi tỷ lệ lợi nhuận cho hàng thầu rất thấp.

Trong năm 2022, một trong những dự án đầu tư trọng điểm của Bông Bạch Tuyết là dự án "cải tiến công nghệ nấu bông" thay đổi quy trình sản xuất từ công nghệ cũ sang công nghệ mới nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, rút ngắn quá trình sản xuất, tăng năng suất, giảm tỷ lệ lỗi công đoạn sản xuất.

Bên cạnh đó, công ty tiếp tục triển khai đầu tư thiết bị dây chuyền đóng gói bông, tăm bông, khẩu trang, gạc để thay thế và giảm thiểu lao động đóng gói thủ công, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành trên thị trường.

Thương hiệu hơn 60 năm tuổi Bông Bạch Tuyết đặt mục tiêu lợi nhuận tăng hơn 3 lần năm 2023, doanh thu cao kỷ lục - Ảnh 2.

Sang năm 2023, Bông Bạch Tuyết đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng hơn 10%, lên 184,4 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng lên 5,45 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần năm trước. Công ty cho biết, doanh thu hứa hẹn đột phá năm nay do công ty đã đầu tư máy móc hiện đại tự động hóa.

Thương hiệu hơn 60 năm tuổi Bông Bạch Tuyết đặt mục tiêu lợi nhuận tăng hơn 3 lần năm 2023, doanh thu cao kỷ lục - Ảnh 3.

Bông Bạch Tuyết là doanh nghiệp được thành lập từ năm 1960, ban đầu là nhà máy tư nhân Cobovina Bạch Tuyết, chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh.

Giai đoạn 1975 đến 1997, nhà máy Cobovina Bạch Tuyết sau khi quốc hữu hóa đã lần lượt đổi tên thành Xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết và Công ty Bông Bạch Tuyết, đảm nhiệm vai trò cung cấp giải pháp bông y tế và các sản phẩm dân sinh.

Sau khi cổ phần hóa, từ 1997 đến 2018 là quãng thời gian Bông Bạch Tuyết trải qua nhiều thăng trầm. Bông Bạch Tuyết đã đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Thế nhưng, kể từ đó, kết quả kinh doanh của công ty sa sút. Trong 4 năm từ 2005-2008, nội bộ công ty thường xuyên xảy ra xung đột, quản lý gặp nhiều mâu thuẫn, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả.

Một trong những nguyên nhân chính khiến Bông Bạch Tuyết sa lầy là do không cân đối được sản xuất và bán hàng. Công ty đã nhập thêm máy móc đã khiến năng lực sản xuất tăng vọt, trong khi năng lực bán hàng không kịp đáp ứng. Hệ quả là, công ty liên tục thua lỗ, buộc phải ngừng sản xuất từ tháng 7/2008 còn cổ phiếu huỷ niêm yết từ tháng 8/2009.

Phải đến năm 2014 Bông Bạch Tuyết mới bắt đầu thoát lỗ và đến năm 2018 đánh dấu sự trơ lại của Bông Bạch Tuyết với sự chung tay góp sức của các đối tác. Bông Bạch Tuyết cho biết công ty không chỉ mạnh hơn về tiềm lực tài chính khi trở lại sàn chứng khoán mà còn kinh doanh lãi lớn, gia tăng nội lực.

Theo Hà My

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên