MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thường xuyên thức dậy vào các khung giờ này giữa đêm, cẩn thận gan, phổi đang 'gặp nguy'

05-10-2023 - 01:00 AM | Sống

Nhiều người bị tỉnh giấc giữa đêm vì các yếu tố như đi vệ sinh, gặp ác mộng. Tuy nhiên, thường xuyên thức dậy vào khung giờ này giữa đêm có thể cảnh báo chức năng gan, phổi đang gặp vấn đề.

Các vấn đề về gan, phổi thường được rất nhiều người quan tâm do đây là 2 bộ phận nắm giữ nhiều chức năng quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Theo đó, ngoài các dấu hiệu cảnh báo bệnh thông thường, việc thường xuyên thức dậy vào khung giờ 1-5 giờ sáng cũng có thể là tín hiệu cho thấy chức năng gan, phổi đang gặp một số vấn đề nghiêm trọng cần chú ý.

1. Thức dậy lúc 1-3 giờ sáng cảnh báo gan gặp ‘trục trặc’

Gan là một 'trung tâm' trao đổi chất chính giúp chuyển đổi hormone và chất dinh dưỡng, đồng thời làm sạch máu. Là cơ quan quan trọng trong việc giải độc, gan sẽ giải độc một cách tự nhiên khi bạn ở trong chu kỳ giấc ngủ non-REM, thường diễn ra vào khoảng 1-3 giờ sáng.

Tuy nhiên, chế độ ăn uống và lối sống kém lành mạnh chẳng hạn như chế độ ăn giàu chất béo, thực phẩm chế biến sẵn, ăn nhiều đường tinh luyện, uống rượu hoặc căng thẳng quá mức có thể gây áp lực với chức năng gan.

Lúc này, gan phải tăng cường chuyển hóa cholesterol, axit béo, glucose, hormone tuyến giáp, axit mật liên tục. Điều này có thể gây mất cân bằng chức năng gan, khiến gan không thể hoạt động hiệu quả, có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ/thức và khiến mọi người thức giấc giữa đêm nhiều hơn.

Bác sĩ Brian Lun, Chuyên gia Y học Tích hợp và Chức năng, tại Thành phố Kansas, Mỹ cho biết thêm: “Nhịp sinh học giúp đảm bảo rằng tất cả các cơ quan trong cơ thể hoạt động hài hòa với nhau. Trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 giờ sáng, gan làm việc chăm chỉ nhất để làm sạch và giải độc cơ thể trong khi chúng ta ngủ.

Tuy nhiên, nếu gan chậm và ứ đọng do tích tụ chất béo trong khoảng thời gian này, cơ thể sẽ cố gắng phân bổ nhiều năng lượng hơn để giải độc và kích hoạt hệ thần kinh khiến mọi người thức giấc giữa đêm”.

Theo Tạp chí Journal of Thoracic Disease, rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến khoảng 60-80% bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính. Biểu hiện thường gặp nhất là mất ngủ, giấc ngủ gián đoạn, buồn ngủ vào ban ngày và hội chứng chân không yên.

Ban đêm thức dậy vào các khung giờ này, cẩn thận gan, phổi đang "gặp nguy" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

2. Thức giấc vào 3-5 giờ sáng cảnh báo phổi chứa nhiều độc tố

Theo Đông y từ 3-5 giờ sáng là thời điểm phổi thực hiện chức năng giải độc. Nếu mọi người thường xuyên thức dậy khung giờ này mỗi đêm và kèm các triệu chứng như ho, hắt hơi, nghẹt mũi thì rất có thể phổi của bạn chứa quá nhiều độc tố cần phải thanh lọc...

Ngoài ra, thức dậy giữa đêm cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng ngưng thở khi ngủ. Hội chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra khi lưỡi và các mô mềm ở hầu họng giãn ra, gây tắc nghẽn một phần hoặc tắc nghẽn hoàn toàn đường thở. Điều này có thể khiến phổi, não bộ, tim và các cơ quan khác trong cơ thể bị tổn thương do tình trạng giảm nồng độ oxy trong máu.

Ban đêm thức dậy vào các khung giờ này, cẩn thận gan, phổi đang "gặp nguy" - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Cải thiện giấc ngủ thế nào?

Để cải thiện chất lượng giấc ngủ mọi người có thể thực hiện một số biện pháp sau:

- Tập ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

- Hạn chế sử dụng cà phê, rượu và thuốc lá, đặc biệt là vào buổi tối.

- Giữ phòng ngủ luôn mát mẻ.

- Tập thể dục nhiều hơn và sớm hơn trong ngày.

- Tránh ăn quá muộn vào buổi tối, đặc biệt là đồ ngọt và thực phẩm chế biến sẵn hoặc thực phẩm chứa nhiều carbohydrate. Cố gắng ăn bữa cuối cùng vào 3 tiếng trước khi đi ngủ.

- Tăng cường thực phẩm ăn các loại rau củ quả.

- Tránh xem các thiết bị điện tử 2 tiếng trước khi đi ngủ.

- Đảm bảo các hoạt động giảm căng thẳng vào buổi tối.

Cuối cùng, nếu tình trạng thức giấc vào lúc nửa đêm diễn ra liên tục trong thời gian dài, mọi người nên đến bệnh viện thăm khám để phát hiện các vấn đề sức khỏe kịp thời.

Theo Mộc Miên

Trí thức trẻ

Trở lên trên