MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếp sức cho doanh nghiệp hồi sinh

Tọa đàm Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy kinh tế TP HCM phát triển đã ghi nhận nhiều góp ý, kiến nghị về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.

TS TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia:

Tiếp sức cho doanh nghiệp hồi sinh - Ảnh 1.

Kích thích nhu cầu nội địa

Báo cáo kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm cho thấy tình hình chưa sáng sủa. Có ý kiến cho rằng kinh tế có thể khởi sắc từ cuối quý II/2023 nhưng thực tế thị trường còn rất khó khăn. Tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ quý I/2023 tăng tốt nhưng đến tháng 4 bắt đầu chững lại, sức mua rất thấp, khách du lịch thưa thớt.

TP HCM đang triển khai những giải pháp căn cơ và tình thế để hồi phục kinh tế. Về giải pháp tình thế, cần rà soát, giải quyết những điểm nghẽn có thể xử lý ngay để nền kinh tế hấp thụ được dòng vốn, nhất là thị trường bất động sản. Tuy nhiên, TP HCM là một bộ phận của kinh tế cả nước, cần giải pháp căn cơ cho nền kinh tế bởi nếu chỉ tháo gỡ được những vấn đề tình thế thì khó khăn sẽ lặp lại sau một thời gian.

Về chương trình cho vay mua nhà ở xã hội, rõ ràng cũng cần hỗ trợ về mặt cơ chế chứ không chỉ tín dụng. Tôi đề xuất nguồn vốn này nên được phân tỉ lệ về các đô thị, thành phố lớn để kích thích cả nhà đầu tư lẫn người có nhu cầu mua nhà ở những thị trường tiềm năng.

Tôi lạc quan cho rằng tình hình có thể cải thiện từ quý III/2023 dù với diễn biến hiện tại là tương đối khó. Biện pháp quan trọng nhất là tạo niềm tin cho DN để họ tự vươn lên, tạo sinh khí mới trong phát triển. Điều này nhà nước không thể làm thay DN được.

 PGS-TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

Tiếp sức cho doanh nghiệp hồi sinh - Ảnh 3.

TP HCM cần những dự án đột phá

Tình hình kinh tế Việt Nam hiện còn nhiều rủi ro. Thứ nhất là rủi ro về thị trường nội địa khi sức mua yếu kéo dài từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đến nay mà không thể cải thiện. Trong khi đó, thị trường thế giới biến động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam. Thứ hai là rủi ro về chính sách với rất nhiều vướng mắc ở khâu thực thi. Thứ ba là rủi ro liên quan biến đổi khí hậu.

Bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi TP HCM phải bình tĩnh hơn khi xử lý các vấn đề. TP HCM cần có những dự án đột phá song song với đột phá về thể chế. Những trung tâm kinh tế lớn trên thế giới luôn có tính mở, tính hội nhập quốc tế, như Singapore, Thượng Hải... TP HCM muốn vượt lên thì cũng phải biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế của đất nước, thành hub (điểm hội tụ) để các định chế tài chính, tập đoàn kinh tế, thương mại đến giao lưu, làm ăn. Những dự án, đề án đột phá có thể điểm tên là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM, trung tâm thương mại tầm cỡ quốc tế... Cộng hưởng những yếu tố này cùng với sự phát triển đồng bộ và mạnh mẽ của vùng Đông Nam Bộ, TP HCM sẽ có cơ hội thu hút được những nhà đầu tư lớn, những tập đoàn đa quốc gia với nguồn lực đầu tư lớn và công nghệ sạch.

Bên cạnh đó, vùng TP HCM (Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai - Bình Dương - TP HCM) cần trở thành cụm đi đầu về mặt thể chế, trung tâm thử nghiệm thể chế cho cả nước. Có như vậy thì rủi ro mới giảm và sức mạnh chung của cả vùng mới tăng lên, từ đó khả năng bứt phá sẽ lớn hơn rất nhiều.

Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM:

Tiếp sức cho doanh nghiệp hồi sinh - Ảnh 4.

Tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) của TP HCM là sáng kiến, giải pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN. Xuất phát điểm của chương trình gắn liền với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho DN do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, DN gặp khó khăn về vốn, lãi suất giai đoạn 2012-2014.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi loại kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống; giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực về mức 4,5%/năm; cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ… Việc tăng cường thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN gắn với giảm lãi suất cho vay, giảm áp lực trả nợ vay là giải pháp cụ thể hỗ trợ DN về vốn, chi phí sử dụng vốn và hỗ trợ DN trong trả nợ vay ngân hàng khi gặp khó khăn về dòng tiền, tiêu thụ sản phẩm…

Ông NGUYỄN QUANG THANH, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Tài chính TP HCM (HIFC):

Tiếp sức cho doanh nghiệp hồi sinh - Ảnh 5.

Tạo tính cạnh tranh cho Trung tâm Tài chính quốc tế

HIFC đang phối hợp với các đơn vị liên quan tìm kiếm và xây dựng nguồn vốn đầu tư đối với đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. HIFC cũng phối hợp với các đơn vị như Ngân hàng Thế giới để phát hành trái phiếu cho kinh tế xanh.

Về Trung tâm Tài chính quốc tế TP HCM, HIFC được lãnh đạo thành phố giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị tư vấn, các chuyên gia để hình thành đề án này. Đến nay, công ty đã hoàn thiện đề án, báo cáo UBND TP HCM trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo Thủ tướng.

Chúng tôi nhận thấy đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế là đề án quốc gia, do đó trong quá trình thực hiện cơ chế có kiểm soát, thí điểm... cần nhiều chính sách đột phá hơn nữa, mới có tính cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Vì vậy, cần sự đồng hành của Chính phủ, bộ, ngành liên quan và UBND TP HCM. Thủ tướng cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế.

 Ông VÕ ANH TÀI, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group):

Tiếp sức cho doanh nghiệp hồi sinh - Ảnh 6.

Để không thua trên sân nhà

Vì vậy, chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành và TP HCM quan tâm tháo gỡ để DN đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh, đóng góp mạnh mẽ vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế của thành phố.

Cụ thể, cần có những biện pháp thiết thực để đẩy mạnh đầu tư và kích thích tiêu dùng, bao gồm: giảm lãi suất, giảm thuế, tăng đầu tư công, tinh giản thủ tục hành chính, triển khai sớm cơ chế đặc thù ngay sau khi nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 được thông qua...

Với riêng lĩnh vực du lịch, tôi kiến nghị triển khai sớm chiến lược quy hoạch phát triển du lịch, chiến lược marketing, tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, kích cầu khách quốc tế và nội địa; chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông... để "không thua ngay trên sân nhà".

Ông NGUYỄN ANH ĐỨC, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op):

Tiếp sức cho doanh nghiệp hồi sinh - Ảnh 8.

Cần sớm giảm thuế GTGT về 8%

Trước dịch COVID-19, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) của Việt Nam ở mức cao, mức độ đóng góp của người tiêu dùng TP HCM trên toàn thị trường cũng tốt. Tuy nhiên, vừa qua, lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận chỉ số CCI thấp nhất khu vực Đông Nam Á.

Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang đi vào giai đoạn suy thoái khiến Việt Nam chịu nhiều tác động. Một số DN trong nước trước đây phát triển ở thị trường nước ngoài, nay gặp khó khăn cũng quay lại thị trường trong nước đã tạo ra cạnh tranh lớn với DN nội địa… Bên cạnh đó, mặt bằng trống rất nhiều nhưng giá thuê không giảm nên không thúc đẩy được mạng lưới bán lẻ…

Trước thực trạng trên, cần có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành bán lẻ phát triển, cụ thể là triển khai càng sớm càng tốt chính sách giảm thuế GTGT về 8%.

Ông LÊ VIẾT HẢI, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình:

Tiếp sức cho doanh nghiệp hồi sinh - Ảnh 9.

Cần giải pháp tổng thể

DN xây dựng Việt Nam đã có khả năng cạnh tranh với DN nước ngoài, có thể thay thế nhà thầu nước ngoài ở nhiều công trình, dự án quy mô lớn, có tính chuyên môn kỹ thuật cao. Trong khi ở các nước Đông Nam Á phải sử dụng nhiều nhà thầu nước ngoài thì Việt Nam đã có nhà thầu trong nước thay thế, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của ngành xây dựng. Tuy nhiên, hiện DN tổng thầu xây dựng không nhận được thanh toán, ảnh hưởng đến dòng tiền…

Ngành bất động sản, du lịch và thị trường tài chính đổ vỡ thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến khu vực xây dựng. Bởi vậy, cần có giải pháp giải quyết bài toán tổng thể cho nền kinh tế. Tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản, du lịch... cũng là tháo gỡ khó khăn cho ngành xây dựng. Cần sự liên kết giúp đỡ từ nhiều ngành để cùng vực dậy nền kinh tế cả nước và TP HCM. 

Theo Nguyễn Phan - Thái Phương

Người lao động

Trở lên trên