Toà án tiếp nhận lại hồ sơ truy tố Trầm Bê, Phạm Công Danh
Ông Phạm Công Trung là em trai ông Danh, bị xác định là đồng phạm giúp sức. Tuy nhiên, do BLHS 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 đã bãi bỏ tội danh cố ý làm trái theo Điều 165 nên không bị khởi tố...
Thông tin từ TAND TP.HCM , chiều 21-6, toà đã tiếp nhận lại hồ sơ vụ án Trầm Bê, Phạm Công Danh cùng đồng phạm bị truy tố về tội cố ý làm trái từ phía VKS.
Theo đó, không có thêm bị cáo nào bị khởi tố, truy tố và không có thêm hành vi vi phạm pháp luật nào được phát hiện trong quá trình điều tra bổ sung.
Cụ thể CQĐT đã thu thập hồ sơ tài liệu, lời khai liên quan đến việc 3 ngân hàng SacomBank, TPBank và BIDV cho 29 lượt công ty liên quan đến Phạm Công Danh vay tiền tại 3 ngân hàng. Và kết quả điều tra bổ sung không phát sinh tình tiết mới...
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên xử đầu năm
Đáng chú ý, trường hợp ông Phạm Công Trung là em trai ông Danh, người trực tiếp sử dụng pháp nhân Công ty TNHH SX XD TM Việt vay tiền BIDV giúp. Ông Trung tham gia thành lập các công ty con cho anh trai. Các công ty này không hoạt động mà chỉ để Danh sử dụng pháp nhân đứng tên hồ sơ vay vốn và theo chỉ đạo của Danh.
CQĐT đã làm rõ ý thức chủ quan của Trung xác định hành vi này là đồng phạm giúp sức với Danh trong việc vay tiền của BIDV. Tuy nhiên, do BLHS 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 đã bãi bỏ tội danh cố ý làm trái theo Điều 165. Mặt khác, ông Trung đang điều hành tập đoàn Thiên Thanh, công ty đang duy trì hoạt động bình thường và phối hợp với các cơ quan pháp luật trong việc giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự liên quan đến tập đoàn Thiên Thanh và ông Danh. Do đó, áp dụng theo quy định tại Điều 7 BLHS 2015 theo hướng có lợi và đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật nên cơ quan điều tra không xem xét xử lý hình sự đối với ông Trung.
Trước đó, vụ án này đã được đưa ra xét xử một tháng vào đầu năm nay, sau đó toà đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ nhiều vấn đề. Cụ thể sáu nội dung vụ án trong quyết định trả hồ sơ gồm:
Về mặt tội danh, qua xét hỏi công khai tại tòa, các bị cáo là cán bộ của các ngân hàng khác. Các bị cáo không quen biết ông Danh, chỉ biết VNCB và ông Danh giới thiệu, không biết được dòng tiền đổ về cho cá nhân ông Danh.
Luật sư và các bị cáo cho rằng không đồng phạm với ông Danh. Vấn đề này cần được làm rõ.
Bị cáo Trầm Bê cho rằng cùng hành vi vi phạm nhưng chỉ mình bị cáo bị truy tố. Bị cáo cho rằng mình làm đúng quy định, sai sót chỉ là vấn đề nghiệp vụ của cấp dưới. Bị cáo không biết mục đích vay tiền, Danh dùng tiền làm gì. Bị cáo không phục kết luận của VKS. Vì vậy tòa đề nghị VKS làm rõ, đảm bảo khách quan, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm.
Bị cáo Trầm Bê được dẫn đến phiên xử hồi đầu năm
Cũng theo tòa, về trách nhiệm dân sự, VKS giữ quan điểm như VKSND Tối cao là tiếp tục đề nghị HĐXX tuyên thu hồi 6.126 tỉ đồng từ ba ngân hàng Sacombank, TP Bank, BIDV để trả lại cho Ngân hàng Xây dựng (nay là CB). Đồng thời, buộc bị cáo Danh và Tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm bồi hoàn số tiền 6.126 tỉ đồng cho ba ngân hàng.
VKS cũng nhận định qua kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa cho thấy nếu không có hành vi trái pháp luật của những người có trách nhiệm tại bốn ngân hàng Xây dựng, Sacombank, BIDV và TP Bank thì ông Danh không thể dùng tiền của VNCB để bảo lãnh ba ngân hàng cho 29 lượt công ty vay bằng hồ sơ khống, gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.126 tỉ đồng.
Do đó, ngoài các bị cáo đã bị xét xử tại phiên tòa này, VKS đề nghị HĐXX kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ, có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật đối với những cá nhân có trách nhiệm tại bốn ngân hàng nêu trên.
Có ý kiến cho rằng hành vi của ông Danh là chiếm đoạt tiền của ngân hàng, dùng tiền chi cho nhiều mục đích. Cần điều tra có chiếm đoạt hay không, thời điểm và tiền chiếm đoạt dùng việc gì...
Điều tra bổ sung, CQĐT xác định không phát sinh tình tiết mới nên CQĐT giữ nguyên quan điểm xử lý hành vi của 46 bị can trong vụ án như trước đây, không có gì thay đổi. Theo quy định khi hồ sơ qua toà, nếu không yêu cầu điều tra bổ sung gì thêm thì vụ án sẽ được nhanh chóng đưa ra xét xử.