MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Toàn bộ nguồn cung thịt lợn của cả thế giới cũng không thể bù đắp cho nhu cầu sử dụng quá lớn ở Trung Quốc!

30-11-2019 - 08:33 AM | Tài chính quốc tế

Tình trạng loại virus này lan ra khắp Trung Quốc có nghĩa là nó đang hoành hành trên một quốc gia với 440 triệu con lợn, tức là 1 nửa tổng số lợn của cả hành tinh.

Loại virus vô cùng nguy hiểm đang lây lan từ châu Phi sang châu Âu và châu Á khiến cho lượng thịt lợn trên toàn thế giới không thể bù đắp cho hàng triệu con lợn mà Trung Quốc đang phải tiêu huỷ. Dẫu vậy, việc ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lại không hề dễ dàng.

Loại virus gây bệnh sốt xuất huyết cực kỳ nguy hiểm và có khả năng sống sót cao, hơn nữa còn có thể lây lan qua nhiều đường. Hiện tại, chưa có loại vắc-xin nào hiệu quả và an toàn để ngăn ngừa quá trình nhiễm trùng, hay điều trị bệnh này. Tình trạng loại virus này lan ra khắp Trung Quốc có nghĩa là nó đang hoành hành trên một quốc gia với 440 triệu con lợn, tức là 1 nửa tổng số lợn của cả hành tinh. Hơn nữa, những khu đất gần bên giới, các trang trại ở Trung Quốc thậm chí còn không có hoặc ít khả năng để ngăn chặn bệnh dịch của động vật. 

Số lượng lợn trưởng thành theo ước tính ở Trung Quốc vào năm 2019 đã giảm tới 30% xuống còn 490 triệu con - mức sụt giảm theo năm tồi tệ nhất kể từ khi Bộ Nông nghiệp Mỹ bắt đầu theo dõi ngành công nghiệp này ở Trung Quốc vào giữa những năm 1970. Dù loại virus trên lợn này không gây hại cho con người kể cả khi chúng ta ăn những con lợn nhiễm bệnh, nhưng số lượng lợn chết và tiêu huỷ nhằm ngăn chặn virus có thể sẽ phá huỷ cả ngành công nghiệp sản xuất thịt lợn.

Toàn bộ nguồn cung thịt lợn của cả thế giới cũng không thể bù đắp cho nhu cầu sử dụng quá lớn ở Trung Quốc! - Ảnh 1.

Ở Trung Quốc, thịt lợn là nguồn protein động vật phổ biến. Tuy nhiên, Rabobank dự đoán, nguồn cung trong nước sẽ chạm mức thấp vào nửa đầu năm 2020, do sản lượng dự kiến giảm 25% trong năm 2019. Điều này khiến giá thịt lợn tăng vọt. Chỉ riêng trong tháng 10, giá thịt lợn đã tăng 40% và tăng hơn gấp đôi kể từ khi trường hợp lợn nhiễm virus tả châu Phi đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc hồi đầu tháng 8/2018. 

Tình trạng sụt giảm mạnh đến vậy không thể ngay lập tức bù đắp nhờ sản lượng thịt lợn ở bất kỳ quốc gia này, cũng không nguồn protein động vật nào có thể thay thế. Tình trạng virus từng lây lan ở Tây Ban Nha cho thấy rằng chỉ một quốc gia nỗ lực sẽ không thể giải quyết được vấn đề. Tây Ban Nha đã thực hiện các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt và công nghiệp hoá hệ thống sản xuất, nhưng cần đến 35 năm để hoàn thành cùng sự trợ giúp của EU, đến năm 1996 dịch bệnh mới hoàn toàn biến mất. Đảo Sardinia của Ý đã nỗ lực để tiêu diệt loại virus này trong suốt 4 thập kỷ nhưng không thành công, trong khi số lượng lợn của nước này chỉ bằng 1 phần của Trung Quốc. 

Một trong những lý do khiến dịch tả lợn châu Phi rất khó để ngăn chặn là loại virus này lây lan nhanh chóng. Bất chấp các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát gắt gao, dịch tả lợn châu Phi vẫn bùng phát, lây lan khắp châu Á, châu Âu, kéo đến Bỉ, Bulgaria, Cộng hoà Séc, Hungary, Moldova, Romania, Serbia và Slovakia kể từ năm 2014.

Ngoài việc tiếp xúc trực tiếp với lợn bị nhiễm bệnh, virus này có thể lây sang động vật ăn thịt  lợn qua thức ăn, quần áo hoặc dụng cụ có virus trú ngụ hay khi một con lợn uống nước có một lượng virus nhỏ. Các nghiên cứu cho thấy rằng loại virus ở Trung Quốc gần giống với ở Nga và các vùng khác ở châu Âu trong hơn 1 thập kỷ. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách thức xâm nhập của virus.

Toàn bộ nguồn cung thịt lợn của cả thế giới cũng không thể bù đắp cho nhu cầu sử dụng quá lớn ở Trung Quốc! - Ảnh 2.

Bệnh dịch này hiện đang hoành hành ở các quốc gia gần Trung Quốc, đó là Campuchia, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Triều Tiên, Hàn Quốc, Philippines, Đông Timor, Việt Nam và các nước láng giềng thiếu nhân lực để xác định và kiểm soát. Điều này làm tăng mối rủi ro rằng, dù Trung Quốc có kiểm soát được dịch bệnh trong nước, thì virus vẫn có thể xâm nhập vào quốc gia này qua con người hoặc các sản phẩm thịt lợn qua biên giới.

Các nhà khoa học cho biết loại virus này có thể kéo đến Trung Quốc giống như những gì đã diễn ra ở châu Âu vào đầu năm 2007. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, một con tàu đáp tại cảng Poti tại vùng Biển Đen của Georgian đã đổ rác thải có chứa thịt lợn, sau đó một con lợn nhặt rác đã ăn phải. Chỉ vài tuần sau đó, 30.000 con lợn đã chết và 80% số lợn ở Georgia được cho là nhiễm bệnh.

Theo một báo cáo đánh giá về sự lây lan của dịch bệnh này, gần 1 nửa nguyên nhân của tình trạng lây lan là virus trú ngụ trên các phương tiện và các công nhân vệ sinh không được khử trùng, cho lợn ăn thức ăn nhiễm mầm bệnh là nguyên nhân lớn thứ hai. Trung Quốc từ lâu đã cấm việc cho lợn ăn cám chưa được nấu chín, các trang trại ở vùng ngoại thành và tiểu nông vẫn "lách luật".

Cho đến nay, nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan qua hoạt động kiểm dịch, vệ sinh trang thiết bị nhiễm bệnh, tiêu huỷ lợn nhiễm bệnh, đóng cửa thị trường và hạn chế việc vận chuyển lợn vẫn là không đủ.

Tại Trung Quốc, lợn thường được vận chuyển trên xe tải, đi tới hàng trăm km, bởi các tiểu thương muốn tận dụng thịt lợn tươi hết sức có thể. Khi lợn đến một trang trại mới, số này sẽ tiếp xúc với đàn lợn khác, tạo điều kiện cho việc truyền bệnh.

Dù đã dành 50 năm nghiên cứu, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể phát triển một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả cho bệnh tả lợn châu Phi. Ngay cả khi nghiên cứu gần đây đã cho thấy kết quả khả quan, thì vẫn phải mất tới vài năm nữa thì loại vắc-xin này mới có thể được chính thức sử dụng. 

Tham khảo Bloomberg

GIang Ng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên