MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[TÔI MẤT TIỀN] Tôi đã có 10 năm "xuống dần đều" vì chứng khoán

Kể từ khi có tiền, là bắt đầu của chuỗi ngày mất tiền! Sau khi tự mình mua bán toàn thấy mất tiền và thâm hụt, tôi đã phải đi hỏi ý kiến của các bác, các bậc bề trên. Nhưng, tôi vẫn mất tiền vì không nghe người lớn một cách trọn vẹn và lần tôi nghe trọn vẹn thì tôi mất tiền vì nghe người lớn một cách quá tôn sùng.

2008, đang học năm 2 thì được biết tới hội thảo do SBSC tổ chức tại Đại học Ngân hàng bên Thủ Đức, nói về chứng khoán và phát động cuộc thi ảo thắng tiền thật. Sau khi tham dự, suốt hàng tháng trời mua mua bán bán, ngâm cứu,...dẫn tới thi rớt vài môn phải đóng tiền thi lại. Lần mất tiền đầu tiên từ chứng khoán là như thế! Sóng tăng 2008-2009 lôi cuốn tôi một cách mãnh liệt. 1 tỉ ảo thành 1,5 tỉ sau khi mua KSS chỉ chưa đầy 1 tháng mà vẫn chẳng có 1 đồng tiền thưởng thật nào, tôi quyết định dùng tiền thật. Tôi đã tham gia thị trường từ cơ duyên đó. Tài khoản ở SBSC đã không thích hợp và tôi chuyển sang VNDS với 1,2tr đầu tiên, do em Vân thực tập sinh làm môi giới (giờ em ấy đã làm trưởng phòng).

Từ 2009 – 2011, mỗi lần được giải thưởng nhỏ nhỏ của Đấu trường 100, tôi lại cho vào tài khoản và mua bán. Kí ức tôi giờ không nhớ rõ, nhưng chỉ nhớ là đã mua bán nhiều mã cổ phiếu với tần suất T3 dày đặc. Cũng chẳng nhớ là học hỏi được gì không, chỉ biết là có thua có thắng và từ chỗ không hề biết cổ phiếu là gì, tôi đã trở quen với việc mua bán trên mạng từ đó. Tôi cứ nghĩ là mình giỏi, kì thực toàn mua bán theo cảm xúc thôi, trúng thời điểm thị trường tăng nên hầu như không mất tiền bao nhiêu.

Tôi khát khao có số tiền lớn hơn để mua cho nó "đã", nhưng thời đó tôi không biết cách nào để có vài chục triệu trong thời gian ngắn để mà nộp vô tài khoản.

Thi gameshow kiếm tiền đầu tư chứng khoán, đó là cách có được nhiều mà nhanh. Tôi nghĩ vậy và cày kiến thức khủng khiếp, đọc và học thật nhiều theo những dạng hay gặp của Đấu trường 100, Rung chuông vàng, Đi tìm ẩn số... với hy vọng nếu giành giải được thì có thể lên đến 650 triệu cho quán quân Rung chuông vàng, 100 tr của Đi tìm ẩn số, hoặc chỉ cần được lên ghế nóng chơi chính Đấu trường 100 thôi thì với tất cả kỹ năng và kiến thức tích lũy được kiểu gì cũng giành được vài chục triệu. Nhưng sau 4-5 năm ròng rã, 1 ngày nọ 12/2011, anh Hải Âu phụ trách thấy quen quá không cho chơi, mới hỏi "chơi cả tỉ lần rồi này. Mà được tiền chưa?" , "dạ, chưa, chưa được lên chơi chính lần nào" anh mới cho vé vào chơi lần cuối. Chiến thắng 100 người để lên chơi chính tại đấu trường 100, có được món tiền thưởng 39 triệu. Sau khi tặng mẹ 9tr, khao bạn bè, thì cũng còn 30tr, khá là lớn đối với 1 sinh viên như tôi để bắt đầu đầu tư. Tôi rất vui và cảm thấy kiên trì được đền đáp.

Cũng không muốn lục lọi lại kí ức buồn, mất mát. Vì theo 1 video trên mạng về tư duy tích cực, thì nên nghĩ về hiện tại và cách làm sao cho tương lai tốt đẹp. Nhưng cũng như trong chứng khoán, luôn có góc nhìn đối lập toàn toàn, tìm trên mạng cũng có câu "đừng ruồng rẫy quá khứ, vì với quá khứ người ta xây đắp tương lai".

Kể từ khi có tiền, là bắt đầu của chuỗi ngày mất tiền! Sau khi tự mình mua bán toàn thấy mất tiền và thâm hụt, tôi đã phải đi hỏi ý kiến của các bác, các bậc bề trên. 10 mã tôi tự lọc ra được trước sau đó mới đi hỏi, và được lời khuyên mua đầu tư dài hạn PVD. Vùng giá mua là 40-45 sau đó nó tăng lên 90, trong khi 9 cổ phiếu kia tăng không bằng. Nhưng vẫn không giữ được lãi nào. Khi nó lình xình hàng tháng trời không tăng mà còn giảm nhẹ, tôi đã bán mất tiêu... lần mất tiền này là do vì không đủ kiên trì nắm giữ, không nghe lời người lớn một cách trọn vẹn.

Các bác hình như buồn tôi lắm. 1 vài lần sau đã chỉ tôi có vẻ như cho có thôi, không tận tâm nữa. Cho tới 10/2016, khi làm việc tại Nhật tôi mới hỏi lại, thì cũng 11 mã tôi đã chọn sẵn (trong đó có ROS, tôi định tự chọn mua ROS và TCH mỗi thứ ½ tiền). Được lời khuyên là TCH mà không phải cp ROS hay mã nào khác, tôi thầm cảm ơn bác và mua full. Kết quả là nếu tra ra thì mọi người biết rồi đấy, ROS thì tăng 4 lần còn TCH giảm từ 30 về 16, tôi cắt lỗ 50%. Mất tiền này là do vì kiên trì nắm giữ, nghe lời người lớn một cách quá tôn sùng.

Từ đó tôi không bao giờ hỏi lời khuyên kiểu như vậy nữa. Bài học thấm thía. Nhưng có cái ngu nào như cái ngu nào, tôi tính mua VEA khi đầu 2018 này từ giá 38, khi mà đã được cô em gái xinh đẹp ngồi gần hồi làm cùng tại chi nhánh SSI chia sẻ từ trước. Lần này mất tiền là vì không tin vào sự hoạt bát lanh lợi của các em nhỏ, những môi giới nhỏ tuối hơn mình. Việc nhìn thấy có thể làm ra tiền mà không chịu làm, thì có thể gọi là một dạng của mất tiền.

Giờ tôi hiểu rằng, đầu tư chứng khoán càng lười càng tốt!. Như diễn giả Tần Nguyễn nói thì sau khi chọn thật kỹ cổ phiếu tiềm năng tương lai, "mua xong quên nó đi, lên núi mà ở". Chứ mua mua bán bán lướt sóng thì gọi là đầu cơ, chơi cho vui. Nhiều người thua hơn là thắng, nên mỹ từ "đầu tư" chỉ danh cho họ thì hợp hơn, bình dân thì gọi là chơi cổ phiếu, hoặc "mua con xyz". Những căn hộ Vinhomes nếu mua và cho thuê dài hạn 6 tháng trở lên, dù tính ra giá cho thuê rẻ hơn so với cho thuê từng ngày, nhưng hiệu quả hơn nhiều. Có dịp làm cùng mấy đứa bạn cho thuê căn hộ Vinhomes ngắn hạn, hiểu ra chơi chứng khoán và việc này cũng không khác nhau mấy.

Cho tới giờ, mất tiền từ chứng khoán vẫn là cái đáng để mất. Giống như "năng lượng không tự sinh ra không tự mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác hoặc từ vật này sang vật khác" vậy. Một ngày nào đó, khi hội đủ các yếu tố, thời điểm thích hợp, tiền đã mất sẽ quay trở lại ở dạng này hoặc dạng khác. Hãy kiên nhẫn.

Tôi mất tiền, vì đi đầu tư cho thua hết tiền sau đó mới đi làm môi giới/ thực tâp sinh cho cty chứng khoán. Dù cho việc thực tập đó không có lương, vẫn rất đáng giá. Khi có kinh nghiệm, có khách hàng, có vốn sau đó đầu tư cũng không muộn.

Vì tiền mất sẽ là hàng trăm lần số tiền bỏ ra trả học phí để học PTKT, mua những cuốn sách hay về chứng khoán. Hay như sinh viên không có tiền thì cũng nên tìm hàng ngày để đi dự các buổi hội thảo miễn phí, vốn chỉ cần bỏ tí xăng xe và thời gian đi lại.

Tôi mất tiền vì tôi có tiền nhưng đánh mất "kiểm soát cảm xúc" của mình.

Giờ hiểu ra sự thật đơn giản mà chân lí đó, kiểm soát cảm xúc đã tốt hơn, thì không còn tiền, không còn khách hàng, không còn niềm tin tù người thân bạn bè... "3 con số 0 làm sao thành con số 3" ?

Câu trả lời là hãy có cảm xúc vào(!). 0! + 0! +0! = 3. Rung chuông vàng chung kết năm đó như là minh chứng mạnh mẽ cho chân lí ấy. Anh Lê Trung Đạo đã nắm chắc cái gần gũi mình nhất. Hiện tại, thì diễn giả Quách Tuấn Khanh cũng nói như thế khi mà muốn bán cái gì đó, hãy "tạo được cảm xúc tốt đẹp cho khách hàng". Cứ tiếp tục làm đi, cứ cần mẫn thổi quả bóng bay và luôn tâm niệm " tôi bình an", nắm chắc không cho nó vuột mất, đừng sợ nó nổ cũng đừng nhả nó khỏi mồm. Cái gì đến nó sẽ đến. Bạn sẽ thấy cái bạn sợ thực ra chả có gì đáng sợ!

0!, là hy vọng của tôi lúc này. Tôi vẫn đang giữ 1 cảm xúc mạnh mẽ. Tôi vẫn đang nắm chắc cái gần gũi tôi nhất đó là cảm xúc của mình và không cho nó bay đi, dù trên chứng trường cảm xúc là cái người ta "sợ" và khó kiểm soát được.

"Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu" là 1 tựa đề cuốn sách mà 1 vị giám đốc chi nhánh SSI nhiều lần tặng cho các môi giới xuất sắc. Không biết tuổi trẻ mất tiền của tôi đáng giá bao nhiêu, nếu mất tiền để đổi lấy 10 năm tuổi trẻ... 1 lần làm tình nguyện mùa hè xanh với trường ĐH, 1 lần đạp xe miền tây với SV các trường ĐH, hơn 10 lần hiến máu tình nguyện, 2 lần có học bổng, nhiều lần là người cùng chơi xuất sắc tại đấu trường 100, Rung chuông vàng, Đi tìm ẩn số, Mở cửa kiến thức, cũng trải qua vài mối tình (dù là đều bị từ chối) với những cô gái đẹp và tài năng của trường giao thông ...Tôi vẫn không nghĩ rằng tuổi trẻ của mình là hoang phí.

Người ta, anh em bà con, bạn bè, ít nhất có thứ gì đó trong số "1 vợ 2 con 3 lầu 4 bánh 5 6 căn nhà trọ 7x iphone thu nhập 8 9 chữ số", còn tôi thì...tất cả là 9 con số 0 tròn trĩnh!

Ai biết đâu, sau 7 năm kể từ sau chiến thắng trên Đấu trường 100 phát sóng 27/2/2012, cuộc thi tôi đã thắng và "đã được tiền" đó là khởi đầu của 1 cú trượt dài ngày, sa lầy không ngóc đầu lên nổi với ai trong nhiều năm tháng ,... tới 2014, tôi mất nhiều hơn rất nhiều lần số tiền được đó, đến nỗi phải tìm đường sang Nhật làm việc để trả nợ và dành dụm vốn cho nở mày nở mặt với bạn bè anh em.

Tôi chưa từng nghĩ đi lao động ở nước ngoài, nhưng vì đường đời đưa đẩy, đành đi đủ đường! Vô tình tôi trở nên cực kì thích Nhật Bản, về văn hóa và con người, về tất cả. CÓ THỂ NÓI NẾU KHÔNG CÓ SỰ MẤT TIỀN, TÔI KHÔNG BAO GIỜ CÓ VÉ ĐI SANG NHẬT.

Liệu sau 10 năm "xuống dần đều" như thế, có phải là khởi đầu của chặng đường mới hay không Mất tiền quá nhiều rồi, dù với ai thì tôi như hạt bụi thôi nhưng so với chính mình tôi không cho phép mất thêm nữa, từ nay.

Lê Đức Thắng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên