MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tốn hơn 100 triệu đồng, vay mượn tiền để theo đuổi khóa học 'tăng lương, tăng chức'

10-05-2023 - 06:01 AM | Lifestyle

Tốn hơn 100 triệu đồng, vay mượn tiền để theo đuổi khóa học 'tăng lương, tăng chức'

Nhiều người trẻ đã giảm bớt ngân sách vào các cuộc vui để dành tiền cho khóa học nâng cao kiến thức.

Trong thế giới “phẳng” nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, giới trẻ có cơ hội tìm hiểu về các mô hình làm giàu chỉ qua vài cái nhấp chuột. Với mong muốn sinh lời và hoàn thành mục tiêu tài chính, ngày càng nhiều bạn trẻ chọn cách thay đổi thay đổi quen chi tiêu.

Cầm số tiền lớn trong tay, họ không còn tiêu hết sạch vào các cuộc vui hay sở thích cá nhân mà đã chú trọng vào việc tìm hiểu khóa học để đầu tư lâu dài cho tương lai. Đây cũng là tiền để để hai bạn trẻ dưới đây nhân đôi thu nhập từ khoản tiền lương văn phòng ít ỏi vốn có.

Đóng hơn 100 triệu đồng để lấy chứng chỉ “tăng lương, tăng chức”

Đức Minh (23 tuổi) đang làm việc trong một công ty Kiểm toán, nhận lương 15 - 18 triệu đồng/tháng. Thời sinh viên, Minh đã biết đến kỳ thi chứng chỉ CFA - một chứng chỉ gồm 3 cấp độ dành cho nhân sự ngành Tài chính - Đầu tư. Dù biết CFA sẽ giúp bản thân “tăng lương, tăng chức” nhanh chóng nhưng Minh không có dự tính thi chứng chỉ này bởi tiền học và lệ phí thi tương đối đắt đỏ.

Tuy nhiên, mọi dự định của Minh đã thay đổi khi cậu chính thức đi làm.

“Tại công ty của mình, khá đông người sở hữu chứng chỉ CFA. Các anh chị đồng nghiệp cũng khuyên mình nên thi ít nhất 1 cấp độ của chứng chỉ này để gia tăng kiến thức thực tế.

Nhiều lúc mình đã do dự vì tiền học và thi chứng chỉ CFA khá đắt, đặc biệt với một người trẻ vừa ra trường như mình. Tuy nhiên, từ năm ngoái mình đã đầu tư món tiền khá lớn để theo học cả 3 cấp độ của CFA. Vì mình thấy, chứng chỉ CFA nặng về lý thuyết và theo thời gian, khả năng học tập kiến thức mới của con người sẽ càng giảm”, Minh nói.

Tốn hơn 100 triệu đồng, vay mượn tiền để theo đuổi khóa học 'tăng lương, tăng chức' - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pinterest

So với các chứng chỉ nghề nghiệp trên thị trường, CFA là chứng chỉ “tốn kém” bậc nhất. Ban đầu, Minh đăng ký 35 triệu đồng cho combo 3 cấp độ 1,2,3 của chứng chỉ CFA tại trung tâm. Hàng tuần, Minh tham gia 2 buổi học tối hoặc cuối tuần, nếu có thời gian cậu sẽ tự ôn tập thêm ở nhà. Bên cạnh khoản học phí, trước kỳ thi của mỗi cấp độ, Minh sẽ phải đóng thêm 1.250 USD (~29 triệu đồng) lệ phí thi và tiền ghi danh ban đầu.

Như vậy, nếu tính tổng học phí, tiền ghi danh và lệ phí thi, Minh sẽ phải tiêu tốn hơn 100 triệu đồng mới có thể lấy chứng chỉ CFA.

“Mình dự tính sẽ hoàn thành việc thi xong 3 cấp độ của chứng chỉ CFA sớm nhất vào đầu năm sau. Việc ôn thi CFA tương đối áp lực. Bởi nếu thi trượt một cấp độ thì chỉ tính riêng lệ phí đăng ký thi lại đã ngốn của mình hàng chục triệu đồng”, Minh chia sẻ.

Với một người mới ra trường như Minh, làm sao để xoay sở đủ tiền đóng học phí và lệ phí thi chứng chỉ CFA là một vấn đề khó khăn. Có rất nhiều thời điểm Minh phải hạn chế ăn ngoài, nói không với các cuộc tụ tập bạn bè để dành thời gian và tiền bạc cho việc học tập.

“Mình may mắn có bố mẹ đóng tiền học phí. Còn tiền ghi danh và lệ phí thi bản thân sẽ tự trang trải. Mỗi tháng mình để dành 3 - 4 triệu đồng cho việc thi chứng chỉ CFA. Khi nhận lương đầu tháng, mình thường chuyển thẳng tiền thi và những khoản khác vào tài khoản tiết kiệm để tránh tình trạng ‘bội chi’.

Vì mình không còn xin tiền trợ cấp từ phụ huynh nên việc để dành 1/5 tiền lương hàng tháng cho việc học đã khiến mức sống của mình giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên, mình đã xác định 2 năm đầu ra trường mình cần sống tiết kiệm để đầu tư cho tương lai”.

Từ trải nghiệm cá nhân, Minh đúc rút vài bài học dành cho những bạn muốn học chứng chỉ hành nghề: “Với mình, việc vừa học vừa làm tương đối vất vả. Nên mình khuyên mọi người nên cân nhắc kỹ lịch trình cá nhân trước khi ‘xuống tay’ đóng hàng đống tiền cho một khóa học. Ngoài ra, bạn cũng nên chọn trung tâm và giáo viên uy tín, bởi việc thi lại sẽ gây tốn kém thời gian và tiền bạc rất nhiều đấy”.

Tốn hơn 100 triệu đồng, vay mượn tiền để theo đuổi khóa học 'tăng lương, tăng chức' - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pinterest

Vay tiền đăng ký khóa học xây dựng thương hiệu cá nhân

Là người học trái ngành nhưng có niềm đam mê với lĩnh vực truyền thông, Hải My (23 tuổi) đã đăng ký làm nhân viên content marketing cho doanh nghiệp nhỏ ngay khi mới học năm thứ 3. Trong quá trình thực tập, cô được dạy về thuật toán của nền tảng mạng xã hội, cũng như cách xây dựng thương hiệu cá nhân trên không gian mạng.

“Thời điểm đó, mình đi làm chỉ nhận lương 5 triệu đồng/tháng nhưng đã học được rất nhiều thứ có ích cho công việc freelancer sau này. Đó cũng là thời điểm đầu tiên, mình biết đến xây dựng thương hiệu cá nhân tốt cũng là cách hái ra tiền”.

Lên năm 4, với sự gợi ý từ sếp, Hải My đăng ký khóa học kinh doanh từ thương hiệu cá nhân, có học phí 10 triệu đồng. Với mức lương 5 triệu/tháng, My đã phải vay mượn thêm từ bạn bè, cũng như cắt bớt các chi phí sinh hoạt để đủ tiền đóng học.

Tốn hơn 100 triệu đồng, vay mượn tiền để theo đuổi khóa học 'tăng lương, tăng chức' - Ảnh 3.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pinterest

Dù không “phất lên” nhanh chóng chỉ sau một khóa học thế nhưng đó cũng là bước đệm đầu tiên để cô tìm hiểu về công việc kinh doanh online và Affiliate Marketing.

“Thời điểm 2 năm mới ra trường, mình đã kiếm được 10 - 15 triệu đồng nhờ nghề tay trái là kinh doanh online và Affiliate Marketing. Đó còn chưa kể mình có thể kiếm 7-8 triệu/tháng nhờ công việc văn phòng. Mức lương của mình khá cao so với mặt bằng chung và cũng giúp bản thân trang trải chi phí sinh hoạt một mình ở mảnh đất TP HCM.

Mình thấy, xây dựng thương hiệu cá nhân là một kỹ năng cực kỳ quan trọng, từ đó mình có thể 'tiền đẻ ra tiền' nếu biết tận dụng chúng. Bên cạnh thương hiệu cá nhân, mình nghĩ có nhiều lớp học kỹ năng khác đáng đầu tư như lớp luyện giọng nói, cải thiện khả năng giao tiếp.

Chỉ cần gõ vào thanh tìm kiếm, các bạn sẽ thấy xuất hiện nhiều từ khóa phù hợp với bản thân. Lời khuyên của mình là bạn nên biết bản thân phù hợp với khóa học nào, tìm hiểu kỹ hồ sơ giảng viên để tránh phí tiền vào các lớp học ‘lùa gà’ nhé”, My bày tỏ.

“Tuổi 20, chúng ta không nên tiếc tiền học làm giàu”

Đây là nhận định của Hải My sau khi chi “tiền lớn, tiền nhỏ” vào các lớp học xây dựng thương hiệu cá nhân và marketing trên mạng xã hội. My nhận thấy cô nàng chỉ là một trong số nhiều bạn trẻ sẵn sàng dành thời gian và tiền bạc cho các lớp học kỹ năng, cũng như may mắn nhân đôi thu nhập từ việc học.

Ở diễn biến khác, cả Hải My và Đức Minh nhận định, việc học tập trên giảng đường chỉ là một bước đệm nhỏ cho hành trình làm giàu sau này. Muốn kiếm được nhiều tiền, bạn cần không ngừng rèn luyện kiến thức chuyên môn và cải thiện kỹ năng khi đi làm sau này.

“Với mình, kiến thức học trên trường còn mang nặng tính lý thuyết, khó áp dụng vào thực tế. Mình là một người từng nghĩ sẽ không chi tiền vào bất kỳ khóa học nào vì thấy chúng không cần thiết và tốn kém chi phí. Tuy nhiên, khi đi làm chính thức bản thân mới nhận ra đang thiếu sót nền tảng nào, từ đó mạnh dạn đăng ký khóa học cải thiện bản thân”.

Tốn hơn 100 triệu đồng, vay mượn tiền để theo đuổi khóa học 'tăng lương, tăng chức' - Ảnh 4.

Ảnh minh họa. Nguồn: Pinterest

Đồng quan điểm với Minh là Hải My, cô bạn nhận định việc đầu tư cho khóa học nâng cao kiến thức là xu thế của giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, cô cũng cho rằng, không phải cứ tham gia các khóa học kỹ năng hay nâng cao kiến thức là khắc phục điểm yếu của bản thân được.

“Mình từng tốn hơn 4 triệu đồng cho một lớp học MC cải thiện giọng nói và kỹ năng giao tiếp, học trong 10 buổi. Thế nhưng, sau cùng kết quả mình nhận được không đi đến đâu. Lối phát âm địa phương không được cải thiện, cách trình bày giống như MC cũng không giúp ích cho công việc sáng tạo nội dung sau này. Lỗi sai của mình là thấy lớp học nào có tiếng là đổ xô đi học. Do đó, mình khuyên các bạn nên biết bản thân mình có thể kiếm tiền từ công việc gì, nhân đôi thu nhập bằng cách nào từ đó mới đăng ký lớp học phù hợp”, My nói.

Theo Vân Anh

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên