MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ giải mã yếu tố khiến phổ cập thu phí không dừng tăng siêu tốc trong năm 2021

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ giải mã yếu tố khiến phổ cập thu phí không dừng tăng siêu tốc trong năm 2021

Chỉ 4 năm nữa, thị trường ô tô Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ bùng nổ, đi kèm với đó là chiến lược nâng cấp hạ tầng giao thông quốc gia. Trong năm 2021, một thay đổi đáng kể với hạ tầng giao thông là tốc độ phát triển của hệ thống thu phí không dừng ePass.

Trao đổi với Trí thức trẻ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết: "Dự án thu phí không dừng đã được triển khai gần 6 năm. Nhưng chỉ sau 1 năm Viettel tham gia, thu phí không dừng đã có những phát triển đột phá. Công nghệ và những đổi mới này chính là tiền đề cho giao thông thông minh".

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ giải mã yếu tố khiến phổ cập thu phí không dừng tăng siêu tốc trong năm 2021 - Ảnh 1.

Kể từ thời điểm đẩy mạnh việc triển khai thu phí điện tử không dừng từ cuối năm 2020 đến nay, ông đánh giá như thế nào về tiến độ phổ cập thu phí điện tử không dừng?

Cuối năm 2020, đầu năm 2021, 2 nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng là VETC (dự án B001) và ePass (dự án B002) đã kết nối với nhau. Khi có sự xuất hiện của Tập đoàn Viettel (công ty mẹ của đơn vị cung cấp ePass), chỉ sau 1 năm, việc thu phí không dừng đã có bước phát triển đột phá. Lượng xe đăng ký sử dụng dịch vụ không dừng đã trên 2 triệu.

Bên cạnh đó, số trạm thu phí tự động không dừng từ 40 trạm giờ lên tới 112 trạm. Đáng chú ý, số phương tiện có dán thẻ thu phí tự động tăng từ 25% lên tới trên 50%. Đây là những con số rất đáng kể.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ giải mã yếu tố khiến phổ cập thu phí không dừng tăng siêu tốc trong năm 2021 - Ảnh 2.

Việc phổ cập để gia tăng nhanh chóng như vậy sẽ đem lại lợi ích như thế nào?

Thực tế, phổ cập được thu phí không dừng đem đến hiệu quả vô cùng lớn. Thứ nhất, nó hiện đại hóa công nghệ thu phí cho lĩnh vực đường bộ. Thứ hai, thúc đẩy hệ thống công nghệ về giao thông của toàn bộ Việt Nam, trên tất cả các tỉnh thành. Cuối cùng, nó phá vỡ được thế độc quyền. Viettel cung cấp ePass cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện cạnh tranh trong thu phí tự động không dừng.

Không những thế, dịch vụ này rất tốt cho người dân và doanh nghiệp. Đối với người dân, đây là dịch vụ vô cùng thuận tiện, bởi họ có thể dùng tất cả loại thẻ ngân hàng để kết nối. Các dịch vụ đều lưu thông nhau, tạo điều kiện để người dân vừa sử dụng để nộp phí đường bộ, cũng như trong các giao dịch mua bán thông thường.

Đối với doanh nghiệp, nó giúp thuận tiện trong công tác giám sát công khai. Đồng thời, thu phí không dừng giúp giảm ùn tắc giao thông, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế phát triển.

Với xã hội, lợi ích ở đây chính là nền tảng. Đây là nền tảng công nghệ để tiến tới giao thông thông minh, kết nối với các hệ thống phần mềm khác nhằm theo dõi toàn bộ hoạt động phương tiện trên hệ thống đường bộ, kể cả lĩnh vực an toàn giao thông hay kiểm soát trọng tải xe. Từ đó, quản lý trật tự an toàn giao thông, an ninh trên đường bộ cũng dễ dàng hơn.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ giải mã yếu tố khiến phổ cập thu phí không dừng tăng siêu tốc trong năm 2021 - Ảnh 3.

Việc triển khai áp dụng thu phí điện tử không dừng có thể áp dụng cho tất cả các loại thẻ ngân hàng, vậy còn những người dân mà chưa có thẻ ngân hàng thì sao?

Ở đây lại có những phương án như thế này: Sau này, tất cả những tuyến cao tốc mới, chúng tôi sẽ yêu cầu mọi phương tiện có thẻ tự động thì mới cho tham gia vào đường.

Còn đối với những quốc lộ hiện hữu, các trạm đang áp dụng thu phí tự động không dừng thì mỗi bên đều có một cổng để thu phí hỗn hợp, bao gồm cả thu bằng tiền mặt, giúp những người ít tham gia giao thông đi qua trạm thu phí cũng có thể trả được, nhằm đảm bảo giao thông trên đường bộ. Sắp tới những người dân không có tài khoản ngân hàng có thể sử dụng Mobile Money để thanh toán khi dịch vụ này được các nhà mạng triển khai.

Theo ông, đâu là nguyên nhân giúp cho việc phổ cập thu phí điện tử không dừng tăng tốc nhanh như vậy?

Tôi đánh giá rất cao sự phát triển công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực này, đặc biệt đối với Tập đoàn Viettel. Trong gần 1 năm trời, chúng tôi đã đẩy mạnh việc thực hiện công nghệ thu phí. Đặc biệt ở đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, cũng như Bộ Giao thông vận tải, tất cả cơ quan quản lý nhà nước đã vào cuộc và làm rất quyết liệt, rất chặt chẽ để đẩy mạnh việc phổ cập công nghệ thu phí không dừng.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ giải mã yếu tố khiến phổ cập thu phí không dừng tăng siêu tốc trong năm 2021 - Ảnh 4.

Đây cũng là tiền đề để phát triển và mở rộng mạng lưới các hệ thống cao tốc của Việt Nam sau này. Hơn thế nữa, nhờ đẩy mạnh phổ cập thu phí không dừng, việc thực hiện quản lý giao thông thông minh, với phương tiện cơ giới tham gia đường bộ cũng dễ dàng hơn.

Một điểm đáng chú ý là đến nay, các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp thực hiện dự án đã thực sự tập trung phát triển mạnh công nghệ này. Chúng ta cũng thấy rõ những chuyển biến về nhận thức. Mọi người đều tiếp thu, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng, đảm bảo tính công khai, minh bạch cho các dự án BOT.

Hiện nay, việc phổ cập thu phí không dừng cần thêm động lực nào để đẩy nhanh hơn nữa, hướng đến mục tiêu 100% thu phí không dừng?

Có lẽ với đà phát triển mạnh như thế này, thì để phổ cập đến 90 hay 100% thu phí không dừng với phương tiện đường bộ, đầu tiên và cần nhất là công tác tuyên truyền. Tuyên truyền đối với người dân, doanh nghiệp, để họ thấy được lợi ích của việc tránh giao thông ùn tắc, mang lại môi trường minh bạch, tích cực trong phát triển.

Thứ hai là thực hiện tốt khung pháp lý. Điều này nghĩa là phải thực hiện nghiêm các chế tài đối với xe tham gia không đúng luồng. Nhìn chung là phải đẩy mạnh cả hai yếu tố trên, để người dân, doanh nghiệp thấy được hiệu quả, phối hợp trong công tác.

Cuối cùng, đối với 2 nhà đầu tư BOO, phải khẩn trương kết nối thẻ ngân hàng, thẻ của khách hàng giao thông miễn phí, để họ có thể thuận tiện sử dụng trong cả trả phí giao thông, lẫn sinh hoạt. Điều này cần thực hiện sớm.

Tôi nghĩ, nếu thực hiện được 3 điều trên thì chúng ta chắc chắn tiến tới mục tiêu 100% thu phí không dừng sớm. Bước tiếp theo, chúng ta sẽ không còn phải sử dụng barie, mà tất cả đều tự động.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ giải mã yếu tố khiến phổ cập thu phí không dừng tăng siêu tốc trong năm 2021 - Ảnh 5.

Để đạt được các mục tiêu cao hơn với thu phí không dừng, đâu là những lực cản cần tháo gỡ ngay?

Thời điểm này, chúng ta còn 4 tuyến cao tốc của VEC là chưa đầu tư lắp đặt thu phí điện tử không dừng. Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo VEC khẩn trương thực hiện. Thứ hai, dứt điểm thực hiện với VEC là chủ đầu tư giám sát, rồi còn phải đấu thầu dự án, thực hiện đầu tư, và quản lý thực hiện đầu tư thu phí không dừng.

Tôi nghĩ nếu thực hiện sớm dự án này, thì trong vòng 3-6 tháng, nhà BOO trúng thầu chắc chắn sẽ thực hiện được mục tiêu nêu trên.

Nhìn chung, vấn đề gốc rễ nhất thì Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo là phải có dự án sớm nhất trong tháng 11 này, quyết định để tổ chức đấu thầu trong tháng 12.

Các nước trên thế giới đã triển khai hệ thống giao thông thông minh từ rất lâu rồi. Vậy thu phí không dừng này có phải là tiền đề để chúng ta theo kịp thế giới không?

Tôi nghĩ, thu phí không dừng chính là tiền đề, là cơ sở để chúng ta quản lý thu tiền trên giao thông đường bộ, là một phần trong giao thông thông minh. Thực ra, giao thông thông minh ở Việt Nam đã được quy hoạch tại các trung tâm trên trục Bắc – Nam.

Nhìn chung, giao thông thông minh không chỉ làm giảm ùn tắc giao thông, mà còn giải quyết được nhiều vấn đề xã hội, về an toàn giao thông, quản lý phương tiện…

Vậy ông có kỳ vọng gì vào nền tảng công nghệ mà Viettel sẽ tiếp tục đầu tư, và liệu các công nghệ này có đáp ứng yêu cầu giao thông thông minh trong thời gian tới?

Bản thân tôi đánh giá rất cao đối với VDTC (Công ty CP Giao thông số Việt Nam, thành viên Tập đoàn Viettel). Dự án thu phí không dừng đã được triển khai gần 6 năm, nhưng chỉ sau 1 năm có sự xuất hiện của Viettel, chúng ta đã thấy những đột phá đối với thu phí không dừng.

Tôi cũng hy vọng công nghệ của Tập đoàn Viettel sẽ tiếp tục giúp đất nước, đặc biệt là đối với ngành giao thông vận tải đường bộ, không chỉ ở dịch vụ thu phí, mà còn là những dịch vụ quản lý phương tiện vận tải, hành khách… Trong tương lai, tôi kỳ vọng công nghệ sẽ kết nối, tích hợp để có thể quản lý tất cả phương tiện trên đường bộ, và tiến tới vấn đề quản lý giao thông thông minh.

Quỳnh Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên