Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Cổ phiếu công ty con của Vingroup trở thành "quán quân" tăng mạnh nhất
Trên sàn HOSE, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất có mức tăng khá tốt, cao nhất là 35% và thấp nhất là 12%.
- 20-05-2023Khối ngoại có tuần mua ròng mạnh trên TTCK Việt Nam, giao dịch đột biến nghìn tỷ tại một 1 cổ phiếu
- 20-05-2023Kiểm soát đặc biệt 1 công ty chứng khoán, phạt nặng doanh nghiệp mua bán cổ phiếu chui
- 20-05-2023Một doanh nghiệp chuyên đồ ăn đóng hộp chuẩn bị trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15%
VN-Index ghi nhận tuần giao dịch lình xình trong vùng 1.065 +/- 5 điểm và kết thúc tuần này gần như không thay đổi so với tuần trước. Thanh khoản bình quân phiên trong tuần này dù cao hơn tuần trước nhưng mức tăng cũng không nhiều. Nhìn chung, dòng tiền tiếp tục sự luân chuyển giữa các nhóm ngành, theo đó khiến các cổ phiếu tăng giảm đan xen trong phiên cũng như tính chung cả tuần và tạo ra sự phân hóa khá rõ rệt.
Trên sàn HOSE, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất có mức tăng khá tốt, cao nhất là 35% và thấp nhất là 12%.
Cổ phiếu tăng mạnh nhất là DAT của Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản. Với 5 phiên tăng giá, trong đó có 3 phiên tăng kịch trần, thị giá DAT tăng lên 13.200 đồng, tương đương tăng 35% chỉ sau 1 tuần giao dịch. Tuy nhiên, thanh khoản của DAT khá mỏng, chỉ vài chục cổ phiếu khớp lệnh trong phiên.
Bên cạnh đó, DBC của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng có một tuần giao dịch khởi sắc khi tăng 13% chỉ sau 1 tuần. Động lực giúp DBC có được đà tăng tích cực là giá thịt heo đang tăng phi mã trong thời gian gần đây.
Ở chiều giảm, hàng loạt cổ phiếu trên HOSE cũng ghi nhận mức giảm trên 20%. Nổi bật là cổ phiếu HBC khi trải qua một tuần giao dịch đầy sóng gió. Cổ phiếu này đã "bốc hơi" 40% trong tuần qua sau khi đón nhận tin bị chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch.
Theo đó, HBC chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thoả thuận, kể từ ngày 23/5. Nguyên nhân là do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất cũng có mức tăng từ 16-44%. Dòng tiền tiếp tục tìm cơ hội tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ít thanh khoản.
Tâm điểm sự chú ý dồn về VE1 khi bứt phá đến 40% trong tuần với 4 phiên tăng trần liên tiếp. Đưa ra giải trình khi cổ phiếu tăng liên tục, công ty khẳng định không có hoạt động bất thường nào làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và không nắm rõ nguyên nhân vì sao cổ phiếu liên tiếp tăng mạnh.
Ở chiều giảm giá, trong tuần qua nhiều cổ phiếu cũng ghi nhận mức giảm từ 10% - 17% trên HNX.
Trên UPCOM, biên độ giao dịch rộng hơn nên hàng loạt cổ phiếu cũng tăng mạnh từ 30%-81% trong tuần qua.
Toả sáng nhất là VEF của Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam. Nối dài chuỗi tăng tốc kéo, VEF tiếp tục tăng kịch trần trong cả 4 phiên giao dịch, đẩy thị giá cổ phiếu lên 144.000 đồng. Mã này đã có 17 phiên tăng giá liên tiếp, thị giá cổ phiếu bứt phá gấp đôi chỉ sau 1 tháng giao dịch.
Diễn biến đầy tích cực của VEF ghi nhận trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 diễn ra trong ngày 25/5 tới đây. Tại lần đại hội này, VEF dự kiến xin ý kiến cổ đông về việc chào bán gần 853 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1:5,12 tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VEF có quyền mua thêm 5,12 cổ phiếu phát hành mới. Nếu đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của doanh nghiệp này sẽ tăng gấp hơn 6 lần, từ 1.666 tỷ lên mức 10.196 tỷ đồng.
Hiện tại, Tập đoàn Vingroup (VIC) hiện là cổ đông lớn nhất của VEF với tỉ lệ sở hữu 83,32%.
Ngược lại, trong tuần qua nhiều mã trên UPCOM cũng ghi nhận mức giảm từ 18% - 40%.
Nhịp sống thị trường