TP.HCM sẽ xây dựng bệnh viện dã chiến phù hợp tình hình dịch nCoV
Bệnh viện dã chiến được sử dụng khi số ca mắc bệnh nCoV ở cùng một thời điểm trên địa bàn thành phố lớn hơn 500 ca, vượt khả năng thu dung điều trị tại các khoa cách ly của các bệnh viện thành phố.
- 03-02-2020Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội bố trí doanh trại cách ly 950 người Việt từ vùng dịch corona trở về
- 03-02-2020Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Phát miễn phí 5-10 triệu khẩu trang không phải quá lớn
- 03-02-2020Quảng Bình lên phương án cách ly hơn 200 lao động về từ Trung Quốc
Tại cuộc họp về công tác phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chiều 3/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc xây dựng bệnh viện dã chiến là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đơn vị nghiên cứu, lựa chọn vị trí và quy mô xây dựng bệnh viện phù hợp tình hình dịch bệnh để đạt hiệu quả cao.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, cần xác định quy mô bệnh viện dã chiến, có thể thực hiện theo hai giai đoạn. Bước đầu xây dựng một bệnh viện với quy mô khoảng 200-250 giường (trong hai tuần tới); nếu thấy nguy cơ thì sẽ xây dựng thêm bệnh viện thứ hai.
Thành phố khẳng định không thiếu kinh phí, nhưng phải sử dụng kinh phí hợp lý, trong đó lựa chọn địa điểm phù hợp để đạt hiệu quả.
Theo dự thảo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố, bệnh viện dã chiến được sử dụng khi số ca mắc bệnh nCoV ở cùng một thời điểm trên địa bàn thành phố lớn hơn 500 ca, vượt quá khả năng thu dung điều trị tại các khoa cách ly của các bệnh viện thành phố, quận, huyện.
Bệnh viện dã chiến có quy mô 500 giường bệnh với ít nhất 30 giường hồi sức tích cực, gồm hai cơ sở, đặt tại Trường quân sự Thành phố (huyện Củ Chi) với 300 giường và tại số 25 đường Phạm Thị Quy (huyện Nhà Bè) với 200 giường.
Ngoài ra, trong trường hợp số ca mắc tăng cao vượt quá khả năng bệnh viện dã chiến, thành phố đề nghị chuyển Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thành bệnh viện chuyên tiếp nhận bệnh nhân bệnh viêm đường hô hấp cấp , dự kiến là 500 giường.
Theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đến hết ngày 2/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 3 trường hợp được xác định mắc bệnh nCoV; 12 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính; 15 trường hợp được cách ly y tế do tiếp xúc gần với người mắc bệnh.
Bệnh nhân T.H.K (Việt kiều Mỹ) đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, diễn tiến ổn định không sốt, thở ôxy qua mặt nạ, được điều trị thuốc kháng sinh và kháng virus.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố phân tích mật độ dân cư cao, cường độ giao thương, đi lại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các nước trên thế giới, các tỉnh, thành phố của Việt Nam rất lớn, làm gia tăng nguy cơ bệnh xâm nhập và lây lan trong thành phố. Với đặc điểm thời gian ủ bệnh kéo dài trong khi thời gian di chuyển từ vùng dịch đến Thành phố Hồ Chí Minh là rất ngắn (chỉ vài giờ) nên khả năng phát hiện ca bệnh xâm nhập ngay tại cửa khẩu là rất hạn chế.
Trong khi đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố cho biết Sở Du lịch đã phối hợp kiểm soát lịch trình di chuyển, lưu trú của khách du lịch nước ngoài, khuyến khích và vận động du khách đeo khẩu trang.
Sở cũng phát miễn phí khẩu trang cho du khách; đề nghị các khách sạn theo dõi tình hình khách đến từ vùng dịch.
Sở đã làm việc với khách sạn Tân Sơn Nhất để có thể bố trí cho du khách hoặc lực lượng cách ly tạm trong khách sạn, mỗi nơi khoảng 100 chỗ.
Đối với các hoạt động tập trung đông người, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị phải vận động các đơn vị, tổ chức tạm dừng các hoạt động, chấp nhận chịu thiệt hại để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Ngoài ra, Sở Công Thương phải tính toán khả năng cung cấp khẩu trang trong thời gian tới và có giải pháp cụ thể, đảm bảo cung cấp khẩu trang không chỉ cho người dân thành phố mà còn cả khách vãng lai.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Sở Y tế dự báo tình hình, nguy cơ dòng người về thành phố để có kế hoạch triển khai. Cùng với đó, các đơn vị phải bàn tính kỹ khi nào cần thiết phải đeo khẩu trang, đối tượng nào phải đeo. Ngành y tế, công thương dự báo nhu cầu khẩu trang; có phương án hành động cụ thể trong thời gian tới.
Ngoài ra, các đơn vị phải triển khai nhanh các giải pháp để ngăn chặn dịch ngay từ đầu, không để lây lan; tạm cách ly những người từ vùng dịch; hướng dẫn các chung cư, khách sạn, doanh nghiệp… theo dõi, nếu có người đến từ nơi có dịch phải thực hiện kiểm soát, ngăn ngừa, bởi nguy cơ lây từ vùng dịch là cao nhất.
Các quận, huyện đảm bảo tuyên truyền tới các gia đình, doanh nghiệp công tác phòng dịch; nắm danh sách người dân từ vùng dịch trở về./.
Vietnam+
Sự kiện: Đại dịch COVID-19
Xem tất cả >>- Nữ sinh 19 tuổi tốt nghiệp 9 khoá học trực tuyến của Ivy League trong thời gian giãn cách xã hội, gây quỹ quyên góp hơn 230 triệu chống dịch
- Nỗi lòng nữ lao công làm việc trong khu cách ly theo dõi bệnh nhân tái dương tính: Nhớ con lắm, nhưng chưa về nhà được
- Infographic: 4 khuyến nghị về phòng, chống dịch Covid-19 tại lớp học mà các bậc phụ huynh và học sinh cần biết
- Nhịp sống Hạ Lôi ngày cuối cùng cách ly: "Chúng tôi mong đến ngày hết dịch để đi làm chứ nằm ở nhà thì chết"
- Đánh dấu khoảng cách xếp hàng lấy đồ ăn, chia lớp... các trường triển khai hàng loạt biện pháp bảo đảm phòng chống dịch khi học sinh quay trở lại trường học vào ngày mai