Trách nhiệm của Đại Tín với khoản vay 500 tỷ của công ty Trung Dung: OceanBank nói có, Đại Tín bảo không
Trước đó, các bị cáo ở OceanBank khai nhận rằng khoản vay 500 tỷ của công ty Trung Dung được 3 bên là Trung Dung – OceanBank – Ngân hàng Đại Tín (nay là NH Xây dựng) ký một thỏa thuận và Đại Tín sẽ có trách nhiệm với khoản tiền vay này.
- 01-03-2017Phiên tòa chiều 1/3: Nguyễn Xuân Sơn liên tục nói không nhận tiền
- 01-03-2017Phiên tòa sáng 1/3: Phạm Công Danh nói chính mình mới là người bị lừa
- 28-02-2017Toàn cảnh phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm ngày 28/2
Vụ đại án Hà Văn Thắm và các đồng phạm gây thiệt hại nghìn tỷ xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) vừa đi qua tuần đầu tiên xét xử.
Trong 5 ngày xét xử, tòa đã thẩm vấn các bị cáo liên quan đến tất cả các nội dung như trong cáo trạng truy tố. Cụ thể đó là khoản vay 500 tỷ đối với công ty Trung Dung của ông Phạm Công Danh; việc thu phí sai quy định qua công ty BSC để chi tiền lãi ngoài chăm sóc khách hàng cho Nguyễn Xuân Sơn gần 69 tỷ đồng và việc các lãnh đạo ngân hàng Đại Dương chi lãi ngoài sai quy định tổng cộng hơn 1.576 tỷ đồng.
Đáng chú ý phần 500 tỷ chiếm thời gian xét hỏi nhiều nhất vì không chỉ liên quan đến OceanBank mà còn liên quan đến ông Phạm Công Danh (một bị án trong đại án 9.000 tỷ đồng xử trước đó) cùng các cổ đông cũ của Ngân hàng Đại Tín là nhóm bà Hứa Thị Phấn.
Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên chủ tịch OceanBank và Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó Tổng giám đốc ngân hàng – 2 bị cáo bị cáo buộc cho vay sai quy định gây thất thoát hơn 300 tỷ đồng tiền gốc, chưa kể hơn 200 tỷ đồng tiền lãi của ngân hàng Đại Dương – đã thừa nhận trước tòa rằng khoản vay 500 tỷ đồng với công ty Trung Dung là chưa chắc chắn về tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên ngân hàng vẫn cho vay vì biết đó là công ty của ông Phạm Công Danh – một đối tác làm ăn lớn và lâu năm với OceanBank với khoản vay đã tất toán đúng hạn hơn 1.300 tỷ đồng trước đó. Và theo lời ông Nguyễn Văn Hoàn thì khi cho vay, tài sản đảm bảo không phải là yếu tố quan trọng nhất quyết định có cho vay không, mà ưu tiên hơn ở phương án kinh doanh cũng như uy tín doanh nghiệp.
Liên quan phương án kinh doanh, theo bị cáo Hà Văn Thắm, khoản tài sản đảm bảo cho khoản vay này có giá trị thương mại rất lớn, đó là lô đất ở Tô Hiến Thành cho BigC thuê. “Tôi cũng là người làm kinh doanh bán lẻ nên tôi biết rằng giá trị thương mại của phần đất này rất lớn” – bị cáo Thắm khai trước tòa khi được hỏi vì sao tài sản đảm bảo không đủ mà vẫn cho vay.
Ngoài ra, bị cáo Thắm và bị cáo Hoàn còn khai rằng, sau khi khối doanh nghiệp báo cáo lên rằng phần tài sản đảm bảo yếu hơn một chút so với khoản vay thì Hà Văn Thắm đã yêu cầu phải ký thỏa thuận 3 bên với sự góp mặt của Ngân hàng Đại Tín (Thỏa thuận này cũng được phía ngân hàng gửi tới tòa).
Theo bị cáo Thắm, OceanBank – Trung Dung – Đại Tín ký thỏa thuận 3 bên yêu cầu Đại Tín phải phong tỏa số tiền vay cho đến khi đầy đủ chứng từ gốc, nếu xảy ra sự việc phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên sau khi giải ngân được hơn 1 năm, bị cáo kiểm tra số dư tài khoản thì NH Xây dựng trả lời là 500 tỷ vẫn đang được phong tỏa.
Tuy nhiên khi trả lời trước tòa ngày 1/3, đại diện Ngân hàng Xây dựng nói rằng họ không nhận được bản thỏa thuận đó và chỉ nhìn thấy bản photo lần đầu tiên vào ngày 6/10/2014. Đồng thời vị này nói từ khi ông Danh vào Ngân hàng Đại Tín rồi đổi tên thành NH Xây dựng và NHNN mua lại 0 đồng thì ngân hàng không lưu giữ tài liệu nào và đề nghị hỏi lại từ thời bà Sáu Phấn (thời kỳ lãnh đạo cũ của ngân hàng).
Tại phiên tòa ngày 3/3, khi tòa gọi đại diện ngân hàng này lên hỏi một lần nữa về trách nhiệm với khoản vay 500 tỷ của công ty Trung Dung, vị đại diện NH Xây dựng khẳng định họ không có trách nhiệm, trách nhiệm là thuộc về công ty Trung Dung và OceanBank.
Cũng liên quan tới khoản vay này, phần tài sản đảm bảo (phần góp vốn đầu tư vào 2 lô đất và gần 6 triệu cổ phiếu) không phải của công ty Trung Dung, cũng không phải của ông Phạm Công Danh mà là của nhóm bà Hứa Thị Phấn. Các cá nhân trong nhóm này (tổng cộng 7 người) đề nghị tòa giúp thu hồi trả lại cho nhóm này các tài sản đã dùng làm tài sản đảm bảo, đặc biệt là phần bất động sản.
Khi tòa hỏi vì sao tài sản của bà Phấn lại đi làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của ông Danh ở Ngân hàng Xây dựng, đại diện nhóm bà Phấn trả lời rằng do bị cáo Thắm đe dọa và bị cáo Thắm mới là người biết bà Phấn có các tài sản đó chứ không phải ông Danh.
Nhưng cả ông Danh và bị cáo Thắm đều khẳng định không có việc đó, chính bà Phấn là người chủ động liên hệ với ông Thắm để cho Phạm Công Danh vay 500 tỷ. Và theo lời Phạm Công Danh thì bà Phấn sợ trách nhiệm phải gánh chịu nếu không cứu được ngân hàng (thanh khoản cạn kiệt, nợ xấu cao) vì khi đó ông Danh chưa nắm Đại Tín, nên chủ động nhờ ông Thắm hỗ trợ. Ông Danh cũng thừa nhận nếu không có khoản vay 500 tỷ đồng mà ông Thắm cho vay qua công ty Trung Dung để hỗ trợ thanh khoản cho Đại Tín thì ông đã không làm ngân hàng.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Xét xử vụ Hà Văn Thắm
Xem tất cả >>- Vụ Hà Văn Thắm: Ông Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn bị khởi tố
- Hà Văn Thắm: Nếu chi lãi suất ngoài gây thiệt hại cho Oceanbank thì bản thân cũng mất ngàn tỷ
- Yêu cầu làm rõ trách nhiệm để thất thoát 800 tỷ của PVN đầu tư vào OceanBank
- Hoãn phiên tòa, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ Hà Văn Thắm
- Hình ảnh các bị cáo Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh trong chiều mưa tầm tã