MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trì hoãn thu phí tự động: ÐBQH nói cần tổ chức phiên giải trình

Trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT cần khẩn trương làm rõ nguyên nhân tại sao các trạm BOT lại chưa thực hiện việc thu phí không dừng. Ðặc biệt, cần phải làm rõ việc trì hoãn này có xuất phát từ lý do lợi ích nhóm, lợi ích kinh tế của chủ đầu tư?

Có phải vì lợi ích của chủ đầu tư?

Mặc dù đã quá thời hạn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, song đến nay việc thu phí không dừng tại các trạm BOT giao thông vẫn chưa được triển khai. Theo ông trách nhiệm này thuộc về ai và phải xử lý ra sao trước sự chậm trễ này?

Thu phí không dừng tại các trạm BOT giao thông là một chủ trương rất lớn. Quốc hội đã cho ý kiến và Chính phủ đã có yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện. Việc này càng cấp thiết hơn khi thời gian qua, việc thu phí tại các trạm BOT đã có những tiêu cực, đặc biệt là hiện tượng gian dối trong kê khai doanh thu, nhằm kéo dài thêm thời gian thu phí.

Khi triển khai thu phí không dừng sẽ hạn chế tối đa những hệ lụy, bất cập xảy ra. Qua đó sẽ tạo thuận lợi trước tiên cho việc lưu thông, các phương tiện sẽ không bị ách tắc tại khu vực trạm thu phí; đồng thời sẽ làm minh bạch, công khai việc hạch toán thu phí, đảm bảo lợi ích cho nhà nước và người dân.

Chủ trương này vô cùng quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên dù đã hết năm 2018, sang đầu năm 2019 rồi nhưng các trạm BOT vẫn chưa triển khai thu phí không dừng và vẫn còn đang thu vé bằng tiền mặt. Việc này trách nhiệm trước tiên thuộc về Bộ GTVT, phải có chỉ đạo, kiểm tra sát sao, thậm chí phải xử lý nghiêm minh các trạm thu phí BOT chưa thực hiện thu phí không dừng theo yêu cầu đặt ra.

Trì hoãn thu phí tự động: ÐBQH nói cần tổ chức phiên giải trình - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Hòa.

Đặc biệt, Bộ GTVT cần tìm hiểu rõ nguyên do tại sao trạm BOT này, trạm BOT kia chưa thực hiện được, hay sự trì hoãn xuất phát từ lợi ích nhóm, lợi ích kinh tế của chủ đầu tư? Bộ cần kiểm tra, xác minh làm rõ rồi báo cáo cử tri, báo cáo Chính phủ và Quốc hội trong năm nay, để làm sao sự chỉ đạo của Chính phủ cũng như Nghị quyết của Quốc hội thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra sự yên tâm, đồng thuận trong nhân dân.

"Ðối với những vấn đề mà người dân bức xúc và các cơ quan truyền thông, báo chí đăng tải nhiều BOT giao thông thì cũng cần thiết tổ chức phiên giải trình. Ðó cũng là cách để Quốc hội giám sát".

Ông Phạm Văn Hòa


Vì sao chưa công khai kết luận kiểm toán?

Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán 8 dự án BOT và đã kiến nghị xử lý tài chính gần 4 nghìn tỷ đồng, trong đó có dự án sai phạm 27% tổng mức đầu tư. Các kết luận này có được báo cáo Quốc hội không? Theo ông có nên công khai từng kết luận kiểm toán để cử tri và nhân dân nắm bắt được?

Tại kỳ họp vừa qua, Kiểm toán Nhà nước có báo cáo cho các đại biểu Quốc hội về việc kiểm toán các trạm BOT giao thông, trong đó có một số dự án sai phạm lớn. Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị xử lý những sai phạm đó, tới nay các chủ đầu tư cũng đang có báo cáo khắc phục. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị cơ quan kiểm toán cần có hậu kiểm, đốc thúc trong việc thực hiện các kết luận kiểm toán.

Còn việc có công khai với công luận hay không, theo tôi các kết luận kiểm toán chỉ là những văn bản kết luận, không phải là bí mật quốc gia, cũng không phải tài liệu mật, vậy thì tại sao lại không công bố được? Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo ra Quốc hội, thì cung cấp để báo chí đăng tải cũng tốt. Đặc biệt, việc thu phí BOT giao thông lại liên quan trực tiếp đến người dân, nên cần được công khai rộng rãi để cử tri và nhân dân cùng theo dõi, giám sát.

Trong thời gian qua, trước mỗi sự việc nóng gây bức xúc dư luận, một số Ủy ban của Quốc hội đã tổ chức những phiên giải trình để làm rõ vấn đề. Vậy theo ông, với rất nhiều vấn đề về BOT giao thông gây bức xúc như vừa qua thì có cần thiết tổ chức phiên giải trình?

Tôi cho rằng các Ủy ban của Quốc hội đã có sự chuẩn bị, khi thấy cần thiết, họ sẽ tổ chức các phiên giải trình. Theo tôi, đối với những vấn đề mà người dân bức xúc và các cơ quan truyền thông, báo chí đăng tải nhiều như BOT thì cũng cần thiết tổ chức phiên giải trình. Đó cũng là cách để Quốc hội giám sát thông qua các phiên giải trình. Đồng thời cũng là dịp để phân tích, làm rõ nguyên nhân, thiếu sót, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và sửa chữa để làm cho tốt hơn.

Thực tế trong thời gian qua đã có một số Ủy ban của Quốc hội tổ chức các phiên giải trình rồi. Như HĐND tỉnh Đồng Tháp, hàng năm đều có những phiên giải trình trước kỳ họp về những vấn đề mà người dân quan tâm. Các Ủy ban của Quốc hội cũng cần nắm bắt tình hình dư luận và báo chí, xem vấn đề nào cấp thiết, được xã hội quan tâm thì tổ chức các phiên giải trình, để người dân nắm bắt tình hình và cũng để đôn đốc, nhắc nhở, khắc phục các vi phạm và làm cho tốt hơn.

Cảm ơn ông!


Theo Thành Nam

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên