Triển khai nghị quyết 35, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng: Phí BOT phải hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp
“Bộ sẽ có báo cáo Chính phủ phương án xử lý tổng thể về điều chỉnh mức thu phí sử dụng đường bộ, phí BOT đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và DN” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định khi trả lời phỏng vấn báo Lao Động về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.
- 12-06-2016Mặt trái tại các dự án giao thông BOT
- 12-06-2016Bất cập dự án BOT: “Bộ Giao thông chưa thực sự tiếp thu ý kiến chuyên gia, người dân”
- 10-06-2016Tạm dừng triển khai nhiều dự án BOT
Thưa Bộ trưởng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/ NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong đó có nội dung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?
- Nhiệm vụ cải cách thể chế tài chính, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia không phải chỉ đến khi Chính phủ có Nghị quyết 35, Bộ Tài chính mới thực hiện mà từ nhiều năm nay, lãnh đạo bộ đã xác định đó là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Về cải cách thủ tục hành chính, chúng tôi đã có những thay đổi mạnh mẽ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN. Cụ thể trong lĩnh vực thuế, nếu như năm 2013 vẫn còn tới 537 giờ nộp thuế thì đến nay chỉ còn 117 giờ, đứng Top 4 ASEAN. Đã có tới 98% DN đăng ký nộp thuế điện tử. Lĩnh vực hải quan cũng vậy, đã triển khai thủ tục hải quan điện tử ở tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc; thực hiện thanh toán điện tử tại 34/34 cục hải quan; thời gian thông quan hàng hóa với “luồng xanh” trong vòng 3 giây… Hiện giờ chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thuế, hải quan… để giảm tối thiểu thời gian làm thủ tục, giảm sự tiếp xúc trực tiếp của người dân, DN với cán bộ nhằm tạo thuận lợi cho người dân, DN và phòng, chống những tiêu cực có thể xảy ra.
Tại Nghị quyết 35, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT, giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất… để giảm chi phí cho DN. Bộ Tài chính thực hiện chỉ đạo này như thế nào?
- Đối với vấn đề phí BOT giao thông, ngày 30.5 và ngày 7.6, Bộ Tài chính đã có 2 cuộc họp với Bộ Giao thông Vận tải để đánh giá lại tổng thể các dự án BOT giao thông. Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi đã giao cho các đơn vị chuyên môn rà soát lại tất cả các dự án BOT theo đúng chỉ đạo của Chính phủ trong đó có việc rà soát lại tổng mức đầu tư, các khoản chi phí, các trạm thu phí và điều quan trọng nhất là tính toán lại mức phí dựa trên giá trị quyết toán công trình chứ không dựa trên dự toán như hiện nay. Sau khi rà soát, chúng tôi sẽ có báo cáo Chính phủ phương án xử lý tổng thể về điều chỉnh mức thu phí sử dụng đường bộ, phí BOT đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và DN. Tuy nhiên để giải quyết bức xúc của người dân về vấn đề BOT giao thông, tôi cho rằng tới đây các dự án BOT giao thông nên được công khai lấy ý kiến rộng rãi nhân dân.
Đối với việc điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vấn đề này có liên quan đến các quy định tại Luật Đất đai 2013, vì vậy, chúng tôi cần phải phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường, các bộ, ngành liên quan cùng nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, QH cơ chế chính sách hỗ trợ DN tiếp cận đất đai dễ dàng hơn nhất là đất sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đồng thời tính tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất hợp lý nhất, tạo điều kiện hỗ trợ DN, đặc biệt với DN nhỏ và vừa.
Đối với các chính sách thuế, vẫn có những ý kiến cho rằng tỉ lệ nộp thuế của Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận của DN, trong khi đó Nghị quyết 35 có nêu rõ nhiệm vụ của Bộ Tài chính là tiếp tục nghiên cứu giảm thuế cho DN, điều này sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu, vì vậy làm thế nào để vừa hỗ trợ DN vừa đảm bảo cân đối ngân sách?
- Tôi phải khẳng định ngay rằng tỉ lệ nộp thuế của Việt Nam chỉ ở mức trung bình so với các nước trong khu vực, thậm chí thấp hơn nhiều nước. Cụ thể tỉ lệ động viên từ thuế, phí của Việt Nam khoảng 20,9% GDP. Trong khi tỉ trọng tổng số thu NSNN trên GDP của một số nước trong khu vực giai đoạn 2011-2015 như Thái Lan là 23%, Indonesia là 16,6%, Lào 23,4%, Malaysia là 24,5%, Ấn Độ là 19,5%... Nếu loại trừ thu từ dầu thô thì tỉ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí tính chung ở Việt Nam khoảng 17,2% GDP. Và nếu tiếp tục loại trừ thu từ tiền sử dụng đất thì tỉ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam vào khoảng 15,6%.
Trong khi đó chính sách thuế của chúng ta trong những năm qua đã liên tục điều chỉnh giảm dần tỉ lệ thu nhất là sau khi tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương, việc cắt giảm các sắc thuế còn mạnh mẽ hơn nữa. Điều này đương nhiên là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của ngân sách. Để đảm bảo cân đối ngân sách thì cần phải tăng cường chống thất thu, có những chính sách động viên, nuôi dưỡng nguồn thu cho tương lai. Đối với việc chi tiêu phải hết sức tiết kiệm. Các bộ, ngành, địa phương phải thực sự có trách nhiệm với các khoản chi từ ngân sách, nhất là với những công trình đầu tư. Kế hoạch đầu tư công phải dựa trên kế hoạch tài chính công, có như vậy mới đảm bảo được sự ổn định của việc cân đối ngân sách.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Lao động