MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc đứng trước áp lực tiếp tục phải cắt giảm lãi suất

05-03-2020 - 14:46 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phải tiếp tục giảm lãi suất để bù đắp thiệt hại kinh tế do sự bùng phát của virus Covid-19. Áp lực trở nên lớn hơn khi hàng loạt các ngân hàng trung ương như Mỹ, Úc, Malaysia...đã cắt giảm lãi suất trong 2 ngày qua.

Thị trường tài chính toàn cầu đã bị xáo trộn sau động thái bất ngờ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nhiều nhà đầu tư không tin rằng chỉ với việc cắt giảm lãi suất sẽ đủ để ổn định nền kinh tế toàn cầu. Chỉ số S&P 500 tại Mỹ đã giảm 2,8% hôm 3/3, trong khi chứng khoán Úc giảm 1,5% và Nikkei của Nhật Bản giảm 0,5% vào ngày hôm sau. Giá cổ phiếu của Hàn Quốc đã phá vỡ xu hướng, tăng 2% sau khi chính phủ công bố kế hoạch hỗ trợ kinh tế gần 10 tỷ USD.

Chỉ số Hang Seng Index của Hồng Kông giảm nhẹ 0,24%, trong khi chỉ số Shanghai composite index tiếp tục vượt trội so với các thị trường toàn cầu khác, tăng 0,64% trong bối cảnh hy vọng về gói cứu trợ kinh tế của chính phủ. "Sự gia tăng của dịch bệnh vẫn chưa chắc chắn và thị trường tài chính sẽ tiếp tục chứng kiến sự biến động đáng kể. Nhà đầu tư nên quản lý rủi ro một cách thận trọng," ông Eddie Yue Wai-man, giám đốc điều hành của HKMA cho biết.

Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã lập tức điều chỉnh hạ lãi suất vào hôm qua (4/3), ngay sau động thái giảm lãi suất của Fed trước đó. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, việc Fed hạ lãi suất 0,5% lại khiến cho ngân hàng trung ương nước này khó có thể thích ứng hoàn toàn với động thái cắt giảm tương tự. Bởi trước đó Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm thêm 800 tỷ nhân dân tệ (115 tỷ USD) trong tháng 2 để hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân gặp khó khăn.

Nhiều chính sách của các nền kinh tế lớn thuộc nhóm G7 dự kiến sẽ được thực hiện ​​trong thời gian tới sau khi các nhà lãnh đạo cam kết "sử dụng tất cả các công cụ chính sách phù hợp để đạt được sức mạnh kinh tế, tăng trưởng bền vững và bảo vệ chống lại các rủi ro". Ngân hàng Nhật Bản đã bơm tiền để củng cố hệ thống tài chính của mình trong lần thứ hai liên tiếp vào hôm 4/3. Trong khi đó, thống đốc Mark Carney hôm 3/3 thông báo rằng Ngân hàng Anh đã sẵn sàng cắt giảm lãi suất để bù đắp tác động của virus Covid-19. Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến cũng ​​sẽ cắt giảm lãi suất vào tuần tới.

Động thái của các Ngân hàng Trung ương lớn trên toàn cầu nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đã làm tăng áp lực buộc PBOC phải sớm hành động. Bài xã luận trên trang nhất của tạp chí Chứng khoán Trung Quốc đã nhận định "cánh cửa" cho việc PBOC tham gia cắt giảm lãi suất đã được hé mở. Ban biên tập cho biết, điều chỉnh lãi suất là một sự lựa chọn tương đối tốt đối với Trung Quốc trong bối cảnh làn sóng cắt giảm lãi suất của các Ngân hàng Trung ương lớn gia tăng.

Tờ báo này kêu gọi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, rất nhiều nhà phân tích và nhà kinh tế cũng yêu cầu PBOC cần hành động mạnh dạn hơn, bởi tính tới thời điểm hiện tại, các biện pháp của cơ quan này có tác động quá yếu trước sự sụp đổ đột ngột của các hoạt động kinh tế do virus gây ra.

Cùng với đó, trang tin Tài Tân đã đăng tải chỉ số quản lý sức mua trong ngành dịch vụ của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại vào tháng 2 năm nay. Trong khi chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh rằng phần lớn các công ty sản xuất đã hoạt động trở lại sau khi đóng cửa do virus, chỉ 1/3 các công ty nhỏ, chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ, trở lại làm việc. Lĩnh vực dịch vụ chiếm tới 60% hoạt động kinh tế nói chung trong những năm gần đây của Trung Quốc. Sự ảm đạm của ngành dịch vụ hiện nay khiến Bắc Kinh không còn nhiều sự lựa chọn ngoài việc hành động để củng cố nền kinh tế.

Để làm dịu dư luận, PBOC cho biết họ đã tổ chức hội thảo từ xa hôm 3/3 với Ủy ban điều tiết ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc, Bộ Tài chính và tất cả các ngân hàng lớn của nhà nước, để thảo luận về cách cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế của đất nước, nhưng không tiết lộ  những bước chính xác và thời điểm nào có thể thực hiện chúng.

PBOC cũng cho biết họ sẽ linh hoạt hơn khi thực hiện chính sách tiền tệ, nhưng sẽ không tham gia vào một chương trình cứu trợ kinh tế lớn như trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Những biện pháp kích thích đó đã dẫn đến sự gia tăng nợ nần và những khoản cho vay rủi ro mà Trung Quốc vẫn đang cố gắng kiểm soát trong hơn một thập kỷ qua.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nhắc lại rằng nước này sẽ không nới lỏng các quy định đối với thị trường bất động sản để kích thích tăng trưởng ngắn hạn, và kêu gọi chính quyền địa phương duy trì các chính sách tài chính nghiêm ngặt. Đây là một động thái rõ ràng để bác bỏ suy đoán rằng Trung Quốc sẽ nới lỏng đáng kể các quy tắc thế chấp để thúc đẩy nền kinh tế.

Tham khảo: South China Morning Post

Thái Bích Phương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên