MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc và Mỹ đạt được gì trong bước đột phá lớn nhất trong 18 tháng qua?

12-10-2019 - 10:45 AM | Tài chính quốc tế

Mặc dù thỏa thuận hạn chế này có thể giải quyết được những vấn đề ngắn hạn, một vài vấn đề khó nhằn nhất vẫn còn tồn tại.

Theo Bloomberg đưa tin, hôm qua Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí về những điểm chính trong thỏa thuận một phần mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đặt bút ký vào ngay trong tháng sau.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết theo thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn nông sản Mỹ (trong 2 năm tới sẽ mua 40 – 50 tỷ USD mỗi năm), đồng ý với một số biện pháp về quyền sở hữu trí tuệ và có một số nhượng bộ liên quan đến lĩnh vực dịch vụ tài chính và tiền tệ. Đổi lại, Mỹ sẽ hoãn đợt tăng thuế mới mà theo dự kiến sẽ có hiệu lực kể từ tuần tới. Tuy nhiên Mỹ chưa quyết định về việc có hoãn đợt tăng thuế của tháng 12 hay không.

Thỏa thuận này là bước đột phá lớn nhất trong cuộc chiến tranh thương mại đã kéo dài 18 tháng và gây tổn hại cho nền kinh tế của cả hai bên. Và quan trọng hơn, Tổng thống Trump nói rằng đây chỉ là giai đoạn đầu của 1 thỏa thuận rộng hơn. Ông cũng phát đi tín hiệu về 1 thỏa thuận có thể được ký ngay tại hội nghị sắp tới ở Chile, vào tháng 11.

Mặc dù thỏa thuận hạn chế này có thể giải quyết được những vấn đề ngắn hạn, một vài vấn đề khó nhằn nhất vẫn còn tồn tại. Trong cuộc chiến này, mục tiêu trọng tâm của Mỹ là các cáo buộc Trung Quốc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ và trợ cấp cho các ngành công nghiệp trong nước.

Hôm qua Nhà Trắng cũng công bố bức thư mà ông Tập gửi tới ông Trump, trong đó nhấn mạnh điều quan trọng là hai bên cùng làm việc với nhau để giải quyết những lo ngại. "Tôi hi vọng hai bên sẽ hành động theo nguyên tắc và theo hướng mà tôi và ngài đã nhất trí, để cải thiện quan hệ Mỹ - Trung dựa trên sự hợp tác và ổn định", bức thư có đoạn.

Ông Trump đang quá lạc quan?

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin các nhà đàm phán đã cố gắng đi đến thỏa thuận cuối cùng nhưng tờ báo này không gọi kết quả của ngày hôm qua là 1 thỏa thuận. Tổng biên tập của tờ Thời báo hoàn cầu, người được theo dõi sát sao trên Twitter vì những dòng tweet tiết lộ nhiều manh mối về động thái của chính phủ Trung Quốc, hôm qua nói rằng các báo cáo chính thức từ Trung Quốc không hề đề cập đến mục tiêu 2 bên ký vào thỏa thuận cuối cùng ngay trong tháng sau mà ông Trump đã nhắc đến. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh muốn giữ kỳ vọng ở mức thấp.

Chính quyền Trump cho biết các vấn đề liên quan đến Huawei không nằm trong thỏa thuận hôm qua và sẽ được xử lý riêng biệt. Ông Trump nói với các phóng viên rằng Huawei – ông lớn viễn thông đã trở thành nạn nhân của chiến tranh thương mại khi bị Mỹ cấm vận hồi tháng 5 – sẽ được thảo luận trong giai đoạn hai.

Trên Twitter, ông Trump viết rằng nếu hai nước đạt được thỏa thuận thì ông có thể nhanh chóng ký vào thỏa thuận này. "Một trong những điều tuyệt vời nhất của thỏa thuận Trung Quốc là vì rất nhiều lý do mà chúng ta không cần phải trải qua quá trình phê duyệt ở quốc hội vốn rất phức tạp về mặt chính trị và mất nhiều thời gian. Khi thỏa thuận đã được nhất trí hoàn toàn, tôi có thể tự mình đại diện cho nước Mỹ ký vào thỏa thuận. Thật nhanh chóng!"

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Senator Ronald Wyden, lãnh đạo của Ủy ban Tài chính Thượng viện là cơ quan có quyên hạn cao nhất về chính sách thương mại, cho rằng Tổng thống Trump nên biết rằng 1 thỏa thuận chỉ có thể được thực thi nếu như cơ quan của ông trao quyền đó cho Tổng thống, và điều đó phải được Quốc hội thông qua.

Theo hiến pháp Mỹ, Quốc hội nắm quyền về chính sách thương mại quốc tế. Từ nhiều thập kỷ này Quốc hội Mỹ vẫn trao quyền đàm phán thương mại cho cơ quan hành pháp. Trong vài tháng gần đây, các nhà làm luật đang ngày càng lo ngại ông Trump đang lạm dụng quyền lực và đang thảo luận về các cách để giảm thiểu tình trạng này. Họ cho rằng Tổng thống có quá nhiều chính sách thuế đơn phương và thiếu sự minh bạch trong đàm phán thương mại.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên