MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc xem xét cắt giảm lãi suất tiền gửi

27-02-2020 - 11:48 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang xem xét cắt giảm lãi suất tiền gửi lần đầu tiên sau 5 năm. Sự bùng phát của dịch bệnh đã gây thêm một cú sốc cho hệ thống ngân hàng tại Trung Quốc và họ đang phải vật lộn để tồn tại sau 2 năm nợ xấu đạt mức kỷ lục do sự suy thoái kinh tế.

Các ngân hàng của Trung Quốc đang chịu sức ép vì phải "hy sinh" lợi nhuận thông qua việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để giúp hàng triệu công ty gặp khó khăn về vốn trước ảnh hưởng nặng nề của sự bùng phát virus Covid-19. Do vậy, vào cuối tuần qua, Liu Guoqiang, người đại diện của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết, các nhà hoạch định chính sách đang xem xét cắt giảm lãi suất tiền gửi lần đầu tiên sau 5 năm. Đối với các ngân hàng thương mại, họ mong muốn được hưởng nhiều ưu đãi trong dài hạn từ PBOC để qua đó giảm chi phí lãi vay, hỗ trợ các doanh nghiệp khi phần lớn các hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị trì trệ.

Lãi suất cho vay cơ bản đã bị cắt giảm 3 lần trong 6 tháng qua, nhưng đến nay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức về việc cắt giảm lãi suất tiền gửi vì lo ngại về tác động đối với người gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, nếu PBOC cắt giảm lãi suất trên 175 nghìn tỷ nhân dân tệ (25 nghìn tỷ USD) tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình và doanh nghiệp dự kiến sẽ giúp tăng tỷ suất lợi nhuận và nâng cao năng lực hoạt động cho các ngân hàng đang "gồng mình" trong tình trạng nợ xấu gia tăng.

Wang Yifeng, nhà phân tích kinh tế tại Bắc Kinh của công ty Everbright Securities nói rằng, gần 2/3 trong tổng số các khoản nợ phải trả trị giá 265 nghìn tỷ nhân dân tệ của các ngân hàng Trung Quốc đến từ tiền gửi. Vì vậy, việc cắt giảm lãi suất tiền gửi sẽ trực tiếp hạ thấp chi phí huy động vốn và góp phần hỗ trợ, tạo tiền đề kéo giảm lãi suất cho vay. Các biện pháp nới lỏng khác của PBOC, như cắt giảm tỷ lệ dự trữ, sẽ không có tác động tương tự. 

Sự bùng phát của dịch bệnh đã gây thêm một cú sốc 41 nghìn tỷ USD cho hệ thống ngân hàng tại Trung Quốc. Các ngân hàng trên khắp nước này đã phải vật lộn để tồn tại sau 2 năm nợ xấu đạt mức kỷ lục do sự suy thoái kinh tế. Ngay cả một số ngân hàng tương đối lớn hơn cũng có thể sẽ yêu cầu cần tái cấp vốn, S&P Global cảnh báo vào tháng trước. Cơ quan này cũng ước tính rằng tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu kéo dài có thể khiến tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng cao hơn gấp 3 lần, lên mức 6,3%, tăng 5,6 nghìn tỷ nhân dân tệ. 

Theo một cuộc khảo sát gần đây, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 4,3% quý đầu tiên trong năm nay, chậm nhất trong 30 năm. Tăng trưởng cả năm dự kiến ​​sẽ vào khoảng 5,5%, giảm 0,4% so với ước tính 5,9% trong tháng trước. Theo đó, tỷ lệ thu nhập lãi thuần của ngành công nghiệp, một thước đo lợi nhuận cho vay, đã thu hẹp xuống còn 2,2% vào cuối năm ngoái, từ mức 2,7% của 5 năm trước trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt đối với tiền gửi. Các chỉ thị của Chính phủ về việc giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ càng làm trầm trọng thêm sức ép này.

Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, là một phần của các biện pháp hỗ trợ trước tác động của đại dịch, các ngân hàng được yêu cầu cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn 3,15%, thậm chí một số khoản vay còn áp dụng lãi suất thấp tới 2,4%. Các ngân hàng có thể vay từ ngân hàng trung ương ở mức 2,75% và gần như là không hòa vốn, khi mà bao gồm cả chi phí hoạt động và các khoản nợ xấu tiềm ẩn. Đối với riêng các ngân hàng Trung Quốc có cổ phiếu kém hơn các chỉ số chuẩn ở Hồng Kông và đại lục trong hầu hết 5 năm qua và đang giao dịch gần mức định giá thấp kỷ lục, việc cắt giảm chi phí huy động sẽ là một sự xoa dịu cần thiết.

"Để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng và giảm gánh nặng lãi suất cho họ, chúng tôi tin rằng Chính phủ, các tổ chức tài chính và người gửi tiền sẽ phải hy sinh.", các nhà phân tích tại Citigroup Inc. cho biết. "Việc cắt giảm 5 điểm cơ bản trong lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và giảm 10 điểm cơ bản trong lãi suất tiền gửi có kỳ hạn sẽ giúp các ngân hàng Trung Quốc tăng thu nhập lên 2,1%."

Liao Zhiming, một nhà phân tích tại Tianfeng Securities, cho biết, lãi suất tiền gửi nên được cắt giảm sớm hơn với mức giảm 25 điểm cơ bản xuống còn 1,25%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 1 năm. Một động thái cắt giảm vừa phải sẽ giảm bớt áp lực lợi nhuận đối với chính các ngân hàng.  

"Khả năng PBOC cắt giảm lãi suất tiền gửi đang tăng lên đáng kể vì Ngân hàng này cần một số hành động để củng cố niềm tin của thị trường rằng PBOC luôn có những can thiệp kịp thời trong cuộc chiến chống lại virus hiện tại", ông Lu Ting, nhà kinh tế trưởng của Trung Quốc tại Nomura International HK Ltd., đã viết trong một ghi chú. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn có thể giảm 5 điểm cơ bản trong khi tiền gửi có kỳ hạn một năm có thể giảm 15 điểm cơ bản, ông Lu cho biết thêm.

Mặc dù vậy, Liao Zhiming hay ông Lu cũng như các nhà kinh tế tại công ty tài chính quốc tế BBVA SA và tập đoàn tài chính ANZ, đều bày tỏ lo ngại về tác động của động thái này đến nền kinh tế khi vốn dĩ lãi suất của 2 kỳ hạn này đều đã ở mức khá thấp, tương ứng là 0,35%/năm và 1,5%/năm.  Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều ngân hàng hiện chi trả lãi suất cao hơn mức chuẩn để giữ chân người gửi tiền tiết kiệm.

Tham khảo: Bloomberg

Thái Bích Phương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên