TS. Bùi Trinh: Lấy nợ xấu so với GDP là không có ý nghĩa
Theo chuyên gia kinh tế, nợ là con số thật còn GDP là con số chưa đáng tin cậy. Thế nhưng, hiện nay, hầu hết các nhà hoạch định chính sách và cả các tổ chức quốc tế đều chỉ nhìn vào công bố tăng trưởng GDP để vui, buồn và bình luận.
-
VND mất giá 2% sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng và chỉ số giá sản xuất (PPI) ở chu kỳ đầu tiên tăng lên 0,45%, chu kỳ sản xuất tiếp theo tăng lên 0,65%, tổng ảnh hưởng 1,1% và tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế có thể bị giảm 1,2-1,6%.
-
Có nên học tập Hàn Quốc, dân góp tiền xử lý nợ xấu?
Tại hội thảo mới đây, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đưa ra một phép tính, trong 5 năm qua việc xử lý nợ xấu do hệ thống ngân hàng tự làm bằng tiêu tốn một nguồn lực tương đương 12,4% GDP (khoảng 15 tỷ USD), từ nguồn dự phòng rủi ro, từ thu nợ, khấu trừ nợ, bán tài sản… cũng như VAMC đã mua nợ xấp xỉ 10 tỷ USD… được nhìn nhận là con số quá lớn.
Trong khi đó, VAMC được ông Phước nhìn nhận là được xây dựng nên để xử lý nợ xấu chỉ là giải pháp tình thế khi ông ví von rằng tổ chức này như “cục sâm” để cho các tổ chức tín dụng ngậm từ nhà đến bệnh viện để không bị đột quỵ, còn việc giải quyết triệt để thì phải vào… “bệnh viện”.
Ông Phước tính toán trong 5 năm tới, cần xử lý khoản nợ xấu xỉ 25 tỷ USD. Trong số này, 10 tỷ USD mà VAMC trước đây đã mua sẽ được tiếp tục xử lý; 15 tỷ USD còn lại sẽ được các ngân hàng tự thực hiện bao gồm việc bán các tài sản, trích lập dự phòng cấn nợ trừ nợ… đồng thời cần thiết lập thị trường mua bán nợ thực sự.
Theo CTCK TP.HCM (HSC), tại thời điểm cuối tháng 6/2016, tổng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng bằng khoảng 3,45% của GDP danh nghĩa (số liệu 6 tháng đầu năm), là 129.960 tỷ đồng (theo ước tính từ báo cáo hàng tháng các NHTM nộp lên NHNN).
Và hiện VAMC đang nắm khoảng 217.000 tỷ đồng nợ xấu mua từ các NHTM. Tại thời điểm cuối tháng 6, VAMC đã mua tổng công khoảng 251.000 tỷ đồng nợ xấu và thu hồi được 34.000 tỷ đồng; tương đương 5,75% GDP. Theo đó khi cộng cả 2 con số trên thì tổng cộng nợ xấu là 346.960 tỷ đồng; tương đương 9,2% GDP (tại thời điểm cuối tháng 6).
Trên thực tế, HSC cho rằng cũng chưa cần phải sử dụng đến nguồn lực của ngân sách để xử lý nợ xấu vì hệ thống ngân hàng vẫn đang rất tích cực trong việc xử lý và xóa nợ xấu bằng nguồn lực của chính các NHTM trong 4-5 năm vừa qua. Và với tốc độ xử lý nợ xấu hiện nay, trong vòng khoảng 2-3 năm tới, một phần đáng kể nợ xấu có thể được xử lý.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS. Bùi Trinh, một chuyên gia kinh tế nhận định lấy nợ xấu so với GDP là không có ý nghĩa.
"Theo tôi, nợ là con số thật còn GDP là con số chưa đáng tin cậy. Thế nhưng, hiện nay, hầu hết các nhà hoạch định chính sách và cả các tổ chức quốc tế đều chỉ nhìn vào công bố tăng trưởng GDP để vui, buồn và bình luận".
Ngoài ra, vị chuyên gia này đặt ra câu hỏi liệu rằng xử lý nợ xấu rồi thì lãi suất có hạ được không? Vấn đề thứ hai nữa, có hạ lãi suất thì nền kinh tế có tăng trưởng không?
Ông cho biết: Nếu hạ lãi suất thì giá điện, giá xăng,..tăng. Từ năm 2007 đến nay, chính sách tiền tệ mang tính chất quản lý cầu, ngắn hạn và nhất thời. Không ai quản lý cầu mấy năm cả. Khi ban hành chính sách cần phải nhìn nền kinh tế thực, có 2 vấn đề rất lớn là hiệu quả đầu tư và cách cơ cấu kinh tế mạch lạc, trong khi hai thứ này không hề thay đổi thậm chí ngày càng kém đi.
Có hạ lãi suất cũng không liên quan đến sự tăng trưởng nền kinh tế đối với Việt Nam!
"Ở các quốc gia khác, họ lấy tiền ngân sách xử lý nợ xấu là có thể được vì họ minh bạch. Trong khi đó tại Việt Nam, có ngân hàng và một ông đại gia nào đó định giá các tài sản có khi chỉ 2 tỷ lên đến 20 tỷ. Vậy tại sao lại bắt người dân trả nợ cho những ông này. Tiền ngân sách là tiền của dân dù là tiền thuế hay tiền đi vay, không thể bắt người dân trả nợ cho cái mà họ không nợ", TS. Bùi Trinh nêu quan điểm.
Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng cho biết nợ xấu trong nền kinh tế hiện nay đã quá lớn mà thực lực nhiều ngân hàng không xử lý nổi. Nếu ngân hàng không xử lý được thì cả nền kinh tế phải gánh hậu quả. Như vậy cứu ngân hàng chính là cứu nền kinh tế.
Hiện nay đang có hai nhóm ý kiến chủ yếu là không dùng ngân sách xử lý nợ xấu và một luồng ý kiến ngược lại. Tuy nhiên, theo ý kiến của người làm ngân hàng thì quan điểm lấy ngân sách để xử lý nợ xấu là lấy của người nghèo chia cho người giàu là tư tưởng cực đoan. Mà quan trọng là sử dụng ngân sách như thế nào để thiệt hại ở mức thấp nhất và huy động nguồn lực này ở đâu.
"Chỉ cần đặt một câu hỏi rất đơn giản thì sẽ có câu trả lời có nên dùng ngân sách xử lý nợ xấu hay không? Trước khi dùng ngân sách xử lý nợ xấu phải giải độc được suy nghĩ hiện có trong xã hội là không dùng tiền của nhà nghèo, tiền thuế của dân để giúp người giàu", vị lãnh đạo này cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho rằng, cần có cái nhìn đúng bản chất của sự việc là dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, chứ không phải là dùng tiền ngân sách để bù lỗ nợ xấu, không thu hồi về.
Chủ tịch VAMC phân tích, dùng tiền để xử lý nợ xấu không phải là mất tiền, ví dụ VAMC được ứng tiền để mua nợ xấu rồi bán thu hồi vốn, thậm chí còn có lãi. VAMC có trách nhiệm phải bảo toàn vốn và sinh lời, như vậy làm sao làm mất tiền của dân được?.