MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Lưu Bích Hồ: Đừng bao giờ để vòng xoáy của những năm trước quay trở lại!

Thể chế là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế 9 tháng đầu năm. Dù vậy, Chính phủ sẽ vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện hơn nữa tình hình. Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô là điều cần được chú trọng khi phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017.

Thể chế là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển cho rằng, nông nghiệp và thể chế hai điểm sáng trong bức tranh kinh tế 3 quý vừa qua.

Ngành nông nghiệp đã có mức tăng trưởng dương trở lại sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, xâm nhập mặn hồi năm 2016. Không chỉ vậy, sự tăng trưởng này cũng cho thấy hiệu quả của chính sách chuyển dịch cơ cấu từ cây lúa sang nuôi trồng thủy sản.

“Chúng ta đã đi đúng hướng và đạt được kết quả bước đầu. Làm nông nghiệp khó hơn công nghiệp và dịch vụ rất nhiều nhưng đây là ngành chúng ta có lợi thế. Đương nhiên, đóng góp của nông nghiệp trong GDP là thấp. Nhưng nước nào cũng vậy, chúng ta nhiều năm nay cũng thế. Việc ngành nông nghiệp tăng trưởng như kết quả đã thấy trong quý 3 là quá tốt. Sắp tới đây, chúng ta phải cố gắng đẩy mạnh hơn nữa khâu chế biến, không xuất thô nữa” – ông Lưu Bích Hồ nói.

Về thể chế, công tác tổ chức thực hiện đã được đẩy mạnh thực hiện trong những tháng đã qua của năm 2017. Dù vậy, ông Lưu Bích Hồ cho rằng các bộ ngành vẫn cần cố gắng thực hiện hơn nữa vì bộ máy chính là nơi khiến những cố gắng thay đổi bị chậm lại.

“Thể chế đã được cải thiện hơn rất nhiều. Cái hay là không chỉ dừng lại ở ban hành văn bản mà đã tổ chức thực hiện. 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương mới đề xuất phương án xử lý và cần phải cố gắng thực hiện. Việc này sẽ từ từ lan tỏa tới các bộ, ngành khác. Vì sao công tác tổ chức thực hiện luôn luôn khó khăn? Do bộ máy. Chúng ta phải cố gắng đẩy nó lên. Theo tôi nghĩ nó đã diễn ra từng bước, không nhanh, nhưng là điểm sáng” – ông Lưu Bích Hồ đánh giá.

Nhận định về việc Việt Nam đã tăng thêm 5 bậc trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu thường niên 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông Lưu Bích Hồ cho rằng đây là mức tăng không nhiều. Theo đó, mức tăng này cần đặt trong bối cảnh thăng hạng của các nước xung quanh để thấy rằng Việt Nam cần cố gắng đẩy mạnh hơn nữa.

Cần làm gì trong những tháng cuối năm?

Bày tỏ ý kiến về những thay đổi trong thể chế của Việt Nam, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận nhận định rằng thể chế hiện nay vẫn còn thiếu lành mạnh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Cách thức xử lý hiện nay của các cơ quan nhà nước đang nuôi dưỡng thêm sức ì, hoặc sự phản ứng với cải cách. Điều này khiến doanh nghiệp vận hành theo kiểu “đầu tư quan hệ, công nghệ phong bì”. Do đó, cải cách thể chế vẫn là việc quan trọng cần tiếp tục thực hiện.


Cải cách thể chế và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.

Cải cách thể chế và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng các lỗ hổng trong quá trình thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là điều cơ quan chức năng cần chú ý. Theo ông Doanh, cần phải thay đổi mô hình cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn là “ông chủ” có tiếng nói lớn nhất. Đồng thời, việc cổ phần hóa DNNN cần phải diễn ra trên thị trường chứng khoán để bảo đảm công khai và minh bạch.

“Thoái vốn DNNN mới được 8%, 92% còn lại vẫn ở trong tay nhà nước. Cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn là ông chủ và nhà đầu tư nhỏ lẻ vào đó không có tiếng nói. Cho nên cần phải thay đổi cơ ban mô hình cổ phần hóa này. Một vấn đề nữa cần rõ ràng, đó là đã cổ phần hóa thì phải lên thị trường chứng khoán và trên thị trường chứng khoán thì mới công khai minh bạch được, giám sát được. Không được giả vờ công khai nhưng không minh bạch, có công bố nhưng công bố ra thì đã bán hết rồi” – ông Lê Đăng Doanh nói.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm, việc ổn định vĩ mô vẫn là điều được ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh. Vấn đề tài chính và lạm phát cần được chú ý trong bối cảnh thế giới còn có thể xảy ra những biến động. Theo ông Hồ, tăng trưởng tín dụng không được vượt quá mức đã được đề ra trước đó.

“Phải đặt vấn đề ổn định vĩ mô ở vị trí số 1. Tăng trưởng phù hợp, bảo đảm ổn định vĩ mô và ổn định vĩ mô là để tăng trưởng tốt, có chất lượng. Các cơ quan, tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo về điều đó. Tôi nghĩ chúng ta đã quá hiểu. Đừng bao giờ để vòng xoáy của những năm trước quay trở lại!” – ông Lưu Bích Hồ cho biết.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên