MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Mai Liêm Trực nhìn lại chuyện đổi mới, xóa độc quyền ngành viễn thông: Điều đó tốt cho VNPT, nhưng quan trọng là tốt cho đất nước!

8 giờ kém 15 phút, tối ngày 15/10/2000, ông Mai Liêm Trực đang ngồi xem thời sự, thì VTV phát một đoạn quảng cáo: “178, mã số tiết kiệm của bạn!” của Viettel. Với hàng triệu người xem lúc đó, đây chỉ là một đoạn quảng cáo bình thường, nhưng trong người ông Trực ‘như có dòng điện chạy qua’.

Giai đoạn đầu những năm 1990, ngành bưu chính viễn thông ở hầu hết các nước là độc quyền tự nhiên. Không chỉ Việt Nam, mà nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Singapore… hay kể cả các quốc gia phát triển như Úc, Anh, hay Pháp… thì trị trường viễn thông cũng đều độc quyền.

Ở Việt Nam, doanh nghiệp độc quyền viễn thông thời đó là VNPT, từ Tổng cục Bưu điện tách ra.

Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, cựu Tổng giám đốc VNPT, doanh nghiệp này lúc bấy giờ có đội ngũ lăn xả, các cán bộ rất dấn thân và có tầm nhìn, nên phát triển rất mạnh mẽ. Điều đó cũng góp phần vào việc năm 1995, ngành bưu điện trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao vàng.

Nhưng giữa lúc ngành bưu điện đang được xã hội tôn vinh vì đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, thì ông Mai Liêm Trực, người có bằng Tiến sĩ ở Đại học kỹ thuật Dresden (đại học tổng hợp kỹ thuật lâu đời nhất của Đức), đã có một góc nhìn khác.

Nhờ cơ duyên tiếp xúc với tư duy của kinh tế thị trường từ rất sớm - ngay khi đất nước vẫn trong thời bao cấp, ông Trực đã nhìn thấy những "khuyết tật" của độc quyền viễn thông. Một ngành đang ở thời thịnh vượng nhưng có biểu hiện của sự trì trệ, cửa quyền, thậm chí có nguy cơ khiến thị trường rơi vào tay nước ngoài trước sức ép của mở cửa, hội nhập.

TS Mai Liêm Trực nhìn lại chuyện đổi mới, xóa độc quyền ngành viễn thông: Điều đó tốt cho VNPT, nhưng quan trọng là tốt cho đất nước! - Ảnh 1.

Là cựu Tổng giám đốc VNPT, sau này trở thành lãnh đạo Tổng cục Bưu điện và Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), điều gì đã thúc giục ông ủng hộ và đưa ra những quyết định mở cửa ngành viễn thông, phá thế độc quyền của chính VNPT?

Trưởng thành từ cơ sở, qua nhiều vị trí quản lý, ngay từ khi ở cương vị tổng giám đốc, tôi đã cảm thấy, mặc dù về cơ bản là VNPT làm tốt, nhưng cơ chế độc quyền bộc lộ những cái trì trệ. Tôi và không ít lãnh đạo khác trong ngành cũng đã thấy có những biểu hiện say sưa thành tích, hưởng thụ, và không phải không có yếu tố cửa quyền.

Vì thế, không chỉ tôi, một số lãnh đạo khác của VNPT cũng ủng hộ việc mở cửa cạnh tranh, để VNPT phải năng động hơn.

Mặt khác, Việt Nam lúc đó đã bắt đầu hội nhập quốc tế. Năm 1994, Mỹ bỏ cấm vận kinh tế với Việt Nam và năm 1995 chúng ta bình thường hóa quan hệ với Mỹ, bỏ cấm vận. Từ năm 1996, Việt Nam bắt đầu đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, phía Mỹ yêu cầu rất cao về quyền của doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư kinh doanh vào Việt Nam.

Khi đó, tôi thôi chức Tổng giám đốc VNPT, lên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, thay anh Thân (ông Đặng Văn Thân - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện), và cảm nhận sức ép rất lớn.

Nếu không mở cửa thị trường, để cho VNPT độc quyền, thì chắc chắn giá cước sẽ cao, điều hành chắc chắn có những trì trệ nhất định. Mà cứ tình hình này, phải mở cửa cho nước ngoài, trước sức ép hội nhập quốc tế, trong khi giá cước cao, thì nước ngoài sẽ làm chủ.

TS Mai Liêm Trực nhìn lại chuyện đổi mới, xóa độc quyền ngành viễn thông: Điều đó tốt cho VNPT, nhưng quan trọng là tốt cho đất nước! - Ảnh 2.

Tôi nghĩ, nếu có thể làm cho giá cước thấp xuống, thì nước ngoài không dễ dàng mà thắng được. Vì thế, mặc dù từng là Tổng giám đốc VNPT, gắn bó nhiều năm, nhưng tôi thấy không có cách nào khác ngoài việc phải mở cửa thị trường, tạo cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam.

Lợi ích quốc gia thôi, (cán bộ) thời ấy là vậy, làm gì cũng nghĩ cho dân.

Nhìn chung, ngành bưu điện thời xưa là thế. Từ chiến tranh ra, biết gì về digital, công nghệ số gì đâu, nhưng vẫn làm việc lăn xả. Bưu điện là ngành phục vụ, trong chiến tranh ở miền Nam là những chiến sĩ giao liên, giao bưu, những thợ dây, thợ máy, vô tuyến điện viên phục vụ thông tin liên lạc cho Trung ương Cục miền Nam cũng như tất cả các chiến trường. Ở miền Bắc là mạng lưới thông tin liên lạc phục vụ cho Trung ương và các cấp uỷ sơ tán trong cuộc chiến tranh bảo về miền Bắc và tiếp vận cho miền Nam.

Đến sau này, máu phục vụ trong người vẫn còn rất mạnh. Tôi cảm thấy là mình phải làm, cho dân được nhờ, chứ giá cước đắt thế này?

Thật ra, lúc đó, nước ngoài đã bắt đầu kêu ca về việc giá cước đắt, mặc dù xã hội chưa lên án chuyện độc quyền của bưu điện đâu. Vẫn là Huân chương Sao vàng, vẫn là tăng tốc nhanh, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, oai lắm. Nhưng người trong cuộc thì biết, biết rằng nếu mở cửa thị trường, mà cung cách này là thua!

Như thế, phải mở cửa thị trường trong nước trước, để các doanh nghiệp Việt Nam cọ xát với nhau, quen với kinh tế thị trường, rồi mới mở đến nước ngoài. Giá cước giảm xuống, chất lượng dịch vụ tốt lên, mật độ điện thoại tăng nhanh, thì nước ngoài vào không dễ mà chiếm thị trường.

TS Mai Liêm Trực nhìn lại chuyện đổi mới, xóa độc quyền ngành viễn thông: Điều đó tốt cho VNPT, nhưng quan trọng là tốt cho đất nước! - Ảnh 3.

Quá trình mở cửa đó, từng bước được thực hiện thế nào?

Ngay từ năm 1990, khi là Phó tổng giám đốc VNPT kiêm Giám đốc Công ty Viễn thông quốc tế (VTI), tôi đã tìm cách để tạo ra cạnh tranh trong nội bộ VNPT.

Hồi đó, chưa có các công ty dọc, mà chỉ có bưu điện các tỉnh, thành phố. Khi thành lập các công ty dọc, mà VTI là công ty đầu tiên, tôi muốn thí nghiệm cạnh tranh trong nội bộ VNPT. Cách làm là để một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, ngoài giao dịch của bưu điện thành phố thì có giao dịch của công ty viễn thông quốc tế, để hai bên thi đua.

Công ty viễn thông quốc tế là một công ty hiện đại, tiếp xúc với nước ngoài nhiều, thông thạo ngoại ngữ, trong bối cảnh đầu tư nước ngoài bắt đầu vào Việt Nam, cần có những giao dịch hiện đại để đáp ứng nhu cầu của họ. Công ty viễn thông quốc tế có lợi nhuận rất cao, chiếm tới 40% lợi nhuận toàn ngành. Chủ yếu là do lợi nhuận cận biên rất lớn. Thời điểm đó, một số bưu điện thành phố phản ứng rất mạnh, nên tôi phải rút lại quyết định của mình.

Sau này, khi lên làm Tổng cục trưởng, và Việt Nam bắt đầu hội nhập quốc tế, tôi đã cương quyết có một lộ trình mở cửa cụ thể cho ngành viễn thông.

TS Mai Liêm Trực nhìn lại chuyện đổi mới, xóa độc quyền ngành viễn thông: Điều đó tốt cho VNPT, nhưng quan trọng là tốt cho đất nước! - Ảnh 4.

Ông Mai Liêm Trực (người thứ hai từ trái sang) phát biểu tại Lễ khai trương dịch vụ Internet ngày 19/11/1997 tại Hà Nội.

Bắt đầu từ việc mở cửa cạnh tranh khi đưa Internet vào Việt Nam vào năm 1997.

Vì Internet là mới với tất cả các doanh nghiệp ở Việt Nam nên Tổng cục Bưu điện quyết định tạo cạnh tranh ngay từ đầu, không để một doanh nghiệp nào độc quyền. Trong một ngày, tôi cấp phép cho 4 doanh nghiệp, VNPT, FPT, Netnam và Saigonnet, để cả 4 anh cùng làm.

Internet những năm đầu sử dụng qua đường dây điện thoại dial up, số lượng người sử dụng còn ít, doanh thu còn nhỏ nên chưa tác động nhiều đến các doanh nghiệp.

Lúc đó, lúc giao ban hàng tuần của Tổng cục, chúng tôi theo dõi chặt chẽ doanh nghiệp mới chiếm được bao nhiêu thị phần. May mắn là FPT thời kỳ đó có những người như Trương Đình Anh (sau này làm Tổng giám đốc FPT), rất máu làm, chỉ trong 1 năm chiếm 30% thị phần. Như vậy tôi cũng thấy rất là ok, mở cửa thị trường ổn.

Mở cửa cạnh tranh trong viễn thông lại là một câu chuyện rất khác so với mở cửa cạnh tranh Internet, làm thay đổi hẳn thị trường, vì động đến lợi ích của doanh nghiệp, nên phải rất cụ thể, rất chi tiết.

Lúc đó, Tổng cục Bưu điện đã xây dựng chiến lược 10 năm, từ năm 2000-2010, đến năm 2005, các doanh nghiệp mới phải chiếm 30% thị phần, đến năm 2010 thì hoàn toàn cạnh tranh, không còn doanh nghiệp khống chế thị trường nữa.

TS Mai Liêm Trực nhìn lại chuyện đổi mới, xóa độc quyền ngành viễn thông: Điều đó tốt cho VNPT, nhưng quan trọng là tốt cho đất nước! - Ảnh 5.

Đồng thời, phải có lộ trình kèm theo, mở cửa dần. Ví dụ giá cước, trước đây là Thủ tướng quyết giá cước điện thoại nội hạt, còn lại Tổng cục Bưu điện quyết tất. Nhưng mở cửa thị trường thì chuyển đổi dần dần để các doanh nghiệp quyết, chứ Nhà nước quyết thì không nên.

Thời đó, Hội đồng quản trị VNPT lo mở ra thì doanh nghiệp mới "hớt váng" ở trên, chỉ làm các thành phố lớn, còn các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, các dịch vụ viễn thông công ích, dịch vụ cơ bản, là bắt VNPT làm. Vậy giải quyết bài toán đó như thế nào? Không giải được là thua ngay tức khắc.

Chúng tôi xây dựng ra cơ chế chia sẻ lợi nhuận. Ví dụ, gọi VoiP ra nước ngoài, cước gọi qua Viettel là 1,3 USD. Nếu gọi ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng thì VNPT được 65 cent. Gọi các tỉnh khác thì VNPT được 75 cent. Tức là chia sẻ lợi nhuận cho VNPT.

Sau này, để các doanh nghiệp tự quyết định giá, thì làm Pháp lệnh Bưu chính viễn thông, xây dựng Quỹ Viễn thông công ích, để doanh nghiệp đóng góp vào đó, doanh nghiệp nào làm viễn thông công ích sẽ lấy quỹ đó triển khai.

Tất cả đã có trong chiến lược, chúng tôi công khai minh bạch, kể cả với VNPT.

TS Mai Liêm Trực nhìn lại chuyện đổi mới, xóa độc quyền ngành viễn thông: Điều đó tốt cho VNPT, nhưng quan trọng là tốt cho đất nước! - Ảnh 6.

Với độc quyền tự nhiên, không dễ để các doanh nghiệp đi sau có thể cạnh tranh được, nhưng Viettel đã làm được điều này. Vì sao vậy?

Thật ra, Thủ tướng đã bật đèn xanh cho mở cửa cạnh tranh viễn thông rồi, nhưng mãi 3-4 năm đầu, Viettel cũng không biết làm gì ngoài trồng cột, đào cống, đặt cáp quang. Tổng cục ban đầu cũng không biết con đường thế nào.

Tôi đi dự Hội nghị Bộ trưởng viễn thông khu vực châu Á Thái Bình Dương với hơn 40 nước ở Thượng Hải. Trong những cuộc tiếp xúc bên ngoài hội nghị với các đoàn, tôi được đoàn Hong Kong (Trung Quốc) giới thiệu một công nghệ mới - điện thoại qua Internet (Voice over Internet Protocol - VoiP), chất lượng còn đang rất kém, nhưng sẽ là economy class (hạng phổ thông), còn IDD - international direct dialling, gọi quay số trực tiếp sẽ là business class.

Mà người Việt Nam còn nghèo nên giá cước rẻ là quan trọng nhất, là economy class. Mình nghe hay quá, nên hỏi cụ thể họ, rồi về nói với tất cả các doanh nghiệp.

VNPT lúc đó đã giàu có rồi, làm IDD đã "ngon lành" lắm rồi, nên không thiết tha lắm, nhưng Viettel thì chưa có gì hết. Viettel cử ngay 4-5 người, cả Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Đăng Dũng sang Hong Kong học, về trình dự án. Trong số các doanh nghiệp trình lên thì Viettel làm tốt nhất, nên để cho Viettel làm.

Tôi cho rằng đó là con đường để có thể tạo điều kiện cho cạnh tranh. Tóm lại là "có bệnh" thì đi "vái tứ phương" thôi, chứ không phải giỏi giang gì, không thánh tướng gì cả (cười).

TS Mai Liêm Trực nhìn lại chuyện đổi mới, xóa độc quyền ngành viễn thông: Điều đó tốt cho VNPT, nhưng quan trọng là tốt cho đất nước! - Ảnh 7.

Tôi cũng "học lỏm" các nước Bắc Âu, không đấu thầu mà là chọn thầu khi cấp tần số cho các doanh nghiệp, vì Viettel thời đó chỉ có hơn 2 tỷ đồng vốn, tiền đâu mà đấu thầu. Phải có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp mới, nếu không thì không bao giờ xóa bỏ độc quyền được.

TS Mai Liêm Trực nhìn lại chuyện đổi mới, xóa độc quyền ngành viễn thông: Điều đó tốt cho VNPT, nhưng quan trọng là tốt cho đất nước! - Ảnh 8.

Tôi nhớ mãi 8 giờ kém 15 phút, tối ngày 15/10/2000, đi làm về đang ngồi coi tivi, sau chương trình thời sự, thấy quảng cáo "178, mã số tiết kiệm của bạn!" của Viettel, trong người tôi như có dòng điện chạy qua.

Bản thân tôi là anh độc quyền bao nhiêu năm, tự nhiên có một anh "lù lù" quảng cáo như vậy. Dù chính tôi là người hướng dẫn Viettel, là người cấp phép, mà khi nghe quảng cáo, tôi vẫn cảm thấy như có dòng điện trong người.

Là người trong nghề, tôi biết, đây là thời điểm, là đột phá khẩu, cho một giai đoạn mới của ngành viễn thông.

Nói một cách sòng phẳng, các doanh nghiệp mới như Viettel, như FPT, ban đầu không có gì hết, nhưng họ có khát vọng. Khát vọng của Viettel là từ làm thuê, sang làm chủ. Từ doanh nghiệp làm thuê chỉ đi dựng cột, kéo dây, đào đường cáp, nhưng họ quyết chí phải làm chủ dịch vụ bưu chính viễn thông. Họ cũng có những lãnh đạo có tầm nhìn và tính kỷ luật trong quân đội, nhưng quan trọng nhất vẫn là khát vọng. Điều này tốt cho đất nước!

VNPT cũng vẫn phát triển, tất nhiên phải có sự điều chỉnh, kể cả ngay bây giờ, để có thể phát triển với tốc độ nhanh hơn. Điều đó tốt cho chính VNPT, nhưng quan trọng nhất là tốt cho đất nước. Năm 2010, có nhiều doanh nghiệp vào, doanh thu ngành viễn thông tăng gấp 20-30 lần, giá cước cũng rẻ hơn 10 lần, mật độ điện thoại tăng hơn 10 lần. Vậy là dân được nhờ chứ!

TS Mai Liêm Trực nhìn lại chuyện đổi mới, xóa độc quyền ngành viễn thông: Điều đó tốt cho VNPT, nhưng quan trọng là tốt cho đất nước! - Ảnh 9.

Ông Mai Liêm Trực (người đứng giữa) cho rằng, dịch vụ VoiP chính là bước ngoặt giúp Viettel có "cửa sáng" để cạnh tranh trong thị trường viễn thông.

TS Mai Liêm Trực nhìn lại chuyện đổi mới, xóa độc quyền ngành viễn thông: Điều đó tốt cho VNPT, nhưng quan trọng là tốt cho đất nước! - Ảnh 10.

Nhìn lại những quyết định đã đưa ra với ngành bưu chính viễn thông của mình, ông có muốn "viết lại" điều gì không?

Hàng trăm, hàng nghìn quyết định, về nhân sự, về tài chính, về các hợp đồng đầu tư hàng chục, trăm triệu đô la, mở cửa thị trường, chính sách, lộ trình mở cửa viễn thông cho nước ngoài khi đàm phán các hiệp định thương mại tự do… tôi không nói rằng cái gì cũng đúng. Nhưng những quyết định lớn, cho đến nay, sau bao nhiêu năm nhìn lại, không phải mình tôi mà cả đội ngũ nhìn lại cũng như nhìn nhận của xã hội, thì nói chung là phù hợp với giai đoạn đó. Và những quyết định đó đã có tác động mở đường, khai phá, đột phá, để thay đổi thị trường Việt Nam, có lợi cho đất nước.

Làm được việc đó, cũng không phải tài giỏi gì, mà một là chịu khó học, vô tư, tận tụy, cày cuốc, không tham vọng chức vụ, tiền bạc trong suốt bao nhiêu năm. Thứ hai, tôi có một đội ngũ cộng sự rất tốt, rất thông minh, tài giỏi và rất đứng đắn. Họ gợi dẫn, phản biện cho mình.

Ai cứ nói đạo lý là tôi không chịu được, phải cụ thể, tôi có gì sai cứ nói thẳng, không phải cứ nói hay, cứ khen là được. Tôi không thích lời khen, mà thích lời người ta góp ý cho mình, mình phải rất cảm ơn họ. Và những người đó sau này họ trưởng thành, hơn chục người là cán bộ trực tiếp của tôi, là cục trưởng, trưởng ban, trưởng phòng… sau này là tổng giám đốc, chủ tịch VNPT, lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông và là Bộ Thông tin và Truyền thông sau nay.

Nhìn lại, tôi thấy mình thật may mắn.

Tôi vẫn còn nhớ mãi một câu chuyện cũ, khi tôi là Tổng giám đốc VNPT, ngành bưu điện thực hiện chiến dịch số hóa rất sớm, ngay sau Đại hội IV đã xin thôi không nhập thiết bị công nghệ analog của các nước xã hội chủ nghĩa nữa, mà đi thẳng vào công nghệ số của tư bản. Lúc đó ngành bưu điện cũng mang tiếng là thích làm với tư bản, bỏ rơi anh em xã hội chủ nghĩa, có thể nói đó là quyết định khá dũng cảm.

TS Mai Liêm Trực nhìn lại chuyện đổi mới, xóa độc quyền ngành viễn thông: Điều đó tốt cho VNPT, nhưng quan trọng là tốt cho đất nước! - Ảnh 11.

Không lâu sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát VNPT 6 tháng, sau một bài báo về việc VNPT thu 956 tỷ đồng cước chuyển mạng và lắp đặt điện thoại.

Thường trực Chính phủ đã tổ chức phiên họp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, yêu cầu báo cáo về vấn đề này.

Tại cuộc họp, tôi trình bày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Thưa Thủ tướng, Nhà nước không đầu tư cho bưu điện. Đất nước còn nghèo. Trong khi ở Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm, hàng nghìn đơn yêu cầu lắp đặt điện thoại, vì đất nước thì đang đổi mới. Các doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra để có máy điện thoại. Chúng tôi cũng đã báo cáo các cấp chính quyền, xin ý kiến một số bộ ngành. Trước đây, doanh nghiệp phải chờ 2-3 tiếng mới quay được số điện thoại, giờ đưa vào tổng đài điện tử, quay được ngay, nên họ sẵn sàng trả, vì vậy chúng tôi thu.

Thưa Thủ tướng, nếu có một đồng nào thất thoát, một đồng nào bỏ túi, xin Thủ tướng cách chức Tổng giám đốc. Còn nếu số tiền đó chỉ để đưa vào phục vụ sản xuất kinh doanh có hiệu quả nhưng có thể có sai phạm về thủ tục, thì xin Thủ tướng tha cho".

Câu chuyện đó để nói rằng, nhờ anh em bên dưới họ làm tốt. Tôi nói mạnh được là vì tin anh em, chứ kiểm soát sao được tất cả các tỉnh thành, làm sao biết chắc họ không bỏ túi hay không thất thoát. Nhưng mình có lòng tin ở họ. Họ cũng thương mình nên làm tốt, tôi mới dám nói mạnh.

Tôi phải cảm ơn đội ngũ, từng người công nhân một, cho đến những cộng sự. Tôi đương nhiên cũng phải cảm ơn những thế hệ đàn anh đi trước, đặc biệt là người tiền nhiệm của tôi - cố Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân, đã để lại truyền thống và di sản quý báu cho thế hệ tiếp theo.

Tôi biết mình không sai những việc lớn, chính là nhờ những anh em cộng sự của mình.

TS Mai Liêm Trực nhìn lại chuyện đổi mới, xóa độc quyền ngành viễn thông: Điều đó tốt cho VNPT, nhưng quan trọng là tốt cho đất nước! - Ảnh 12.

Sự phát triển của ngành viễn thông - công nghệ đến nay, còn điều gì khiến ông băn khoăn hay không?

Trong ngành viễn thông, tôi vẫn còn nỗi băn khoăn là hơn 95% thị phần vẫn nằm trong tay doanh nghiệp nhà nước. Vậy là chưa tốt.

Cạnh tranh trong viễn thông là thành công, kể cả với nước ngoài, ta vẫn làm chủ, khi doanh nghiệp trong nước đã mạnh, nhưng vẫn phải cổ phần hóa.

Cổ phần hóa chậm, không có thành phần tư nhân tham gia khoảng 30-40% thị phần, là cạnh tranh chưa hoàn chỉnh.

TS Mai Liêm Trực nhìn lại chuyện đổi mới, xóa độc quyền ngành viễn thông: Điều đó tốt cho VNPT, nhưng quan trọng là tốt cho đất nước! - Ảnh 13.

Với ngành viễn thông, sau khi phá thế độc quyền, viễn thông Việt Nam phát triển rất nhanh chóng, thậm chí còn đi ra chinh phục nhiều thị trường quốc tế, nhưng nhìn rộng ra, một số ngành của Việt Nam vẫn có thị trường thực sự cạnh tranh. Phải chăng mỗi ngành có một đặc thù riêng?

Tất nhiên, mỗi ngành có đặc thù riêng, nhưng có đặc thù riêng thì phải có lộ trình riêng, mục tiêu rõ ràng. Không thể vin vào đặc thù để cản trở quá trình mở cửa cạnh tranh.

Sau bưu chính viễn thông mở cửa thị trường, ngân hàng, hàng không cũng mở cửa. Tại sao những ngành khác vẫn giữ độc quyền?

Bài học về mở cửa thị trường với tôi, là vai trò của các doanh nghiệp không phải chỉ là tạo doanh thu, nộp ngân sách. Cái quan trọng, là góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Có Internet, có viễn thông, có di động là có lợi cho người dân.

Ví dụ ông xe ôm, có di động, trả cước 50 ngàn một tháng, nhưng nhờ di động, ông có khách quen thì mỗi tháng tăng thêm cả triệu đồng, rõ ràng như thế là tốt cho xã hội, tốt cho GDP. Đâu phải đóng góp chỉ ở số nộp ngân sách của các doanh nghiệp mạng? Người dân làm, doanh nghiệp làm mới là quan trọng.

Chúng ta đôi khi đánh giá chưa hết tác động của thị trường cạnh tranh, của các doanh nghiệp tiên phong. Mỗi doanh nghiệp phải có một sứ mạng.

Thời kỳ đầu, quân của tôi hay hỏi, sao tôi và anh Trương Gia Bình tính khác hẳn nhau, mà tôi lại ủng hộ FPT làm Internet, làm viễn thông. Tôi nói: "Tính cách thì mỗi anh một tính. Mình là nhà nước, làm những cái nhà nước cho phép. Họ là tư nhân, làm những cái nhà nước không cấm".

Nhiều người cứ nói các doanh nghiệp tư nhân nổ. Như Nguyễn Tử Quảng của BKAV, hay bị mọi người chê bai là nổ. Nhưng có doanh nghiệp nào chiếm được trên 60% thị phần diệt virus như họ chưa? Họ nổ thì để họ nổ, càng nổ tôi càng vỗ tay.

Doanh nghiệp tư nhân "nổ" là có khát vọng, có cam kết với xã hội. Họ mở công ty, tạo việc làm cho hàng ngàn công nhân, có sản phẩm tốt, nộp thuế cho Nhà nước, phải vỗ tay cổ vũ họ chứ!

Cảm ơn chia sẻ của ông!

Thái Trang - Hoàng Ly
Việt Hùng - tư liệu
Hải An

Kỳ 2: Bí mật của TS Mai Liêm Trực trên bàn đàm phán quốc tế và chuyện gỡ nút thắt viễn thông ở Hiệp định Thương mại Việt Mỹ

Thái Trang - Hoàng Ly

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên