Từ trận đấu của võ sư Đoàn Bảo Châu và cao thủ Vịnh Xuân Flores, Chủ tịch FPT Software bình luận gì về "thực chiến" trong kinh doanh?
“Đánh nhau có bốn điều, giống hệt kinh doanh, chữ nào liên quan đến đánh nhau, thay bằng chữ kinh doanh là giống hệt”, ông Hoàng Nam Tiến nhận xét trên trang cá nhân sau trận đấu gây ồn ào cộng đồng mạng giữa 2 võ sư nổi tiếng.
- 12-07-2017Kinh doanh trên facebook phải nộp những khoản thuế gì?
- 12-07-2017Đây là sáng kiến mới nhất của Chính phủ, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí kinh doanh
- 11-07-2017Kinh doanh rạp chiếu phim tại Việt Nam: Khó hay dễ?
Đánh nhau, theo ông Tiến phải đảm bảo được bốn điểm: mạnh, nhanh, khéo và thực chiến.
Yếu tố đầu tiên là mạnh. Trong thể thao, các võ sư được chia ra làm các hạng cân khác nhau. Tuy nhiên, trong thực tiễn, cuộc đời lại không phân hạng cho ai cả. “Nhỏ bé, gầy yếu bị bắt nạt là thường”, ông Tiến nói, do đó câu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” luôn đúng.
Ông nhận xét võ được sinh ra nhằm giúp rèn luyện sức khoẻ, đồng thời tạo cơ hội cho những người yếu hơn có cơ hội tấn công và chiến thắng những kẻ khở hơn. Dù vậy, nó cũng chỉ đúng trong trường hợp kẻ khoẻ hơn này “không rèn luyện võ”.
Do đó, ông nhấn mạnh yếu tố “nhanh” và “khéo”.
“To nhỏ không quan trọng, vấn đề phải thật nhanh”, ông nói. Nghĩa là khi đánh nhau, hai bên hơn thua ở tốc độ ra đòn với những cú hiểm vào vị trí trọng yếu. Điều này có thể thấy rất rõ trong những trận quyền anh: tốc độ ra đòn nhanh, liên tục khiến đối phương không thể thở.
“Hội startup hiểu điều này nhất”, Chủ tịch FPT Software nhận xét.
Còn “khéo”, nếu như trong đánh nhau là những thế võ hiểm, chân truyền, thì trong kinh doanh đó chính là bí quyết công nghệ, bí quyết kinh doanh. Đây là những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Cuối cùng là thực chiến. Ông Hoàng Nam Tiến nhận xét trong các môn võ, quyền anh khi ra bên ngoài đánh nhau lành nghề nhất vì một lý do đơn giản: suốt ngày chịu đòn, ăn đòn, do đó đánh nhau cũng tự nhiên hơn. Bên cạnh đó, trong khi các môn võ khác vì những lý do như sợ đòn hiểm gây chết người hoặc để lại hậu quả nghiêm trọng cho nên khi đánh luôn có điểm dừng, mang tính chất giao lưu, còn quyền anh thì không.
Trong kinh doanh cũng như vậy, “phải mất tiền mới nên người”, ông Tiến nhận xét. Lấy ví dụ là lính đặc công, ông nói rằng họ có thể không phải là người giỏi võ nhất, có khi trình độ cũng chỉ vừa vừa nhưng họ được huấn luyện không phải để giao lưu, không để đánh nhau mà để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến sinh tử. Cho nên những đòn đánh của đặc công tung ra sẽ luôn hóc, hiểm có tính chất "chốt hạ" chứ không có khái niệm quân tử hay thi đấu đứng đắn và cũng không có thi đấu giao lưu.
“Kinh doanh mà thấy đối phương nói win – win thì phải thật cảnh giác. Lòng tham con người là vô đáy, phải thật khoẻ, phải khiến đối phương dè chừng nuốt không được thì mới được”, ông Tiến nói.
“Còn kinh nghiệm nữa là không mạnh thì đông cũng được”, ông Hoàng Nam Tiến hài hước chia sẻ thêm.