Tuổi tác chỉ là con số, đây mới là “thước đo” phản ánh sự lão hóa của cơ thể và 3 cách giảm nếp nhăn hiệu quả
Bạn có bao giờ thấy dù tuổi thật của mình vẫn còn trẻ nhưng thể trạng cứ như 40 tuổi, còn người khác thì ngược lại? Đó chính là do tuổi sinh học.
- 01-09-2023Những người trẻ khỏe "bất chấp" tuổi tác thường có 5 điểm chung, việc nào cũng dễ làm theo
- 26-07-2023Vợ chồng chênh lệch tuổi tác càng gần con số này thì IQ của con cái càng cao
- 16-06-202338 tuổi bị sa thải, 57 tuổi bắt đầu kinh doanh, người đàn ông bùng nổ danh tiếng, giật nhiều giải thưởng: Tuổi tác không quan trọng, vấn đề nằm ở 2 chữ
Bạn có bao giờ cảm thấy mình đang già nhanh hơn tuổi thật, mới U30 mà sức khỏe giống như U50. Hay ngược lại, dù đã lớn tuổi nhưng thể trạng và tinh thần cứ luôn phơi phới như vừa đôi mươi, có phải cơ thể đã đẩy lùi lão hóa? Thực sự vấn đề nằm ở việc trao đổi chất, hay còn gọi là tuổi sinh học của cơ thể.
Tuổi sinh học là gì, tại sao cần phải biết?
Tuổi sinh học là một thuật ngữ sử dụng để mô tả sự ảnh hưởng của quá trình lão hóa tới cơ thể con người. Nó không phải là một độ tuổi chính xác mà là một đánh giá về tình trạng sức kháng và sức khỏe của một người dựa trên nhiều yếu tố như dinh dưỡng, hoạt động thể chất, mức độ căng thẳng, tiền sử bệnh tật…
Tuổi sinh học ảnh hưởng bởi tỷ lệ trao đổi chất. Hiểu đơn giản, nó bao gồm lượng calo bạn đốt cháy trong khi bạn không làm gì. Ngay cả lúc đó, cơ thể bạn vẫn đang đốt cháy calo cho những việc như thở, tiêu hóa và lưu thông máu. Những việc này tuy thế mà lại chiếm khoảng 60 - 75% lượng calo bạn đốt cháy mỗi ngày.
Chính tốc độ trao đổi chất này tạo nên tuổi sinh học của bạn. Tuổi sinh học sẽ so sánh tuổi trao đổi chất này so với tuổi thật của bạn. Nó có thể phản ánh phần nào tình trạng sức khỏe hiện tại.
Theo Natasha Trentacosta - chuyên gia y học thể thao và bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Viện Cedars-Sinai Kerlan-Jobe ở Los Angeles (Mỹ), nếu tuổi sinh học của bạn thấp hơn tuổi thật thì đó là một tín hiệu tốt. Nhưng nếu cao hơn, bạn cần xem lại thói quen ăn uống và sinh hoạt của bản thân, bởi tốc độ lão hóa của bạn đang nhanh hơn bình thường.
Những cách cải thiện tuổi sinh học, trì hoãn lão hóa
Theo Steve Horvath – cựu giáo sư di truyền học tại Đại học California tại Los Angeles (Mỹ), những thói quen hàng ngày chính là tác nhân chính ảnh hưởng đến quá trình lão hóa nhanh hay chậm. Lấy ví dụ, nếu bạn thường xuyên ăn uống thất thường, hay bị stress và lười vận động… thì chắc chắn tuổi sinh học sẽ lớn hơn tuổi thật.
Giáo sư cũng cho biết, cách tính tuổi sinh học khá khó khăn vì phải sử dụng những thiết bị có giá hàng trăm đô la, chưa kể còn phải lấy DNA từ nước bọt, tế bào… nên rất phức tạp. Để cải thiện và làm chậm tuổi sinh học, chúng ta cần tăng cường sức khỏe cũng như có những thói quen tốt, cụ thể như sau:
- Ăn rau củ quả nhiều hơn
Các chuyên gia chia sẻ, rau củ quả chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, bao gồm các loại vitamin như vitamin C, vitamin A, vitamin K… và các khoáng chất như kali, magie... Những dưỡng chất này giúp duy trì sự hoạt động của hệ thống miễn dịch, cải thiện thị lực và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
Bên cạnh đó, rau củ quả là nguồn cung cấp chất xơ cực tốt giúp cải thiện sức khỏe tiêu hóa. Chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón, duy trì cân nặng ổn định và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Rau củ quả thường có ít calo và nhiều chất xơ, biến chúng trở thành lựa chọn tốt cho những người đang cố gắng giảm cân.
Rau củ quả cung cấp các dưỡng chất tăng cường sức kháng của cơ thể, giúp đối phó với bệnh tật và các tác nhân gây bệnh từ môi trường. Nếu chăm chỉ ăn thường xuyên sẽ duy trì làn da sáng mịn và khỏe mạnh, đẩy lùi lão hóa, giảm thiểu nếp nhăn rất hiệu quả.
- Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục là một phần quan trọng của lối sống lành mạnh và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo đó, việc thường xuyên vận động có thể cải thiện sự linh hoạt của cơ thể và khả năng vận động. Từ đó giúp tăng cường cơ bắp và cải thiện thể trạng, nâng cao hệ miễn dịch để phòng ngừa bệnh tật.
Bên cạnh những lợi ích về thể chất, tập thể dục còn tác động tích cực đến tinh thần. Nó được coi là một cách hiệu quả để giảm căng thẳng và loại bỏ stress hàng ngày. Khi tập thể dục, cơ thể thải độc tố ra ngoài qua mồ hôi và kích thích cơ thể giải phóng các chất cải thiện tâm trạng, giảm trạng thái lo âu.
Đặc biệt hơn, tập thể dục thường xuyên là cách giúp giảm cân cực kỳ hiệu quả. Thêm vào đó, nó còn giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường và bệnh về huyết áp…
- Không hút thuốc
Cá nhân giáo sư Steve Horvath cho biết, không hút thuốc chính là một trong những cách hữu hiệu nhất để giảm lão hóa, kể cả hút thuốc thụ động. Từ năm 40 tuổi, nhận ra tác hại của thuốc lá nguy hiểm thế nào, ông đã chủ động cai thuốc và cải thiện sức khỏe lên thấy rõ.
Theo các chuyên gia, gút thuốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu của nhiều loại bệnh lý nguy hiểm, bao gồm bệnh ung thư phổi, bệnh động mạch vành, bệnh phổi mạn tính (như mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - COPD), bệnh tim mạch và bệnh phổi tắc nghẽn.
Nguy hiểm hơn, hút thuốc làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cho người hút thuốc dễ bị nhiễm bệnh và khó khăn trong việc đối phó với các tác nhân gây bệnh. Chưa kể nicotine trong thuốc lá có thể tăng áp lực máu, làm tắc nghẽn động mạch vành và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ngoài ra, hút thuốc có thể làm giảm tốc độ tái tạo tế bào, làm cho quá trình làm mới da chậm lại. Điều này dẫn đến việc da tổn thương không được sửa chữa nhanh chóng, làm tăng sự xuất hiện của nám và vết thâm. Các chất hóa học trong thuốc lá cũng gây ra tổn hại cho collagen và elastin, những protein quan trọng giữ cho làn da mịn màng và đàn hồi.
Theo Insider, Healthline
Tổ Quốc