Ứng dụng dữ liệu lớn vào hoạt động kiểm toán là mục tiêu xuyên suốt của INTOSAI WGBD
Ứng dụng dữ liệu lớn vào hoạt động kiểm toán đã trở thành mục tiêu xuyên suốt của Nhóm công tác về Dữ liệu lớn của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI WGBD). Trong bối cảnh công nghệ thông tin (CNTT) “bùng nổ” như hiện nay, thì quản trị dữ liệu được coi là công cụ mới hiệu quả, mở ra những hướng đi mới cho việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kiểm toán của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI).
- 10-09-2024Hội nghị lần thứ 8 của INTOSAI WGBD bàn thảo về dữ liệu lớn trong nâng cao chất lượng kiểm toán
- 10-09-2024Kiểm toán nhà nước phát động quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi bão lũ
- 10-09-2024Khai mạc Hội nghị INTOSAI WGBD lần thứ 8 do Kiểm toán nhà nước Việt Nam đăng cai
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh thông tin này khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Kiểm toán.
Thưa Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, xin ông chia sẻ về những dấu ấn thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam từ khi tham gia Nhóm công tác INTOSAI WGBD cho đến nay?
Nhóm công tác INTOSAI WGBD đã được thành lập tại Đại hội Các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế (INCOSAI) lần thứ 22 vào tháng 12/2016, với nhiệm vụ là xác định các cơ hội và thách thức mà các SAI đang phải đối mặt trong kỷ nguyên dữ liệu lớn; tổng kết, chia sẻ kiến thức, chiến lược, kinh nghiệm và thông lệ tốt liên quan đến kiểm toán dữ liệu lớn giúp SAI nâng cao các kỹ năng; tăng cường hợp tác song phương, đa phương và trong cộng đồng INTOSAI đối với lĩnh vực kiểm toán dữ liệu lớn.
Hằng năm, Nhóm công tác tổ chức hội nghị thường niên. Đây là sự kiện quan trọng để các SAI thành viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến công tác kiểm toán dữ liệu lớn, đồng thời cũng là dịp để Ban Thư ký INTOSAI WGBD báo cáo các hoạt động của Nhóm và lựa chọn SAI đăng cai cuộc họp tiếp theo…
Kể từ khi tham gia Nhóm công tác vào năm 2020 với vai trò quan sát viên, KTNN Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động của Nhóm công tác, nổi bật như: Tham gia cuộc họp trực tuyến lần thứ 4 (năm 2020) về Đổi mới và ứng dụng công nghệ phân tích kiểm toán dữ liệu lớn; cuộc họp trực tuyến lần thứ 5 (năm 2021) về Vai trò của dữ liệu lớn trong kiểm toán các ngân hàng nhà nước và các tổ chức tài chính và cuộc họp trực tuyến lần thứ 6 (năm 2022) về Các cơ chế hoạt động của kiểm toán dữ liệu lớn.
Đặc biệt, tháng 9/2023, tại Thủ đô Cairo của Ai Cập, Hội nghị lần thứ 7 của INTOSAI WGBD với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu lớn trong hoạt động kiểm toán” và sự tham gia của 26 SAI; trong đó, KTNN Việt Nam đã tham gia các phiên họp kỹ thuật mang giá trị chuyên môn cao, giàu tính thực tiễn cũng như tham khảo báo cáo hoạt động của Nhóm công tác với nhiều kinh nghiệm sâu sắc từ các SAI thành viên.
Tại Hội nghị lần thứ 7, Đoàn KTNN Việt Nam đã trình bày tham luận và được các SAI đánh giá cao. Với sự chủ động và tích cực của đoàn Việt Nam tại Hội nghị, các nước thành viên tham dự Hội nghị đã biểu quyết nhất trí 100% ủng hộ Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị lần thứ 8 và ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Nhóm công tác INTOSAI WGBD, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch.
Năm 2024 là một cột mốc quan trọng, kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN Việt Nam. Vì vậy, việc KTNN Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nhóm công tác Dữ liệu lớn của INTOSAI lần thứ 8 với chủ đề “Quản trị dữ liệu - công cụ hiệu quả mới trong kiểm toán - từ góc độ chất lượng dữ liệu” từ ngày 10-12/9/2024 tại tỉnh Ninh Bình càng tăng thêm ý nghĩa, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của KTNN Việt Nam ở trong nước và trên trường quốc tế.
Vậy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước có thể đánh giá cụ thể hơn về quy mô của Hội nghị lần thứ 8 của Nhóm công tác INTOSAI WGBD khi lần đầu tiên KTNN Việt Nam đăng cai tổ chức?
Trước hết, phải thấy rằng, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo KTNN Việt Nam, công tác tổ chức Hội nghị lần thứ 8 của INTOSAI WGBD đã được chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng. Đặc biệt, KTNN Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, kịp thời của KTNN Trung Quốc - Trưởng Nhóm công tác INTOSAI WGBD và các SAI thành viên của Nhóm công tác.
Tham dự Hội nghị lần này có khoảng 60 đại biểu đến từ 24 SAI thành viên, quan sát viên của INTOSAI WGBD và các tổ chức quốc tế. Trong khuôn khổ Hội nghị, ngoài 3 báo cáo quan trọng của Nhóm công tác, 22 SAI thành viên, quan sát viên và 4 chuyên gia bên ngoài là đại diện của các Bộ, ngành, khối ngân hàng, tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam có bài tham luận.
Như vậy, Hội nghị lần này là sự kiện có số lượng diễn giả lớn nhất trong số các cuộc họp của INTOSAI WGBD từ trước đến nay. Điều này thể hiện Nhóm công tác INTOSAI WGBD ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng kiểm toán quốc tế nhờ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ứng dụng dữ liệu lớn trong lĩnh vực kiểm toán; đồng thời cũng cho thấy sự chuẩn bị chu đáo, tích cực của đoàn chủ nhà KTNN Việt Nam.
Bên cạnh sự tham gia của đông đảo thành viên INTOSAI WGBD, Hội nghị lần thứ 8 còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Quốc hội, Tổng KTNN Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và một số tỉnh lân cận, các Đại sứ quán… Hội nghị lần này không chỉ là diễn đàn chia sẻ kiến thức về áp dụng dữ liệu lớn trong kiểm toán, mà còn là cầu nối phát triển mối quan hệ hợp tác giữa KTNN Việt Nam với các thành viên của INTOSAI WGBD nói riêng, giữa Việt Nam với nhiều nước trên khắp các châu lục nói chung một cách bền chặt, hướng tới lợi ích chung trong tương lai.
Với việc tổ chức thành công Hội nghị của INTOSAI WGBD lần thứ 8, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước kỳ vọng như thế nào về sự đóng góp của Nhóm công tác trong việc thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng dữ liệu lớn vào hoạt động kiểm toán của INTOSAI?
Có thể thấy, sự bùng nổ của CNTT với những đột phá về công nghệ số như: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (cloud computing), Block chain... đã và đang có tác động lớn đến các quốc gia trên phạm vi toàn cầu.
Những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học và sự đột phá của công nghệ số đòi hỏi mỗi nước cũng như hệ thống quản lý của các ngành, lĩnh vực phải thay đổi mạnh mẽ cơ cấu, mô hình kinh tế - xã hội, đó là: Yêu cầu đổi mới công nghệ; đẩy mạnh khoa học phân tích và quản lý, xử lý dữ liệu lớn để tạo ra tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra các quyết định hay yêu cầu cao hơn về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng…
Đặc biệt đối với các cơ quan kiểm toán, do môi trường và tính chất hoạt động rộng, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức ở mọi ngành nghề, lĩnh vực với mức độ phát triển CNTT cao; những yêu cầu cụ thể đối với công tác quản trị dữ liệu trong suốt chu trình kiểm toán từ việc lập kế hoạch, thực hiện đến lập báo cáo kiểm toán càng cần thiết và cấp bách.
Như chúng ta đã biết, việc quản trị dữ liệu tập trung hướng đến nguồn dữ liệu chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các quyết định có căn cứ, thực hiện phân tích chính xác và phát triển các chiến lược hiệu quả. Chất lượng dữ liệu phản ánh mức độ chính xác, nhất quán, đầy đủ, đáng tin cậy của dữ liệu được thu thập và sử dụng trong một tổ chức hoặc trong ngữ cảnh cụ thể. Do đó, quản trị chất lượng dữ liệu cần đóng vai trò trọng tâm phát triển đối với bất kỳ cơ quan kiểm toán nào; nhất là trong bối cảnh bùng nổ dữ liệu dưới tác động của cuộc cách mạng CNTT như hiện nay.
Do đó, tại Hội nghị lần thứ 8, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ về những cơ hội, thách thức, cũng như những bài học kinh nghiệm quý để các SAI có thêm thông tin, nguồn tư liệu, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm thực tiễn về vai trò của các SAI trong thúc đẩy kiểm toán dữ liệu lớn. Hội nghị góp phần khẳng định ứng dụng dữ liệu lớn vào hoạt động kiểm toán đã trở thành mục tiêu xuyên suốt của Nhóm Công tác INTOSAI WGBD. Trong bối cảnh CNTT “bùng nổ” như hiện nay, thì quản trị dữ liệu được coi là công cụ mới hiệu quả, mở ra những hướng đi mới cho việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kiểm toán của các SAI.
Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu đã tham gia nhiều phiên thảo luận sôi nổi và đầy ý nghĩa, bao trùm toàn bộ những vấn đề xoay quanh công tác quản trị dữ liệu của các SAI. Sự đa dạng và phong phú của các vấn đề đặt ra, cùng những ý kiến đóng góp quý báu từ các đại biểu đã giúp Hội nghị đạt được nhiều kết quả tích cực.
Có thể khẳng định, Hội nghị được tổ chức thành công đã tạo nên một môi trường hợp tác quốc tế mạnh mẽ với những ý tưởng và sáng kiến được chia sẻ và phát triển, tạo nguồn động lực để các SAI cùng hướng tới những mục tiêu cao hơn trong việc nâng cao năng lực kiểm toán và quản trị nhà nước.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán nhà nước!./.
Báo kiểm toán