MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Uống cà phê sai cách có thể gây ngộ độc: Chuyên gia dinh dưỡng chỉ loạt dấu hiệu cần chú ý

15-03-2024 - 11:48 AM | Sống

Cà phê là thức uống phổ biến được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, uống cà phê không đúng cách vẫn có thể gây ngộ độc.

Mặc dù cà phê là loại thức uống an toàn nhưng nếu uống quá nhiều, cà phê vẫn có thể gây ra một số ảnh hưởng không mong muốn tới cơ thể.

Tiêu thụ lượng caffeine vượt quá lượng được khuyến nghị có thể khiến tim đập nhanh và đem lại cảm giác bồn chồn. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, việc tiêu thụ quá nhiều caffeine trong cà phê thậm chí còn có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc caffeine.

Ngộ độc caffeine là gì?

Ngộ độc caffeine xảy ra khi một cá nhân tiêu thụ lượng lớn caffeine. Thông thường, tùy theo độ tuổi, cân nặng, tình trạng sức khỏe mà mỗi người sẽ có khả năng dung nạp 1 lượng caffeine khác nhau.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), một người trưởng thành tiêu thụ từ 400mg caffeine/ngày trở lên (tương đương 4-5 tách cà phê) được coi là nạp quá nhiều caffeine.

Chuyên gia dinh dưỡng Erin Palinski-Wade làm việc tại New Jersey, Mỹ cho biết nếu một người tiêu thụ 1.200mg caffeine, tương đương khoảng 12 tách cà phê thì có thể gây ra tình trạng ngộ độc caffeine.

Mặc dù hiếm xảy ra nhưng ngộ độc caffeine có thể gây tử vong ở người.

Ngộ độc caffeine có thể gây ra một số triệu chứng trên cơ thể và việc nhận biết các dấu hiệu này là vô cùng quan trọng.

Uống cà phê sai cách có thể gây ngộ độc: Chuyên gia dinh dưỡng chỉ loạt dấu hiệu cần chú ý- Ảnh 1.

Uống quá nhiều cà phê có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Triệu chứng ngộ độc caffeine

Bác sĩ Nima Majlesi, làm việc tại Bệnh viện trực thuộc Đại học Staten Island, Mỹ cho biết caffeine có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương. Sử dụng quá nhiều caffeine có thể gây gián đoạn hoặc rối loạn nhịp tim và có thể dẫn đến tình trạng ngừng tim.

Ngoài ra, chuyên gia dinh dưỡng Palinski-Wade cho biết những người nạp quá nhiều caffeine có thể gặp các vấn đề về đường tiêu hóa như nôn mửa và tiêu chảy.

Bác sĩ Majlesi cho biết cà phê có tác dụng lợi tiểu nhưng uống quá nhiều caffeine có thể gây ra tình trạng tiểu nhiều. Tình trạng này có thể khiến cơ thể đào thải các khoáng chất thiết yếu như kali. Nồng độ kali thấp, hay hạ kali máu, có thể gây tổn thương cơ, gây khó thở.

Ngộ độc caffeine có thể gây ra các triệu chứng thần kinh như lo lắng, ảo giác, đau nửa đầu, phù não và co giật.

Ngoài ra, trang Verywell Health, Mỹ liệt kê một số dấu hiệu mà mọi người có thể gặp phải khi nạp quá nhiều caffeine. Cụ thể như sau:

- Lo lắng, bồn chồn.

- Khó thở.

- Đau ngực.

- Co giật.

- Tiêu chảy.

- Tim đập nhanh.

- Khát nước/đi tiểu nhiều.

- Cáu gắt.

- Chóng mặt.

- Buồn nôn hoặc nôn mửa.

- Cảm giác ngứa ngáy như kim châm.

- Đổ mồ hôi nhiều.

- Tiêu cơ vân.

- Ngừng tim đột ngột.

Chuyên gia Majlesi nói: “Nếu bạn cảm thấy bồn chồn nhiều hơn và nghi ngờ bị ngộ độc caffeine, hãy đến đến bệnh viện để thăm khám ngay lập tức”.

Uống cà phê sai cách có thể gây ngộ độc: Chuyên gia dinh dưỡng chỉ loạt dấu hiệu cần chú ý- Ảnh 2.

Ngộ độc caffeine có thể gây ra các triệu chứng thần kinh như lo lắng, ảo giác, đau nửa đầu, phù não và co giật. (Ảnh minh họa)

Cách phòng tránh ngộ độc caffeine

Cả 2 vị chuyên gia đều khuyến cáo mọi người nên tiêu thụ lượng caffeine vừa phải mỗi ngày. Ngoài cà phê (nguồn cung cấp caffeine phổ biến), mọi người cũng cần cân nhắc sử dụng các loại trà, cacao với lượng vừa phải để tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Chuyên gia Majlesi cũng cảnh báo thêm rằng mọi người không nên lạm dụng nước tăng lực vì đây cũng là loại nước chứa hàm lượng caffeine cao.

Khi sử dụng đồ uống có chứa caffeine, chuyên gia Palinski-Wade khuyên mọi người nên tăng cường bổ sung nước trong suốt cả ngày và tránh sử dụng đồ uống chứa caffeine khi đói. Chuyên gia khuyến cáo trước khi sử dụng đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà, mọi người nên ăn một bữa ăn giàu protein và chất xơ để làm chậm quá trình hấp thụ caffeine.

Theo Mộc Miên

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên