MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn mất tiền tỉ vì bị lừa qua điện thoại

22-09-2020 - 10:39 AM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo nhưng không ít người vẫn cả tin, bị lừa hàng tỉ đồng sau những cú điện thoại mạo danh cán bộ công an, tòa án...

Thời gian qua, ở nhiều địa phương, cơ quan công an liên tục phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua điện thoại, mạng xã hội; nhiều nạn nhân bị mất hàng tỉ đồng.

Sập bẫy vì hoảng sợ

Công an quận Thanh Xuân, TP Hà Nội ngày 21-9 cho biết đang khẩn trương điều tra vụ một phụ nữ bị lừa đảo qua điện thoại với số tiền 7 tỉ đồng. Nạn nhân là bà H., ngụ quận Thanh Xuân.

Tháng 4 vừa qua, bà H. nhận được nhiều cuộc gọi từ số thuê bao lạ. Những người này tự giới thiệu là nhân viên bưu chính tại TP HCM, thông báo việc bà H. sử dụng một tài khoản tại một ngân hàng, đang nợ 36 triệu đồng và yêu cầu bà sau 2 giờ phải có mặt để giải quyết. Bà H. trả lời không có tài khoản ngân hàng và khoản nợ trên thì cuộc gọi được chuyển đến 2 người đàn ông, tự xưng là cán bộ điều tra tội phạm của Công an TP HCM, được giao nhiệm vụ điều tra tội phạm ma túy và rửa tiền tại các ngân hàng.

Những người này thông báo tài khoản ngân hàng của bà H. có liên quan đến đường dây tội phạm, đã nhận nhiều tiền hối lộ từ các đối tượng phạm tội, đe dọa và yêu cầu bà H. cung cấp thông tin cá nhân, số tiền hiện có "để phục vụ điều tra và trả lại sau". Vì quá hoảng sợ và tin là thật, bà H. làm theo hướng dẫn của các đối tượng, đến phòng giao dịch ngân hàng mở một tài khoản mới, làm thủ tục rút toàn bộ số tiền tiết kiệm, chuyển sang tài khoản vừa mở rồi cung cấp cho bọn chúng thông tin về tài khoản, tên đăng nhập, mật khẩu... Hậu quả sau đó, 7 tỉ đồng của bà H. bị kẻ gian lấy sạch.

Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) cũng đang điều tra một vụ việc tương tự, bị hại là bà N.T.H.L, ngụ quận Hoàn Kiếm. Lần này, bà L. nhận được cuộc điện thoại từ một người tự xưng là nhân viên một cơ quan tư pháp, thông báo đang điều tra về vụ án lớn, liên quan nhiều người, trong đó có bà. Bà L. cũng làm theo hướng dẫn, lập tài khoản ngân hàng mới, chuyển toàn bộ số tiền tiết kiệm sang tài khoản mới, giao thông tin về tài khoản cho các đối tượng và kết cục 13 tỉ đồng "không cánh mà bay".

Thời gian qua, ở nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ việc lừa đảo như vậy do bọn tội phạm công nghệ cao thực hiện. Đáng tiếc là dù cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo, hàng loạt vụ án lừa đảo bị triệt phá nhưng vẫn có nhiều người bị lừa.

Vẫn mất tiền tỉ vì bị lừa qua điện thoại - Ảnh 1.

Một nạn nhân may mắn được Công an TP Hà Nội kịp thời can thiệp, thoát khỏi một vụ lừa đảo qua điện thoại (Ảnh do Công an TP Hà Nội cung cấp)

Phải đề cao cảnh giác

Từ các vụ án đã và đang điều tra, đại diện Công an TP Hà Nội cho biết thủ đoạn của các đối tượng thường là giả danh nhân viên bưu điện, thông báo đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận..., từ đó thực hiện các hành vi lừa đảo. Bọn chúng còn giả danh cán bộ cơ quan thẩm quyền, nói đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia, dọa dẫm nạn nhân đã có lệnh bắt của cơ quan công an, VKS, tòa án..., từ đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như 2 vụ việc nói trên. "Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất" - đại diện Công an TP Hà Nội khuyến cáo.

Phòng Tham mưu Công an TP HCM cũng cảnh báo người dân đề cao cảnh giác trước loại tội phạm này. Theo đó, người dân tuyệt đối không giao dịch qua điện thoại khi có cuộc gọi mạo danh cán bộ cơ quan tư pháp như nói trên; không làm theo hướng dẫn như bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại...; không cung cấp số số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai. Đặc biệt, không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào; trường hợp đã chuyển phải báo ngân hàng phong tỏa ngay số tiền đã chuyển, báo cho người nhà biết và thông báo cho cơ quan công an gần nhất để xử lý.

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự VKSND TP HCM - cho rằng cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trong nhân dân để người dân nâng cao cảnh giác hơn nữa các vụ việc lừa đảo tương tự có thể xảy ra. Theo bà Nhuệ, thủ đoạn của loại tội phạm này rất đa dạng. Trong một số vụ việc, bọn chúng tìm cách thu thập số điện thoại, thông tin cá nhân của người dân bằng cách bày ra các trò chơi trúng thưởng chọn ra người may mắn để "trao giải 1 chỉ vàng" hoặc "một chiếc xe SH". Sau đó, yêu cầu người trúng thưởng cung cấp số điện thoại để liên hệ trao thưởng. Lúc đã có số điện thoại, có Facebook của người chơi, việc còn lại là thu thập nhiều thông tin sẽ rất dễ dàng.

"Khi có thông tin của các nạn nhân, đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng những dữ liệu này để thực hiện hành vi lừa đảo với các thủ đoạn mà nạn nhân không thể lường trước. Do đó, người dân cần cảnh giác trước khi đưa thông tin của mình lên mạng. Không nên tự ý cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bất kỳ ai. Các cơ quan chức năng muốn triệu tập ai, lấy lời khai của ai thì phải có giấy tờ, có chữ ký và mời đến cơ quan làm việc chứ không làm việc qua điện thoại" - bà Nhuệ lưu ý.

Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Hà Nội):

Bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân

Việc lừa đảo chuyển tiền qua điện thoại không mới nhưng với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của bọn tội phạm, thời gian qua vẫn có nhiều người bị lừa, chiếm đoạt với số tiền rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do nạn nhân hiểu biết pháp luật chưa đầy đủ và việc cập nhật diễn biến các loại tội phạm chưa được quan tâm.

Theo quy định pháp luật hiện hành, khi có yêu cầu làm việc, cơ quan công an sẽ phải gửi giấy mời và làm việc trực tiếp, không thể làm việc qua điện thoại. Trường hợp cần phong tỏa tài khoản, cơ quan chức năng sẽ trực tiếp đề nghị các ngân hàng thực hiện chứ không có quy định cho phép gọi điện yêu cầu người dân tự chuyển tiền. Đồng thời, hiện chưa có ứng dụng trên mạng nào bắt buộc nạn nhân phải khai báo thông tin về tài khoản ngân hàng.

Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm sử dụng công nghệ cao nếu không nắm vững được các thông tin về loại tội phạm này.

Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 21-9 có cảnh báo người dân, đề nghị nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Nếu có hiện tượng trên, trình báo ngay cho cơ quan công an hoặc thông báo qua số điện thoại: 0692348560 - Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an).

Theo Bạch Huy Thanh - Phạm Dũng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên