Ví điện tử không phép còn đòi trở thành "tiêu chuẩn thanh toán Châu Á"
Hiện nay, trong số 30 tổ chức không phải ngân hàng được cấp phép trung gian thanh toán tại Việt Nam có 27 tổ chức cung ứng có ví điện tử. Tuy nhiên, trong danh sách các ví điện tử này, không có cái tên nào là Payasian – một ví điện tử hiện đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
- 02-08-2019Dùng Ví điện tử MoMo: Cách tiết kiệm tiền và quản lý tài chính thông minh
- 01-08-2019Ứng dụng thanh toán MoMo: Ví điện tử “quốc dân” thân thiện nhất với người dùng
- 22-07-2019Cuộc đua không tiền mặt tại châu Á: Thẻ visa đang ‘thua’ ví điện tử
Hoạt động không phép
Thông tin xác nhận từ Ngân hàng Nhà nước và thông tin trên website chính thức của tổ chức này đều cho thấy, ví điện tử Payasian đang thu hút nhiều sự tò mò tại Việt Nam không có trong danh mục được cấp phép hoạt động.
Người ta tò mò vì ví điện tử Payasian đang cung cấp dịch vụ cho người dùng tại Việt Nam, liên quan tới tài chính, tiền nong nhưng lại chưa hề có giấy phép hoạt động trung gian thanh toán, cho nên cũng vừa không tránh khỏi lo ngại.
Để tìm hiểu về dịch vụ ví điện tử không phép này, chúng tôi đã thử đăng kí tài khoản để trải nghiệm dịch vụ. Người dùng không quá khó khăn để tải ứng dụng Payasian trên kho Google Play cũng như việc đăng kí và đăng nhập để trải nghiệm. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Payasian vẫn chưa cho thấy có phiên bản tiếng Việt.
Tất cả các danh mục dịch vụ và tính năng đều được sử dụng bằng tiếng Anh. Ứng dụng có các phân hệ như Home, Share, Shopping, Connect, Me, nhưng không có phân hệ nào có tính năng để vào lựa chọn chuyển đổi ngôn ngữ hiển thị sang tiếng Việt.
Các dịch vụ trên Payasian.
Theo một trang tin chuyên về tiền điện tử, ứng dụng Payasian gồm các tính năng: e-Wallet (ví điện tử thanh toán Châu Á) chấp nhận các đồng tiền khác nhau và cả tiền điện tử; Exchange (trung tâm chuyển đổi tiền tệ); Payment (thanh toán qua mobile và Internet); Social (mạng xã hội).
Không phép nhưng... rất tham vọng
Điểm “nổi bật” được Payasian “tự hào” quảng bá trên các phương tiện truyền thông chính ví điện tử thanh toán mobile đầu tiên trên thế giới “chấp nhận tất các loại tiền tệ quốc gia, không giới hạn địa lý, lĩnh vực, cộng đồng, hay môi trường thanh toán”.
Theo một chuyên gia lĩnh vực ví điện tử, nếu môi trường hoạt động không phép của Payasian mở rộng ở cả khu vực Asian thì tính năng trên sẽ vượt rào sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trên bình diện rộng.
Theo thông tin trên website tapchitienao.com, Payasian ra mắt tại Singapore vào ngày 26.1.2019 tại Singapore và bắt đầu xâm nhập vào thị trường châu Á trong đó có thị trường Việt Nam. Tại Việt Nam, tập đoàn Payasian ra mắt chính thức tại TP.HCM vào ngày 30.4.2019.
Tuy nhiên, trải nghiệm qua Payasian mới thấy ứng dụng này chưa hoàn thiện và còn rất "ngổn ngang".
Đơn cử tính năng mạng xã hội chưa thấy xuất hiện. Chúng tôi thử vào phân hệ Share thì chỉ thấy bản đồ hiện lên tuy nhiên lại có ghi chú là “for development purposes only” (chỉ đang phục vụ cho công tác phát triển ứng dụng chứ chưa dành cho người dùng sử dụng).
Hàng hóa niêm yết giá bằng đơn vị tiền tệ PAYA.
Ở phân hệ shopping, các hàng hóa, sản phẩm được rao bán niêm yết với mức giá tính theo đơn vị tiền tệ PAYA. Tìm hiểu kĩ hơn thì biết đó chính là tiền điện tử của Payasian (viết tắt PAYA). Ở phân hệ Me cho phép người dùng chọn lựa đơn vị tiền tệ để giao dịch, tuy nhiên khi chúng tôi tích chọn vào VND và được chấp nhận, thì các mặt hàng niêm yết vẫn cố định đơn vị tiền tệ là PAYA chứ không tự động chuyển đổi sang VND.
Việc giao dịch bằng tiền ảo hay còn gọi là đồng tiền kĩ thuật số, cũng chưa được luật pháp tại Việt Nam công nhận.
Trong ví Payasian có danh mục nhiều dịch vụ, đơn cử như dịch vụ mua vé máy bay (Airline Ticket). Tuy nhiên khi chạm vào icon dịch vụ này thì màn hình hiện lên thông báo “tính năng này sẽ được ra mắt trong năm 2019...”. Như vậy trên thực tế, ngay vào thời điểm này, rất nhiều tính năng, dịch vụ chưa hoàn thành để phục vụ người dùng vào thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, trong ví Payasian lại có tính năng Exchange (trung tâm chuyển đổi tiền tệ). Tính năng này đã vượt qua ranh giới của một ví điện tử thông thường như lâu nay, mà tích hợp cả dịch vụ chuyển đổi tiền tệ. Tại Việt Nam, dịch vụ này cũng buộc phải có sự cho phép của các cơ quan chức năng.
Lao động