MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí thư Đinh La Thăng: 50 năm trước Lý Quang Diệu mơ được như Sài Gòn, nên không ai cấm Sài Gòn khát vọng trở lại vị trí số 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho biết cách đây 30 năm, ông Lý Quang Diệu đã mơ về Sài Gòn khi chỉ đi lên từ một làng chài. Bởi vậy Sài Gòn khát vọng giành lại vị trí số 1 trên cơ sở cần một cơ chế để thành phố phát triển.

Trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị ban hành từ tháng 8/2012 đã nêu rõ các Bộ, ngành phải chủ động xây dựng cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề dễ khi mà việc xây dựng cơ chế đặc thù có thể mang lại lợi ích cho TP.HCM nhưng lại có những bất cập cho cả nước.

Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội sáng ngày 29/3, Bí Thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã chia sẻ về những dự định để đưa TPHCM giành lại vị trí số 1 của cả nước với cơ chế đặc thù.

Thưa ông, cơ chế đặc thù cho TPHCM thì khó cho cả nước thì TPHCM sẽ xây dựng cơ chế này như thế nào?

Phải làm sao để làm được cho TP.HCM nhưng cũng phải tốt cho cả nước. Suy nghĩ của tôi bây giờ chỉ là TP.HCM đã là số 1 rồi chứ không phải chỉ là mơ về số 1. Nhưng bao giờ thành phố mới trở lại vị trí này khi mà bị các thành phố khác vượt lên. Do vậy, từ căn cứ đó để xây dựng cơ chế, tức là để được là số 1 thì cần cơ chế gì?

Xây dựng cơ chế này không phải là cơ chế xin giữ lại bao nhiêu phần trăm ngân sách. Đi theo hướng đấy là thất bại. Xin cơ chế là làm thế nào ra được ngân sách nhiều hơn. Nửa triệu quân Mỹ nếu bình thường thì mình sao thắng được. Nhưng mình có động lực tinh thần, sức mạnh đoàn kết thì sẽ đạt kết quả. Không có gì là không thể!

Vậy Đảng bộ và Nhân dân Thành phố chia sẻ như thế nào về quan điểm này của ông?

Việc xây dựng TPHCM với cơ chế đặc thù là thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị chứ không phải là ý tưởng mới mẻ gì của Bí thư cả. Nghị quyết này có từ năm 2012 chứ tôi không phát minh ra gì cả.

Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng không đặt mục tiêu quay trở lại vị trí số 1 mà là rút ngắn khoảng cách đó thôi. Tất nhiên, mục tiêu thì phải khát vọng hơn. Như Quốc hội giao chỉ tiêu ngân sách cho Chính phủ, Chính phủ lại giao chỉ tiêu cho các địa phương. Kế hoạch là Chính phủ giao nhưng Hội đồng nhân dân bao giờ cũng phải đặt mục tiêu cao hơn. Tức là thành phố đặt mục tiêu cao hơn mục tiêu của Bộ Chính trị và không ai cấm chúng ta khát vọng trở lại vị trí số 1 cả.

Nhiều địa phương xin cơ chế đặc khu như Vân Đồn, Phú Quốc. Vậy TP.HCM sẽ có gì khác biệt?

Đương nhiên phải khác rồi. Vì ở vị trí địa lý khác nhau. Vai trò đối với đất nước khác nhau. Vai trò với khu vực khác nhau, chức năng nhiệm vụ khác nhau. Tuy nhiên, mục tiêu chung là làm sao phát triển nhanh hơn, phát huy lợi thế tốt hơn. Phú Quốc có lợi thế của Phú Quốc, Vân Đồn có lợi thế của Vân Đồn, TP.HCM có lợi thế riêng của TP.HCM.

Mục tiêu của ông là đưa TP.HCM trở lại vị trí số 1. Nhưng Đảng bộ thành phố muốn TPHCM là thành phố đáng sống nhất? Liệu có mâu thuẫn không thưa ông?

Trước đây tại sao TPHCM được gọi là Hòn ngọc Viễn Đông. Nói Singapore là số 1 của khu vực. Hơn 50 năm trước, ông Lý Quang Diệu đã nhìn về Sài Gòn và mơ ước liệu sau này Singapore có được như Sài Gòn không? Thực chất là khi tách ra khỏi Malaysia thì Singapore mới chỉ là một cái làng chài. Do đó, tôi cho rằng khi đã là số 1 thì phải là toàn diện, tổng thể.

Nhưng với rất nhiều thách thức hiện nay đặt ra cho thành phố thì ông sẽ ưu tiên cho lĩnh vực nào trước?

Thành phố có nhiều vấn đề lắm, cả về ùn tắc giao thông, an ninh trật tự, môi trường, ngập lụt… Cái gì cũng cần hết. Có thể cho rằng dàn trải, nhưng chả lẽ bảo tội phạm cứ từ từ để tôi đi chống ngập lụt, cũng không thể và ngược lại. Tôi muốn nói rằng không có nghĩa là không tập trung thì sẽ không làm. Tất cả đều phải làm nhưng mức độ sẽ khác nhau vì nguồn lực của mình có hạn .

Một số ý kiến cho rằng mô hình Chính quyền đô thị thì sẽ cần cho thành phố hơn là đặc khu kinh tế?

Vấn đề quan trọng với tôi là cần một cơ chế cho thành phố phát triển. Còn gọi là cái gì thì không quan trọng.

Theo ông có cần xây dựng riêng luật cho TP.HCM như Luật Thủ đô không?

Cũng có thể nghiên cứu. Tuy nhiên, cũng phải suy nghĩ rằng nếu địa phương nào cũng có luật riêng thì không được. Vấn đề ở chỗ là có cần thiết không và cái luật đó, hay cái văn bản đó phải phát huy được tất cả sức mạnh, tiềm năng của thành phố không. Làm sao huy động nguồn lực về trí tuệ, tri thức của thành phố, phát huy được thế mạnh về đất đai, vị trí địa lý để đạt mục tiêu phát triển kinh tế.

Giả sử có nhà đầu tư xin làm casino thì ông có đồng ý không?

Để một thành phố phát triển thì không cứ gì chỉ trông chờ ở mỗi casino. Vấn đề là được gì và không được gì. TP.HCM phát triển không chỉ phụ thuộc vào có casino hay không. Phải xem đề án như thế nào, được phản biện ra sao, được phân tích, đánh giá trên cơ sở khoa học chứ không chỉ dựa vào ý chí chủ quan của bất kỳ ai. Không thể nào chỉ đơn giản là “tôi thích casino, tôi nghe nói nó lãi lắm và quyết luôn”.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên